Cảnh báo nguy cơ mất tiền khi điện thoại có biểu hiện bất thường

Admin
Cơ quan công an khuyến cáo, khi phát hiện điện thoại di động có biểu hiện bất thường, người dân cần kiểm tra để tránh bị chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Những cái "bẫy" khó lường trên không gian mạng

Ngày 7/6, tin từ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận điều tra, xác minh, triệt phá nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Một lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, tại tỉnh Đắk Lắk tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến tương đối phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đặc biệt, tội phạm lừa đảo trực tuyến có xu hướng ngày càng gia tăng với phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn và phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Dòng chảy pháp luật - Cảnh báo nguy cơ mất tiền khi điện thoại có biểu hiện bất thường

Hàng trăm người dân trên cả nước bị đối tượng tội phạm trên không gian mạng chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2021 đến nay, hàng năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra hàng trăm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền bị chiếm đoạt từ 50 đến 70 tỷ đồng....

Tháng 5/2023, lực lượng chức năng Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đấu tranh làm rõ và bắt giữ đối tượng Vũ Duy Sơn (SN 1997, trú tại thành phố Hà Nội) đã cùng với nhóm đối tượng ở nước ngoài tạo lập, quản lý ứng dụng “kỹ nữ”, sử dụng nhiều hình ảnh, video nhạy cảm để gây tò mò, kích thích, lôi kéo người dùng tham gia, chat sex.

Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải nạp tiền làm nhiệm vụ để được nâng cấp độ thành viên và chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người dân trên cả nước với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Cũng trong năm 2023, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can đối với Trần Thanh Thọ (SN 1998) và Phan Văn Trung (SN 1989, cùng trú tại tỉnh Quảng Nam) về tội Sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Quá trình đấu tranh, Thọ và Trung khai nhận, bằng hình thức giả danh tổ chức tín dụng, ngân hàng chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản thanh toán Zalopay, Momo, các đối tượng đã thực hiện hàng trăm vụ lừa đảo trên cả nước, chiếm đoạt số tiền trên 5 tỷ đồng.

Mới đây, vào tháng 4 và tháng 5/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã triệt phá 2 vụ với 2 đối tượng sử dụng thủ đoạn đăng bài bán hàng trực tuyến sau đó yêu cầu người mua phải đặt cọc tiền hàng để chiếm đoạt với tổng số tiền hàng tỷ đồng của hàng trăm bị hại trên cả nước.

Sau khi nhận tiền đặt cọc xong, các đối tượng nhanh chóng xóa tin nhắn và chặn liên lạc với bị hại. Các đối tượng sử dụng nhiều thuê bao không chính chủ, mua tài khoản ngân hàng của người khác để nhận tiền cọc hàng, nhằm trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Vạch trần những thủ đoạn lừa đảo

Thượng úy Lê Tuấn Anh, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho hay: “Tội phạm lừa đảo trực tuyến tìm mọi cách để tấn công vào các tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội”.

Cụ thể, các đối tượng giả danh cơ quan chức năng, ngân hàng yêu cầu chuyển tiền phục vụ điều tra hoặc cung cấp thông tin ngân hàng; hack tài khoản mạng xã hội sau đó nhắn tin mượn tiền người thân; gửi đường link giả mạo ngân hàng, link bình chọn… để thu thập thông tin ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Dòng chảy pháp luật - Cảnh báo nguy cơ mất tiền khi điện thoại có biểu hiện bất thường (Hình 2).

Người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. 

Mặt khác, đối tượng còn hướng dẫn làm nhiệm vụ, yêu cầu chuyển thêm tiền mới nhận được khoản tiền đã đóng trước. Đồng thời, đánh vào tâm lý ham làm giàu, làm giàu nhanh của một số người dân để kêu gọi đầu tư chứng khoán, tiền ảo trên các sàn giả mạo.

Không ít đối tượng còn lợi dụng vào vấn đề sức khỏe, sinh lý của con người để bán các loại thuốc điều trị, thực phẩm chức năng hoặc đề nghị chat sex sau đó thu thập hình ảnh, video để tống tiền.

Theo Thượng úy Lê Tuấn Anh, đây là phương thức, thủ đoạn mới vô cùng tinh vi của các đối tượng phạm tội, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương...

Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng triệt để sử dụng tài khoản Zalo, Facebook ảo để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm, đi xuất khẩu lao động với thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu có, nhàn hạ. Sau đó, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các đối tượng còn tạo lập nhiều trang, nhóm Facebook giả mạo cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, luật sư nhận thu hồi tiền bị lừa đảo cho nạn nhân. Sau đó, yêu cầu nạn nhân đóng phí làm hồ sơ (từ 10-30% số tiền bị lừa) để chiếm đoạt.

Để tránh bị mắc “bẫy” của tội phạm sử dụng công nghệ cao, Thượng úy Lê Tuấn Anh khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng cho đối tượng thông qua số điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, đặc biệt là mã OTP.

Khi nhận được các cuộc gọi liên quan đến thông báo của cơ quan chức năng thì người dân không được tin tưởng để làm theo.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, cập nhật phiên bản hệ điều hành trên điện thoại di động, máy tính. Không cài đặt ứng dụng từ website mà chỉ nên tải ứng dụng trên các nền tảng uy tín như CH Play, Appstore; không được nhấn vào đường link lạ.

Dòng chảy pháp luật - Cảnh báo nguy cơ mất tiền khi điện thoại có biểu hiện bất thường (Hình 3).

Các đối tượng sử dụng nhiều máy móc thiết bị để thực hiện hành vi phạm tội. 

Tuyệt đối không cho mượn, cho thuê giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng, hay nhận tiền chuyển khoản từ người không quen biết.

Đặc biệt, khi phát hiện điện thoại di động có biểu hiện bất thường như: Điện thoại nóng ran, nhanh hết pin, thao tác chậm, giật, xuất hiện nhiều ứng dụng lạ thì người dân cần nhanh chóng tắt kết nối mạng. Sau đó, đến cửa hàng điện tử để kiểm tra thiết bị có bị chiếm quyền điều khiển hay có ứng dụng virus đang chạy ngầm.

Bởi đây là những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn thiết bị và tài khoản ngân hàng, mạng xã hội của người dùng.

Nếu không may trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh và liên hệ các cơ quan chức năng để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

“Người dân thường cảm thấy xấu hổ, ngại phiền phức nên không trình báo đến cơ quan công an khi số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt ít. Tuy nhiên, thực tế, dù người dân bị chiếm đoạt số tiền ít thì cơ quan công an vẫn phải làm đến nơi đến chốn, chỉ cần có trình báo”, một cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhấn mạnh.

Khánh Ngọc