Cần khung pháp lý cho tài sản ảo ra sao?

Admin
Nhiều ý kiến cho rằng, tài sản số tiềm ẩn nhiều rủi ro song đây là xu hướng phát triển tất yếu.

Ngày 23/2/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với VAs (các loại tài sản ảo) và VASPs (những tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo); đồng thời chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó, thời hạn cụ thể là tháng 5/2025. 

Việt Nam đứng thứ ba thế giới về giao dịch tiền số

Theo Boston Consulting Group, tổng giá trị tài sản số đến năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Trong khi đó, theo số liệu thống kê mới đây của Crypto Crunch App, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về giao dịch tiền số, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ, với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo.

Còn theo Báo cáo thị trường crypto Việt Nam 2023 do Coin98 Insights, dựa trên 1.200 mẫu khảo sát thực hiện vào tháng 12/2023, nhà đầu tư crypto (tiền số) tại Việt Nam chủ yếu là nam giới, chiếm 85,3% và chủ yếu thuộc độ tuổi trẻ, tập trung chính ở khoảng 26 - 36 tuổi (chiếm 47,1%) và 18 - 25 tuổi (chiếm 37,9%). Báo cáo dẫn dữ liệu từ OKX và BingX cho hay, phần lớn nhà đầu tư cá nhân tập trung ở các thành phố lớn, lần lượt là TP. Hồ Chí Minh (50-54%), Hà Nội (25-30%) và Đà Nẵng (3-5%).

Mức thu nhập phổ biến của nhà đầu tư crypto tại Việt Nam là 10 - 25 triệu đồng/tháng (chiếm 45,82%) và dưới 10 triệu đồng/tháng (chiếm 26,22%). Đồng thời, dữ liệu cho thấy, đa số nhà đầu tư tham gia vào thị trường từ giai đoạn uptrend năm 2020 - 2022 với tỷ lệ 48.7%.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, thị trường trong phần lớn năm 2023 vẫn khá ảm đạm, vì lý do này gần 65% nhà đầu tư tham gia thị trường không thu được lợi nhuận, trong đó, có tới 43,6% nhà đầu tư đang chịu lỗ. Dù vậy, tỷ lệ nhà đầu tư đang chịu lỗ đã giảm so với năm 2022 (57,5%).

Thị trường ảm đạm cũng khiến nhà đầu tư điều chỉnh khẩu vị rủi ro, phần lớn nhà đầu tư phân bổ 10 - 30% hoặc 30 - 50% tổng danh mục đầu tư (portfolio) vào thị trường crypto được cho là có tính rủi ro cao này.

Đồng thời, số lượng nhà đầu tư thường xuyên sử dụng đòn bẩy cũng chỉ chiếm 25%. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch OKX, nhà đầu tư Việt Nam nhìn chung có khuynh hướng sử dụng mức đòn bẩy từ 2,5x trở lên.

Lý do khiến các nhà đầu tư mất tiền trong giai đoạn 2023 tương đối đa dạng, trong đó FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) và không lên kế hoạch giao dịch kỹ lưỡng là hai lý do nổi bật nhất, chiếm hơn 66%. Lý do lớn nhất khiến những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm bị mất tiền đến từ những sự kiện bất ngờ (FTX, Luna... sụp đổ); trong khi đó những nhà đầu tư mới thường mất tiền do FOMO nghe theo lời khuyên của người khác và sử dụng đòn bẩy không hợp lý. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm tầm trung thường mất tiền do không lên kế hoạch giao dịch cụ thể.

Đáng chú ý, những nhà đầu tư ghi nhận lỗ trong năm 2023 thường có xu hướng đầu tư Memecoin và NFT cao hơn, đồng thời họ nắm giữ ít Bitcoin hơn.

Còn theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), trong giai đoạn 10/2021 - 10/2022, giá trị VA Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD, trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Chia sẻ số liệu đáng lưu ý về thị trường VA tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) Trần Huyền Dinh thông tin, ở thời điểm tháng 5/2023, tổng giá trị giao dịch của người dùng Việt Nam chỉ riêng trên một sàn tài sản ảo top đầu đã vào khoảng 20 tỷ USD/tháng.

Thị trường giao dịch OTC (mua bán trực tiếp) VA ở Việt Nam mỗi ngày có quy mô không dưới 100 triệu USD. Đây là những số liệu thống kê ở thời điểm giữa năm 2023, khi giá trị Bitcoin chỉ khoảng 30.000 USD.

Trong bối cảnh thiếu khung pháp lý quản lý, đi cùng với sự phát triển nóng của thị trường, là số nạn nhân bị lừa đảo liên quan đến VA gia tăng báo động. Theo thống kê của cơ quan chức năng, lừa đảo đầu tư VA chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên mạng. Đã có những người bị mất hàng chục tỷ đồng vì thiếu hiểu biết khi đầu tư VA.

Thủ đoạn chung mà các đối tượng sử dụng khiến nạn nhân mắc bẫy là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo.

Các tên miền mà những sàn giao dịch này sử dụng thường chỉ tồn tại trong một thời gian, sau khi đã lừa được một lượng người nhất định thì các nhóm này sẽ chuyển sang một tên miền khác và cho sàn cũ ngừng hoạt động để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng.

Cần khung pháp lý ra sao?

