Chọn bạn đời, thu nhập có phải tiêu chí đầu tiên?

Admin
(PNTĐ) - "Khi quyết định lấy chồng, chọn người có thu nhập cao có phải là thực dụng? Hôn nhân không tiền có hạnh phúc được không?" - đó là tranh luận không hồi kết trên các diễn đàn mạng xã hội (MXH) và cả trong giới chuyên gia, học thuật.
Chọn bạn đời, thu nhập có phải tiêu chí đầu tiên? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Không thể duy trì hôn nhân bền vững mà không có tiền?

Minh Tâm là người theo chủ nghĩa lãng mạn. Cô tin rằng, tình yêu có thể chiến thắng mọi thứ. Và cô có một tình yêu không màng vật chất kéo dài 6 năm. 

Năm nay, hai người dự tính kết hôn nên đã ngồi lại bàn bạc các chi phí cho đám cưới. Con số dự trù đã lên đến hơn 200 triệu đồng, trong khi đó, người yêu của Minh Tâm thu nhập chỉ ở mức trung bình, gia đình cũng không mấy khá giả. Anh muốn cắt giảm nhiều khoản chi phí trong đám cưới để tiết kiệm nhưng Minh Tâm không đồng ý. Cô muốn đây là đám cưới đáng nhớ trong đời. Và cứ thế những mâu thuẫn nảy sinh.

Cô gái 27 tuổi bắt đầu ngồi suy ngẫm, cân đo đong đếm giữa tình yêu và kinh tế hôn nhân. Cuối cùng, cô dẹp bỏ chủ nghĩa lãng mạn mình từng tôn sùng để nhìn vào thực tế: Hôn nhân không có tiền liệu có hạnh phúc không? Cô tính sơ sơ, mới chỉ chuyện cưới xin đã chắt bóp như thế thì sau này về sống chung, sinh con, lo bên nội bên ngoại, cuộc sống của cả hai sẽ chật vật vô cùng. 

Sau vài tháng chia tay mối tình 6 năm, Minh Tâm lên xe hoa với người đàn ông Hà Nội, có thu nhập gần trăm triệu mỗi tháng. Người yêu cũ biết tin, trách cô "tham phú phụ bần". Vài người bạn chơi chung cũng bóng gió nói cô vì tiền mà phản bội người yêu cũ. 

Không chỉ có Minh Tâm, nhiều chị em phụ nữ chuẩn bị bước vào hôn nhân hoặc đang ở trong hôn nhân cho rằng, tiêu chí thu nhập của người đàn ông đóng vai trò rất quan trọng.

Mới đây thôi, một câu chuyện được chia sẻ trên MXH xoay quanh vấn đề cơm áo gạo tiền khi lấy chồng. Chị Thu Thảo chia sẻ: "Hồi trước nghĩ không có tiền thì chẳng có gì đáng sợ, tiêu hết thì thôi, cùng lắm bóp mồm bóp miệng không ăn vặt, không mua linh tinh nữa. Giờ mới hiểu, mình có thể nhịn ăn cả ngày nhưng con mình thì không thể thiếu một bữa. Mình có thể không sắm này sắm kia cho bản thân nhưng phải sắm bỉm, sữa, thuốc... cho con. Vậy mới biết, không có tiền đáng sợ như thế nào? Chị em ạ, kết hôn đúng là vì tiền đấy! Không trách đồng tiền, chỉ trách chồng không kiếm được nhiều tiền". 

Lướt một vòng trong nhóm "Kết bạn bốn phương" sẽ gặp rất nhiều dòng trạng thái tìm kiếm mối quan hệ lâu dài. Trong đó, rất nhiều chị em U40 nhấn mạnh tiêu chí về thu nhập. Chị Hoàng Thủy (42 tuổi, nhân viên văn phòng) đăng tin: "Tôi tìm bạn đời ngang tuổi, trầm tính, có nhà, có xe và thu nhập phải trên 50 triệu/tháng". Bên dưới dòng trạng thái này, số bình luận chỉ trích chị Hoàng Thủy quá vật chất, hám tiền của đàn ông.

