Dân ta có cách ví von rất hay, cái gì cứ phức tạp, quấn lấy nhau, rối rắm... thì nói: Rối như canh hẹ. Là những cái lá hẹ bé tí ấy, khi nấu canh chúng quấn lấy nhau, gắp cả thì chướng, mà gỡ ra thì khó, bèn chặc lưỡi: rối như hẹ.
Có mấy thông tin trên báo chí mấy hôm nay khiến dân tình xôn xao, có vẻ cũng như... canh hẹ.
Một là chuyện ông thượng tọa là tiến sĩ luật chuyên ngành Luật Hiến pháp - hành chính, từ khi ông tốt nghiệp đại học tại chức tới khi thành tiến sĩ vừa được... 2 năm. Chính cái trường tổ chức cho ông thành tiến sĩ này trước đó đã có quy định là “thời gian đào tạo (tiến sĩ) đối với người có bằng đại học là 4 năm tập trung liên tục”, nhưng sau đó có “thay đổi chút xíu” trong một thông báo khác: “Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho phép nghiên cứu sinh được gia hạn thời gian đào tạo..., thời gian gia hạn không quá 24 tháng”.
Và ngay lập tức báo chí và cư dân mạng phát hiện rất nhiều bất thường từ cái bằng tiến sĩ của vị thượng tọa này.
“Bất thường hợp lý” là bằng đại học tại chức nhưng được thi thẳng lên làm tiến sĩ. Gọi “Bất thường hợp lý” bởi trước đó, bằng tại chức hay chính quy đã được Nhà nước xếp ngang hàng nhau, dù ai cũng biết học tại chức nó là như thế nào, nhất là thời gian khoảng hơn mười năm trở về trước?
Bất thường không hợp lý là, trong khoảng thời gian ấy, nghiên cứu sinh tiến sĩ vừa phải học, vừa phải làm rất nhiều việc, trong đó có cả việc thực hiện các bài báo khoa học để in ở những tạp chí uy tín. Người làm tiến sĩ không qua thạc sĩ phải học tối thiểu 120 tín chỉ. Với thời gian 2 năm ấy, chỉ nguyên học đủ 120 tín chỉ liệu có kịp không? Bởi cái quan trọng nhất của học tiến sĩ, ai cũng biết, là viết luận án và bảo vệ qua các cấp hội đồng.
Nhưng thôi, ông đã là tiến sĩ được vài năm rồi, và nhà trường đã thông báo là việc ông làm tiến sĩ, bảo vệ tiến sĩ và bằng tiến sĩ của ông là hợp lệ thì chúng ta tin là nó hợp lệ. Chắc chắn, một trường đại học luật to và uy tín như thế không thể làm sai, dẫu hôm qua một tờ báo lớn chạy tít: “2 năm làm xong tiến sĩ như thượng tọa Thích Chân Quang là “siêu phàm””. Thì phải siêu phàm như thế nào mới được dân chúng xôn xao đến thế chứ ạ?
Thì cũng chả từng có hồi báo chí và các cơ quan chức năng đã phát hiện ra cái “lò ấp tiến sĩ” to oành giữa Thủ đô đấy thôi. Mà cũng xôn xao một dạo rồi thôi thật, thấy có vài tiến sĩ ở lò ấp này giờ vẫn đi ngồi hội đồng chấm thạc sĩ khắp nơi, rao giảng khắp nơi, xưng tiến sĩ khắp nơi.
Tiến sĩ mà nửa tiếng Anh không biết, tiếng Pháp, Nhật, Trung các cái càng mịt mù, nhưng mục tài liệu tham khảo thì dày đặc sách nước ngoài. Ông bạn kể, ông từng giúp một tiến sĩ “hiệu đính” tên tiếng Anh ở mục tài liệu tham khảo trong luận án của người này, vì chỉ chép lại thôi nhưng cũng sai be bét.