Mặc dù Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ 1/3/2023, nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan Nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này…

Theo đó, các hoạt động trao đổi, mua bán VA trên các các sàn giao dịch hiện vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào. Điều này đang tạo ra không ít những thách thức đối với việc quản lý loại hình tài sản này.

Tại Họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài chính chiều ngày 29/3, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm đa dạng các sản phẩm, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng không ngừng biến đổi, phát triển ngày càng đa dạng. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, các nước vẫn đang có cách cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động này.

Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.

Ngoài ra, việc đề xuất phương án quản lý đối với tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý tại Việt Nam do các sản phẩm này chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số; công tác quản lý, giám sát các hoạt động liên quan cũng đòi hỏi một hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, trình độ cao.

Do đó, trong giai đoạn này, các bộ, ngành đã cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng về rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư vào tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia đầu tư các sản phẩm này.

Trước đó, trung tuần tháng 3, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội thảo khoa học góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo. Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực VBA, với xu thế phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, Việt Nam cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).

Điều này nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “xám” theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền.

“Chúng ta phải hiểu là Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng không phải là nhằm hạn chế hoạt động của Blockchain, mà là đưa các hoạt động này vào khung khổ, vào quản lý để giảm thiểu rủi ro cho Việt Nam khi có thể bị đưa vào danh sách "vùng xám" về rửa tiền. Đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách mà cơ quan quản lý nhà nước buộc phải làm theo thông lệ quốc tế”, ông Trung nhận xét.

Với nhận định trên, ông Phan Đức Trung đưa ra 3 đề xuất đối với các đơn vị liên quan đến VA và VASP. Thứ nhất, cộng đồng và các VASP tích cực đề xuất các giải pháp và phối hợp với các Cơ quản quản lý, hiệp hội nghề nghiệp trong các vấn đề hoạt thiện cơ sở pháp lý VA và VASP.

Thứ hai, hỗ trợ các hoạt động phổ biến nhận thức cộng đồng ở khối tư nhân như Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 thông qua việc chuẩn bị các chương trình đào tạo cho khách hàng của mình, chứng minh các quy trình tuân thủ và phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động bảo vệ lợi ích cộng đồng chống lừa đảo.

Thứ ba, cùng hội nghề nghiệp chủ động sẵn sàng đóng thuế và đề xuất các giải pháp được đóng thuế để khẳng định vai trò của VA và VASP đóng góp vào nền kinh tế đất nước.

Tại Diễn đàn Tài sản số 2024 diễn ra chiều 28/3, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung (Học viện Tài chính) cho biết, lần đầu tiên biết đến Bitcoin vào năm 2019. Khi kiểm tra biểu đồ giá, cảm giác rất FOMO, tuy nhiên bà Dung không dám đầu tư vì rủi ro, chưa có khung pháp lý. “Chúng ta cũng không thể đầu tư khi chưa nắm được cách thức kỹ thuật và tổ chức đằng sau vận hành”, bà Dung nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital) cho biết, tài sản số có nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều rủi ro như pháp lý, cơ chế quản lý ngoại hối và lừa đảo. Đáng chú ý, thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo.

“Khi thị trường không phân biệt được là vàng hay đồng thau thì những người càng ít hiểu biết càng khó phân biệt và quyết định tài sản của mình”, Hưng ông nhấn mạnh.

Chủ tịch SSI Digital cho rằng, rất cần xây dựng một môi trường đầu tư an toàn và minh bạch. Ông bày tỏ mong muốn Việt Nam có đầy đủ cơ sở để xin cơ chế đặc thù hợp pháp, để mọi người có thể tham gia chính thống, tạo ra một nơi để tất cả startup công nghệ nương tựa và huy động vốn.

Nói thêm, ông đề xuất xây dựng khung pháp lý kiểm soát giao dịch tài sản số, thúc đẩy kiến tạo môi trường phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, phát triển các ứng dụng blockchain và dịch vụ kỹ thuật. Từ đó giúp giữ lại tài năng trong nước, tránh chảy máu chất xám, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

“Khi các dòng tiền đầu tư được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch, rủi ro an ninh tiền tệ sẽ được giảm, sẽ góp phần tăng cường tài chính quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách thông qua kiểm soát thuế, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư”, ông Hưng khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhấn mạnh, việc định hình những cơ hội và thách thức do tài sản số mang lại, tạo ra “luật chơi”, khuôn khổ cho loại tài sản này là vấn đề cấp thiết.

“Nếu phát triển và khai thác tốt các nền tảng giao dịch tài sản số, Việt Nam có thể thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo thuận lợi, khuyến khích các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới ra đời, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia”, ông Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng và để thành công, cần có sự tham gia của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp và nhà khoa học, chuyên gia công nghệ.

Mặt khác, theo Giám đốc Pháp chế Tuân thủ Toàn cầu OKX - Macolm Wright, việc giám sát giao dịch và xây dựng khung thuế cho tài sản số sẽ góp phần chống lại các gian lận, bảo đảm các quy định về chống rửa tiền. Giám sát giao dịch hiệu quả có thể coi là tuyến phòng thủ hiệu quả tính minh bạch của thị trường tài sản số cũng như người tiêu dùng trước những nguy hại tiềm ẩn. Còn việc bảo đảm khung thuế cho các giao dịch sẽ thúc đẩy nền kinh tế số phát triển mạnh.

T.M (tổng hợp)