Phản bác lại những bình luận chống lại quan điểm của mình, chị Hoàng Thủy viết: "Bạn không thể yêu cầu một người phụ nữ có mức lương 15 triệu/tháng phải cảm thấy hài lòng với người chồng hay bạn trai thu nhập 6-7 triệu. Phụ nữ kiếm đàn ông thu nhập cao, đôi khi không phải do họ lười kiếm tiền, mà vì họ muốn ở bên người tương xứng với mình".
 
Hôn nhân bền lâu phụ thuộc vào yếu tố nào?
Khi một người phụ nữ nêu quan điểm, họ muốn yêu và cưới người đàn ông giàu có thì họ đã xác định sẽ nhận chỉ trích từ dư luận. Trong suy nghĩ của đại đa số dư luận, phụ nữ "đạo" vật chất của đàn ông là người thực dụng, lười biếng, ỷ lại... Nhưng một bộ phận khác lại cho rằng sức mạnh của một cuộc hôn nhân sẽ phụ thuộc vào... số tiền mà người đàn ông kiếm được để lo cho gia đình chứ không chỉ là tình yêu. 

Theo khảo sát "Biến đổi về quan niệm hôn nhân trong xã hội hiện đại" của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (thực hiện năm 2021) ghi nhận, hơn 68% người tham gia coi kinh tế là yếu tố quan trọng duy trì sự bền vững trong hôn nhân. Nó cao hơn các tiêu chí như văn hóa, xã hội, tâm lý, tình cảm, tình yêu. 

Cần chấp nhận thực tế trong xã hội hiện đại rất nhiều người chỉ cảm thấy hạnh phúc và an toàn khi nhu cầu vật chất được bảo đảm, đáp ứng đầy đủ. Từ đó, cảm xúc của họ mới thăng hoa, tình cảm mới có thể thả lỏng để phát triển. 

Khảo sát trên dịch vụ hẹn hò Rudicaf, tệp khách hàng có bảng lương 300 triệu/tháng và yêu cầu tìm người có thu nhập từ đó trở lên để hẹn hò. Danh sách khách hàng "tìm vợ" của Rudicafcó nhiều ứng viên thỏa mãn yêu cầu này nhưng họ không ưu tiên hẹn hò với những phụ nữ thu nhập cao. Họ cần nhiều thời gian và tâm trí cho công việc nên hướng đến người phụ nữ đem lại cảm giác cân bằng, nghĩa là người có khả năng chăm sóc họ, hướng về gia đình nhiều hơn. 

TS Nguyễn Thị Minh - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng không nên lấy thu nhập làm tiêu chí để chọn bạn đời. Bởi thu nhập của một người có thể thay đổi theo thời gian, trồi sụt do biến cố cuộc đời. Ví như phi công có thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhưng đại dịch ập đến, họ thành kẻ thất nghiệp. Nếu tiền bạc là thước đo, bạn có thể bỏ lỡ người tốt. 

Hôn nhân là hành trình nhiều sóng gió, đòi hỏi hai người phải đồng cam cộng khổ, có nghị lực thì mới có bền vững dài lâu. Tài chính quan trọng nhưng nó chỉ là một phần của hôn nhân. Người có khả năng kiếm tiền chưa chắc đã có đạo đức khiến bạn hạnh phúc trong hôn nhân. Vì vậy, người đồng hành với bạn trong cuộc hôn nhân phải là người cạnh bạn lúc khó khăn nhất, nâng đỡ khi có thể, người ấy cũng là người biết đối nhân xử thế và phải chịu được khổ, bản lĩnh trước thách thức.

Hai người bạn đời phù hợp và có thể đồng hành cùng nhau cần tương đồng "tam quan" là thế giới quan (cách nhìn nhận mọi thứ diễn ra xung quanh), nhân sinh quan (cách nhìn và nhận đánh giá con người) và giá trị quan (cách ta coi điều gì là giá trị, là quan trọng và cần ưu tiên). Các yếu tố như ngoại hình, công việc, học vấn, sở thích cũng quan trọng nhưng nếu cứ mải miết tìm người đáp ứng đủ các tiêu chí trên thì đó là điều không tưởng. 

Khi vợ chồng đồng thuận, hỗ trợ cho nhau trong hành trình mưu sinh thì dần dần, thu nhập sẽ đến.