Chuyện ở di tích Bà Triệu

Admin
Tôi vừa có chuyến đi chơi, nói chữ là “về nguồn” hết sức thú vị.

Ấy là một cú bay Pleiku- Hà Nội giữa những ngày miền Bắc lạnh nhất, thứ mà tôi rất thèm kể từ năm 1975 về quê, rồi định cư ở Tây Nguyên, hàng năm đều cố gắng trước hoặc sau tết làm một cú ngược Bắc để hưởng rét. Rồi từ Hà Nội, cùng mấy văn nhân hợp cạ xuôi Thanh Hóa bằng ô tô, dự đám cưới con anh bạn nhà thơ. Thanh Hóa chính là nơi ba tôi từ Huế ra, mẹ tôi Ninh Bình vào, gặp nhau ở đấy, lập gia đình rồi sinh ra anh em tôi. Nhẽ sẽ tuột về Hà Nội ngay sau đám cưới, nhưng chiều tôi, các bạn đã “lênh đênh” cùng tôi qua mấy nơi đầy ký ức tuổi thơ của tôi, là cái làng Phú Điền, ngay bên quốc lộ 1, nơi ngày xưa nhà máy Diêm của mẹ tôi sơ tán về đấy rồi gia đình tôi sinh sống cho tới năm 1975, rồi xuyên qua Nga Sơn, qua Ninh Sơn, thăm cồn Nổi, ghé Ninh Mỹ, Ninh Bình quê ngoại tôi cho tôi thắp hương ông bà và gặp gỡ bạn văn Ninh Bình.

Nó thú vị vô cùng, thon thót vô cùng, các kỷ niệm thời... trẻ con ấy.

Nhưng tôi muốn nói tới cái địa danh Phú Điền với di tích lịch sử Đền Bà Triệu.

Đa chiều - Chuyện ở di tích Bà Triệu

Hồi nhỏ tôi ở đây và chứng kiến bà con quý mến, trân trọng, truyền đời thờ cúng bà như thế nào. Hồi ấy đa phần là tự phát, thậm chí là dấm dúi làm chứ chưa có ban quản lý di tích hoặc trung tâm bảo tồn di sản văn hóa như giờ. Làm giỗ bà to quá còn bị coi là... mê tín dự đoan.

Nhưng dân làng vẫn làm, dù hồi ấy Thanh Hóa đói lắm. Tôi vẫn nhớ cảm giác mình được ăn xôi gà ngon tới như thế nào trong những ngày ấy.

Tượng bà để trong đình. Khu di tích giờ có tới mấy điểm: Đình, Đền và lăng mộ bà... Sở dĩ tượng bà được thờ trong đình vì dân làng, từ ngày ấy đã tôn bà là thần hoàng làng. Theo lịch sử thì ngôi đình này được xây dựng vào thế kỷ 17, và hiện nay được đánh giá là một trong những ngôi đình đẹp nhất miền Trung.

Tượng bà đặt ở hậu cung trong đình. Ngày giỗ mới được rước lên ngai mang lên đền cúng xong lại khiêng về. Và dẫu khiêng thì cũng phải che kín mít, chả ai được ngắm trừ mấy cụ bô lão trực tiếp được vào bế tượng lên kiệu và rồi rước kiệu. Thế mà nào đã yên, thi thoảng kiệu bà cứ xoay tròn, dùng dằng đi tới đi lui chứ không đi thẳng ra đền được. Thế là tìm nguyên nhân. Về nguyên tắc, bà Triệu là người “Ái khiết úy ố” tức là yêu sự trong sạch, sợ sự nhơ bẩn, nên những người đàn ông được giao khiêng kiệu phải tới mươi ngày chay tịnh, sạch sẽ, phải kiêng khem không gần gũi vợ, đồ cúng phải rất sạch.... cứ thế lần nguyên nhân rồi... sửa. Xưa, giặc Đông Ngô biết được sự “ái khiết úy ố” của bà, nên khi giao chiến, cho quân lính khỏa thân đối đầu với bà khiến bà xấu hổ phải lui quân và rồi thác trên đỉnh núi Tùng.

Đa chiều - Chuyện ở di tích Bà Triệu (Hình 2).

Tôi say sưa kể cho các bạn văn mấy “sự tích ngoài lề” về bà. Những là bà bị giặc đuổi, phải chạy tới một thửa ruộng, chị em đang cấy và bà ào xuống cấy cùng chị em. Giặc chạy tới ngơ ngác không biết “con giặc” vừa chạy trước mặt đâu mất, chỉ thấy mấy bà phụ nữ đang cấy. Chợt một cơn gió, cái yếm của bà đứt dậy, cặp nhũ hoa mà tương truyền là rất dài ấy, thõng xuống bùn. Giặc thấy... sợ quá, sao lại có người... 4 tay, bỏ chạy và bà thoát.

Nữa là, những đêm đẹp trời, người ta vẫn thấy một ngôi sao vút từ mộ bà trên đỉnh  núi xuống đền cách đấy dăm trăm mét.