Chuyện hai là các trường phổ thông trung học ở Đắk Lắk tổ chức thi tuyển vào lớp 10 trường công lập, và có trường lấy tổng điểm 3 môn 5 điểm là được vào lớp 10.
Cách đây mấy ngày, tôi có viết bài “Oái oăm chuyện thi” đăng ở mục này, có đoạn: “Còn cuộc thi căng thẳng nhất, máu lửa nhất, gian nan khổ ải nhất là cuộc thi vào lớp 10 trường công ở các thành phố lớn.
Nơi ấy số học sinh có thể vào trường so với số thí sinh dự thi chênh lệch khá lớn, nên nó là cuộc thi thực sự, nhiều gia đình mất ăn mất ngủ”.
Té ra tôi đã nhầm, dẫu cái câu tôi trích kia có thòng thêm mấy chữ “ở các thành phố lớn”, nhưng vẫn không tin được là, ở các tỉnh, đầu vào lớp 10 trường công nó lại... thanh thản thế. Và nghe cách giải thích của sở Giáo dục Đào tạo Đắk Lắk thì thấy té ra nguyên nhân từ đây: “Học sinh chưa trải qua kỳ thi nào trong suốt chín năm học. Các em chỉ thực hiện các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ nên việc chuẩn bị tâm lý, kỹ năng thi cử chưa tốt”, một tờ báo trích dẫn ý kiến lãnh đạo sở Giáo dục Đào tạo Đắk Lắk.
Lâu nay, chuyện bằng cấp ở nước ta nó cứ như một trận đồ bát quái. Chúng ta hết sức “tôn trọng” bằng cấp nên có khá nhiều người có tới 2 - 3 bằng đại học nhưng chưa từng biết cái cổng trường đại học (vì toàn học tại chức, và các trường đại học “chiều” học viên nên về mở các lớp tại chức, từ xa... tới cấp huyện). Rất nhiều bằng giả xuất hiện.
Bằng giả không học đi mua cũng có, bằng giả nhưng có đi học cũng có vân vân các kiểu. Tất nhiên chúng ta đều biết, những người bình thường chả ai việc gì phải đi mua bằng giả, trừ bằng... lái xe vì họ phải sử dụng phương tiện, còn bằng cấp khoa học thì chủ yếu để... làm quan, nên chỉ ai là quan mới cần. Và đa phần những người đi mua ấy, về để làm quan, để lãnh đạo những anh bằng thật.
Một thời nó thế, và bây giờ vẫn thi thoảng còn.
Sáng, một ông bạn nhắn cho tôi danh sách một loạt những người cùng thời ông sử dụng bằng “không phải là thật”. Một số là cấp dưới của ông, một vài lại là lãnh đạo của ông. Còn có chuyện hài hước thời ấy là, một ông phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã làm chủ tịch hội đồng thi huyện mình, hôm ấy đi phát biểu, đi chỉ đạo ghê lắm. Tới lúc người ta phát hiện, kỳ thi ấy, đúng lúc ông đang chỉ đạo ấy, thì ông đang phải ngồi làm bài thi ở một hội đồng thi khác.
Thế là họp, và cách giải quyết “hợp lý” nhất khi ấy là, khiển trách hay cảnh cáo chi đó, ổng đang phó chủ tịch phụ trách văn xã, giờ cắt món giáo dục giao người khác, ông vẫn là phó chủ tịch nhưng chỉ còn phụ trách mảng văn hóa thể thao.
Một ông nữa, giám đốc một sở lớn, nguyên bí thư một huyện, cũng bị phát hiện bằng giả, cũng xử lý bằng cách cảnh cáo nhưng cho tại vị tới hết nhiệm kỳ. Hồi ấy chưa có lò của cụ tổng bí thư nên mọi việc cứ nhẹ hều. Cũng có thể bởi những người xử lý hồi ấy cũng... rưa rứa.
Nên chuyện bằng cấp và thi cử ở nước ta, nó cứ như... canh hẹ là thế.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!