Đấu thầu nghệ thuật

Admin
Lỗi không phải tại đạo diễn, không phải tại ban tổ chức, không phải tại cá nhân nào cụ thể, lỗi tại anh... đấu thầu.

Đọc bài của một đồng nghiệp trên một tờ báo mà tôi phì cười. Bạn ấy viết về việc Đen Vâu không thể hát ở Festival Huế và sự bất cập của đấu thầu nghệ thuật.

Lâu nay chúng ta nghe nhiều tới những là đấu thầu, chỉ định thầu, rồi thông thầu, xuyên thủng thầu vân vân để nói về sự minh bạch trong các gói thầu, và điều ấy là đúng. Khi đấu thầu minh bạch thì giá thành sẽ hạ xuống và các động thái hối lộ, tham nhũng... sẽ giảm đi, bởi nó đúng giá thành rồi, lấy gì mà... hối lộ, và cũng chả việc gì phải hối lộ.

Thế nhưng cũng không hẳn thế, thi thoảng ta lại vẫn nghe tin những cuộc đấu thầu mà như không đấu, đấu thầu mà biết trước kết quả, đấu thầu mà đối thủ lại là... đối tác vân vân.

Nhưng tới nghệ thuật mà đấu thầu thì có vẻ như có những sự không lường trước được.

Thì bài báo ấy kể, trước đấy khi dự kiến chương trình, ban tổ chức đưa ra kịch bản là sẽ mời một loạt các ca sĩ đình đám đang hot hiện nay về hát ở Festival, và đã thông báo trong họp báo rồi, rằng sẽ có hoa hậu Ngọc Hân, có ca sĩ Đen vâu và một số tên tuổi khác.

Rồi khi chương trình diễn ra thì... không có.

Lỗi không phải tại đạo diễn, không phải tại ban tổ chức, không phải tại cá nhân nào cụ thể, lỗi tại anh... đấu thầu.

Bài báo viết: “Theo quy định của Luật Đấu thầu, đơn vị tham gia đấu thầu nào đưa ra số tiền trúng thầu thấp nhất, đáp ứng đủ các quy định thì sẽ được ưu tiên lựa chọn trúng thầu (tính theo thang điểm).

Đa chiều - Đấu thầu nghệ thuật

Đen Vâu trong lần biểu diễn ở một chương trình thuộc Festival Huế 2022.Ảnh: Nhật Linh/báo Tuổi Trẻ

Điều này dẫn đến chuyện: Ví dụ đơn vị A ngay từ đầu đã làm việc với ban tổ chức Tuần lễ Festival Huế về chủ trương thực hiện, làm kịch bản, kịch bản chi tiết về các chương trình nghệ thuật, trong đó có cam kết về sự xuất hiện của các ca sĩ ngôi sao như Đen Vâu, Soobin Hoàng Sơn, Suboi…

Và khi mời thầu theo luật, ban tổ chức sẽ ghi điều kiện là phải có sự tham gia của “ca sĩ Đen Vâu hoặc tương đương”.

Tuy nhiên đến phút cuối, người trúng thầu không phải là đơn vị A mà là đơn vị B. Đáng nói, đơn vị B không thể mời được ca sĩ Đen Vâu nên họ sẽ chọn phương án “hoặc tương đương”.

Dĩ nhiên, “hoặc tương đương” là phương án hợp lệ, không sai Luật Đấu thầu, dù Đen Vâu "hoặc tương đương" là sự định tính cách nhau một trời một vực”.

Trời ạ, người ta đã không tính được việc là, nghệ thuật không phải là xi măng sắt thép, là xe ủi máy xúc, là... “lúa gạo, vàng trắng” như một đề thi đã diễn dịch rất sai, rất xa câu “lúa vàng, gạo trắng” và bắt học sinh bặm môi làm, rất khó để lượng hóa, để chi li... mà nghệ thuật trước hết là tài năng cá nhân, rồi nữa, nó là sự đánh giá chủ quan chứ không thể vòng 1 vòng 2 vòng 3 như hoa hậu. Mà hoa hậu, ngoài đo các vòng rất cơ học thì vẫn còn điểm cảm xúc cá nhân của giám khảo nữa chứ không chỉ cộng dồn các chỉ số như thế.

