May thay, nhìn bề ngoài, ông tôi có vẻ không bị thương trầm trọng lắm. Sau khi vào viện, các bác sĩ thăm khám kết luận ông bị rách ở trán, phải khâu 7 mũi, tụ máu ở một số điểm, tổn thương phần mềm. Phần đầu và xương không bị làm sao, thật hú vía.
Về tới nhà, đợi hồi lại, ông kể: “Ông đang đi sát vỉa hè thì có một chiếc xe máy lao tới, đụng trúng tay lái của ông. Cú va chạm nhẹ thôi nhưng cũng đủ khiến ông loạng choạng và ngã ra hè, đập một nửa người xuống nền xi măng. Rồi sau đó mọi người giúp ông báo tin về nhà.
Ở tuổi ngoài 80, ông tôi vẫn thường tự đạp xe đạp đi loanh quanh, thăm thú bạn bè. Vì ông vốn khỏe mạnh, đầu óc tỉnh táo minh mẫn nên cả nhà thấy không có gì đáng lo khi ông vẫn tự đi lại ngoài đường. Chiều đó, bố tôi trở lại góc phố nơi ông bị ngã để lấy chiếc xe đạp ban sáng gửi tạm ở nhà dân ven đường. Tiện thể, bố dắt xe đạp của ông ra hàng sửa vì chiếc bánh xe phía trước đã bị cong, vênh.
Tuy nhiên khi ra tới cửa hàng rồi, qua xem xét, bố tôi giật mình phát hiện là hóa ra, chiếc xe đạp của ông đã bị han gỉ từ lâu, hai bên càng xe phía trước đều đã nứt gãy. Còn ông thì vẫn đều đặn đi trên chiếc xe đạp đó mà không hề biết có nhiều nguy cơ đang rình rập.
Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi còn phát hiện có nhiều việc mình còn chủ quan, không làm chu đáo. Chẳng hạn như ông đi ra ngoài nhưng không mang theo biển ghi tên, số điện thoại, địa chỉ để phòng những tình huống bất trắc như thế này. May mà lúc ông bị ngã còn tỉnh táo nên có thể nhờ mọi người gọi giúp cho các con. Sống cùng nhà nhưng con cháu cũng không để ý xem ông đang sử dụng loại thuốc nào, hồ sơ khám bệnh để đâu... để khi cần có thể trao đổi tiền sử bệnh của ông với bác sĩ (bình thường, ông tôi vẫn thường tự đi khám và nhận thuốc).
Kể lại câu chuyện này, tôi muốn chia sẻ bài học khi trong nhà có người già sẽ cần phải quan tâm sát sao, chu đáo hơn. Không chỉ là những bữa ăn, là những lời hỏi thăm mà còn phải để ý cả tới đồ dùng, quan tâm các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già. Đừng để có vấn đề gì thì con cháu mới ân hận “giá như...”.