Nữa là hồi chiến tranh phá hoại, đây là cái rốn bom, bởi là quốc lộ, hai đầu là hai trọng điểm gần nhau: cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng. Nhiều khi thấy rất rõ một quả bom trùi trũi lao thẳng xuống nóc đền, nhưng tới gần, như có bàn tay phất, quả  bom lại  chệch ra. Nên vùng này hồi ấy hố bom như bát ngửa (lâu nay hay dùng bát úp có vẻ chưa đúng), nhưng riêng đền bà và mộ bà không suy suyển.

Nữa là, khi bị giặc đuổi bằng kế cho lính khỏa thân đánh nhau với liền bà, bà Triệu lập đàn cầu đảo. Trời nổi giông gió, mây đen ùn ùn kéo đến, bà rời mình voi leo lên núi Tùng. Mưa gió ngớt, 3 ông tướng tùy tùng lên tìm thì thấy bà đã hóa, và chỗ ấy mối đùn lên một cái mộ. Họ bèn đắp mộ cho bà ở đấy, sau đó xuống núi cùng hóa. Nên giờ trước khi leo 315 bậc tam cấp đá lên khu mộ bà, chúng ta phải đi qua 3 ngôi mộ, hồi nhỏ tôi thấy gọi là tam quan, lại tưởng là ngã ba đường, chính là mộ 3 vị quan trung thành của bà...

Đã được một người bạn là Giám đốc nhà xuất bản Thanh Hóa quen với Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thanh Hóa gọi trước nên chúng tôi được mở cửa cho vào thắp hương hậu cung đền Bà. Khách bình thường chỉ được chiêm ngắm ở mấy gian ngoài. Cũng như thế là đình, chúng tôi được vào hậu cung, nhưng không được chiêm ngắm tượng bà vì cái ngai được che kín. Cũng nên thế, cái gì huyền ảo tí nó càng thiêng, mà bà thì mất cách đây gần hai ngàn năm rồi, chính xác là 1776 năm...

Lại nhớ năm nào đấy, tôi cùng bạn học cấp 3 Hậu Lộc xưa cùng leo lên núi Tùng, ông Đại tá pháo binh bạn học bảo: chỗ này mà phòng thủ thì tuyệt vời. Lần đi này cũng có một ông Đại tá, nhưng là Đại tá nhà văn, thì thốt lên: Tuyệt quá, làng đẹp quá, là khi ông đứng trên đỉnh núi nhìn về làng Phú Điền.

Bà Triệu là người phụ nữ đầu tiên của nước ta được triều đình phong kiến phong thần. Các triều sau phong là “Thượng đẳng thần”, còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khẳng định Bà Triệu là anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Bây giờ thì khang trang lắm rồi, tôi đưa bạn văn tới cả mấy địa điểm lịch sử, và thấy may, cái thời phản phong rầm rộ thế, người người nhà nhà triệt tiêu mê tín dị đoan thế, và cũng đói thế, mà dân vẫn âm thầm lầm lũi gìn giữ bà, thờ cúng bà, lúc công khai lúc... lén lút, để giờ, cơ ngơi di tích hết sức bề thế, hoành tráng và rộng lớn, là “khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt” với các di tích liền nhau như một quần thể: Đền Bà Triệu, lăng mộ bà, mộ ba ông tướng họ Lý (quan tùy tùng của bà), đình Phú Điền, đền Đệ tứ, miếu Bàn Thề.

Đa chiều - Chuyện ở di tích Bà Triệu (Hình 3).

Có một chuyện vui, phía ngoài đền Bà Triệu, như thường lệ, có một số bà con ngồi bán các thứ đồ lễ và bốc sớ coi bói. Chúng tôi đã chuẩn bị hương và cả phong bì công đức nên không mua. Lúc ra, một bà gọi đúng tên tôi, bảo ngày xưa từng học cấp hai với tôi “tau học với mi mà mi không nhớ mô”, và đưa cho tôi hai lá bùa. Tôi chết đứng vì ngạc nhiên và bất ngờ, lúng túng và cả... ngu xuẩn hỏi: bao nhiêu tiền đây. Bà ấy bảo: không, tau tặng mi mà, mi một cấy vợ mi một cấy...

Một trời tuổi thơ òa vỡ cho tới cả khi ngồi viết bài này. Nó rưng rưng rạo rực, và cả nỗi ân hận ăn năn, bởi mình có thể ứng xử khác, rất khác với bạn học cũ của mình hơn 50 năm trước, chứ không hồ đồ tới... thiếu học như thế. Hồi ấy tôi là con cán bộ nên đi học đúng tuổi, các bạn toàn hơn tôi vài ba tới cả năm sáu tuổi...

Tôi không phải quê Thanh Hóa, nhưng Thanh Hóa đã nuôi dạy tôi nên người, tới giờ quay lại, nhận không ra bạn, và lại còn rất dửng dưng hỏi món đồ bao tiền khi được tặng thì, tôi có còn đáng được “dây máu ăn phần” với Thanh Hóa không?...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả