Đám cưới “vượt rào”
Nhà có hai đứa con, một trai một gái. Thời đại bình đẳng, vợ chồng chị chẳng phân biệt nên đầu tư cho cả hai đứa con ăn học như nhau. Nhưng chẳng hiểu sao, Hạnh - đứa con gái chẳng chịu học hành đến nơi đến chốn. Mới tý tuổi đầu đã đua đòi ăn diện rồi yêu đương nhăng nhít. Ban đầu, chị nghĩ “bọn trẻ thời nay nó thế”, qua cái tuổi nhăng nhít rồi nó lại bình thường, biết nghĩ mà tập trung vào học hành, kiếm việc làm, lo lắng cho tương lai của mình. Ai ngờ, khi bạn bè cùng lớp thi cấp 3 đỗ vào các trường chuyên, trường điểm thì con gái chị lại thi trượt, phải vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên chỉ vì mải yêu đương sớm.
Đang học lớp 11 thì một ngày Hạnh đưa về cậu bạn học cùng lớp ra mắt gia đình, thông báo về cái thai gần bốn tháng và xin... được cưới. Anh chị bàng hoàng nhìn một đứa mới 16 tuổi đầu, đứa kia nhỉnh hơn một tuổi, không hình dung nổi chúng sẽ làm cha làm mẹ như thế nào. Nhưng vì gia phong gia đình và cả vì cái thai trong bụng con gái mình đã quá lớn không thể xử lý được, chị đành cùng chồng sang đánh tiếng nói chuyện cưới hỏi với nhà trai.
Bên kia, nhà trai biết chuyện, bất đắc dĩ cũng không thể chối bỏ trách nhiệm với đứa cháu đích tôn chưa ra đời nên đành ngồi lại cùng nhà gái bàn chuyện tổ chức cưới cho hai đứa trẻ. Tuy nhiên, vì cả hai đang tuổi đến trường, chưa đến tuổi kết hôn nên nếu tổ chức đám cưới rình rang thì vi phạm pháp luật. Vì thế họ bàn nhau lặng lẽ “cưới chui” cho hai con. Cưới xong, Hạnh xin bảo lưu kết quả học tập, nghỉ học một năm để sinh con.
Dù mang tiếng là “cưới chồng” rồi nhưng con gái chị vẫn ở nhà bố mẹ đẻ để tiện chăm sóc. Duy - “con rể” chị hàng ngày đến trường học xong, hôm nào thích thì về nhà ngoại với vợ con, không thích thì về nhà mình. Vì nghĩ nó cũng đang ở “tuổi trẻ con” nên anh chị bỏ qua tất cả, mong mỏi đến ngày cả hai đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm với cuộc sống hôn nhân và nghĩa vụ làm cha làm mẹ của mình.
Ngược lại bên nhà trai cũng vì thương con, thương cháu nên chấp nhận mọi thiếu sót của cô con dâu chưa đến tuổi trưởng thành ấy. Chi phí nuôi cháu, nuôi con cả hai gia đình đều tình nguyện góp vào cho đến khi chúng nó học xong kiếm được việc làm. Chỉ có điều thỉnh thoảng, ông bà nội của đứa trẻ lại chép miệng "trăn trở" khi không thể nhập hộ khẩu cho con dâu và cháu đích tôn về nhà mình được.
Tất cả là do Hạnh và Duy chưa có hôn thú hợp pháp. Họ đành để cháu đích tôn theo "nhà ngoại" mấy năm, chờ bao giờ chúng nó đủ tuổi đăng ký kết hôn làm luôn thể. Đằng nào thì tất cả cũng đã công nhận chúng nó là vợ chồng qua đám cưới rồi.
Hậu quả cuộc hôn nhân không chứng chỉ
Trở thành vợ chồng rồi làm bố làm mẹ quá sớm đã khiến cho cuộc hôn nhân của Hạnh và Duy gặp nhiều khó khăn. Dù được bố mẹ hai bên nâng đỡ và bao bọc nhưng cuộc sống của đôi "vợ chồng trẻ con" vẫn gặp nhiều trắc trở. Làm mẹ rồi nên Hạnh chẳng mong muốn quay lại tiếp tục việc học hành dang dở nên chấp nhận ở nhà chăm con, phụ việc vặt cho bố mẹ hai bên. Duy học xong lớp 12, chẳng đỗ trường đại học nào nên học nghề rồi theo chúng bạn vào Nam làm ăn. Vợ chồng trẻ sống xa nhau, tình cảm cũng chẳng kết nối gắn bó thường xuyên nên cứ hời hợt dần.
Để giữ chồng, con gái chị về ở hẳn bên nhà chồng thay vì sống bên nhà bố mẹ đẻ như lâu nay. Nhưng về làm dâu trong cảnh kỹ năng sống không có, công ăn việc làm cũng không, Hạnh trở thành cô dâu ăn bám bị nhà chồng coi khinh. Nhiều lần cô gọi điện với chồng “kêu khổ” và mong muốn Duy quay về tìm việc gần nhà để che chở cho vợ con.
Nhưng Duy có lớn nhưng chưa có khôn, vẫn ham chơi, chẳng muốn về sống gần vợ con để chịu ràng buộc hàng ngày. Thỉnh thoảng, Duy về thăm vợ con vài ngày, đưa cho Hạnh ít tiền rồi lại vào Nam làm ăn. Có lúc, Hạnh nghĩ đến chuyện mang con vào Nam theo chồng làm ăn để vợ chồng con cái được sống gần nhau, nhưng Duy không đồng ý. Anh lấy lý do, con nhỏ, nhà cửa chưa có, vào đó sống cảnh nhà thuê khổ cả nhà.
Sợ con gái sống bên nhà chồng khổ vì mang tiếng ăn bám mãi, anh chị dồn được một ít vốn để Hạnh hùn với bố mẹ chồng mở một cửa hàng tạp hóa để có thêm thu nhập. Nhờ có số vốn đó, công việc buôn bán thuận lợi hơn, Hạnh cũng dần được nhà chồng bỏ định kiến là “kẻ ăn bám” lâu nay. Cuộc sống tốt dần lên, cả hai dù đến tuổi đăng ký kết hôn nhưng cũng chẳng ra phường làm đăng ký. Cả hai quên dần việc đó vì cho rằng nó không cần thiết lắm.
Cứ tưởng hôn nhân của vợ chồng Hạnh nhờ đó mà bền chặt thêm nhưng không ngờ một ngày Hạnh nhận được tin chồng ngoại tình. Hóa ra, lâu nay Duy thích đi làm ăn xa là do có tình nhân ở trong đó. Đến bây giờ, Hạnh mang “quyền làm vợ” ra để giữ chồng, đánh đuổi tình địch thì mới tá hỏa với sự thật là mình vẫn chưa đăng ký kết hôn hợp pháp. Dù hai gia đình đã tổ chức cưới cho họ nhưng đám cưới ấy nếu đưa ra làm chứng cứ để tố cáo kẻ thứ ba kia phá hoại hạnh phúc gia đình của Hạnh cũng không được. Vì đó cũng là một đám cưới “bất hợp pháp”, nếu truy cứu ra, họ còn bị khép vào hành vi tảo hôn, bị pháp luật xử lý.
Gần một tuần nay vợ chồng chị đi đâu cũng bộc lộ sự bức xúc về chuyện của cô con gái cưới tảo hôn ngày nào bị thiệt trước thiệt sau. Hóa ra, cuộc hôn nhân của Hạnh và Duy vừa chấm dứt xong, lặng lẽ giống như lần họ tổ chức cưới chui. Bởi chẳng phải hôn nhân hợp pháp nên cả hai không cần ra tòa giải quyết ly hôn. Điều đáng nói là sau mấy năm làm dâu, làm vợ, Hạnh bế con ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, không được chia một chút tài sản để nuôi con, dù bản thân cô cũng có không ít công sức đóng góp.
Đăng ký kết hôn được xem là "chứng chỉ" hợp pháp của mỗi người khi bước vào cuộc sống hôn nhân. "Chứng chỉ" ấy không chỉ là công nhận nghĩa vụ mà còn bảo vệ quyền lợi cho mỗi người vợ người chồng. Thế nhưng trong suy nghĩ của một số người lại không xem trọng việc đăng ký kết hôn sau khi đã tổ chức một đám cưới rộn ràng với sự chứng kiến của quan viên hai họ, làng xóm, bạn bè. Với họ, tờ giấy đăng ký hết hôn kia không quan trọng vì không cần chính quyền công nhận thì hai bên gia đình và xã hội đã biết họ trở thành vợ chồng qua đám cưới công khai.
Chính vì nhận thức sai lầm này mà không ít phụ nữ phải chịu thiệt thòi trong cuộc hôn nhân “không chứng chỉ” do không được pháp luật bảo vệ quyền lợi làm vợ khi cuộc sống chung gặp bất trắc.