Và cuối cùng thì, Festival Huế và công chúng của mình phải thua món đấu thầu kia, dù nó có vẻ đúng về nguyên tắc, nhưng khi áp dụng máy móc nó trở thành một sự hài hước.

Nhớ, bản thân tôi cũng từng mướt mồ hôi với sự quy đổi đánh đồng này.

Số là hồi còn đi làm, tôi tổ chức một cuộc đi sáng tác ảnh cho anh chị em nghệ sĩ nhiếp ảnh. Hồi ấy còn bao cấp, mỗi nghệ sĩ được cấp 3 cuộn phim Konika. Nhưng một anh em bảo, chúng tôi không chụp phim Konika, mà chụp Kodak, anh khác thì Fujifilm, vân vân...

Thế là tôi bèn... quy ra tiền, đấy, nhà nước cấp cho từng ấy tiền, tôi giao lại cho các ông bà, các ông bà tự mua. Kế toán lập danh sách, từng anh nhận tiền xong ký vào đấy.

Thế mà cuối cùng bị... xuất toán. Bởi thanh tra bảo nhà nước cấp phim chứ không cấp tiền. Kinh tế là... kê tính, ông trưởng đoàn thanh tra nói thế, và yêu cầu thu hồi. Tôi cũng nổi nóng, rằng là tôi không bỏ túi, rằng là anh em yêu cầu và họ đã nhận đủ, nếu giờ xuất toán tôi kêu anh em lại rồi ông nói với họ, bảo họ nộp lại chứ tôi không làm vì tôi không sai. Rằng nữa, ông làm thanh tra nhưng cũng phải hiểu biết thêm một chút về nghệ thuật, rằng mỗi loại phim nó cho ra một sản phẩm khác nhau, màu sắc khác nhau, độ tương phản khác nhau, anh em mỗi người họ chụp thiên về một hướng, và thói quen sáng tác của họ lâu nay, và chúng tôi là người phục vụ họ chứ không phải cấp kiểu quăng ra cho có, ai chụp sao thì chụp, kiểu ủng hộ bão lụt, cả những cái váy lòe xòe cái quần lót te tua vân vân...

Cuối cùng một phương án được đưa ra, một anh nghệ sĩ nhiếp ảnh nhà có tiệm ảnh có bán phim, anh ấy xuất cho một cái hóa đơn bán phim Konika. Xong, nhưng ấm ức và căng thẳng cả tháng trời. Mà có ba chục cuộn phim chứ mấy.

Thế nên với nghệ thuật mà cứ chẻ hoe ra đấu thầu như đấu thầu Festival Huế vừa rồi, có hoặc tương đương Đen vâu, thì đúng là nó thấm đẫm tư duy hài hước bởi sự cứng nhắc, sự nguyên tắc một cách rất là... đen, không vâu.

Hiện tại hàng năm nhà nước vẫn tài trợ những khoản tiền khá lớn cho các hội Văn học Nghệ thuật và cả báo chí từ trung ương tới địa phương, gọi là tài trợ cho tác phẩm có chất lượng cao. Và nếu đi sâu tìm hiểu, cũng khối chuyện hay chuyện hài hước xảy ra trong quá trình “chia” số tiền này. Bởi cũng chả có cái gì để cân tác phẩm này hay hơn đẹp hơn tác phẩm kia để mà đánh giá loại A, B, C...

Lại nhớ có hồi, lâu rồi, người ta quy định trả nhuận bút bằng... chữ, cứ mỗi chữ là bao nhiêu đấy. Thế là cứ tràng giang đại hải cả sách và báo, kế toán cứ... kê tính, đếm chữ nhân ra tiền. Giờ đặt bài, các báo ra điều kiện, chỉ được viết từng ấy chữ, quá là... xén. Lại cũng nhớ, hình như ông Ban Zắc hay ông Huy Gô nói, là người ta đồn thế, rằng “tôi không có thời gian để viết... ngắn”. Nếu chẻ hoe trả nhuận bút theo chữ thì cả 2 trường hợp tôi vừa “nhớ” ấy đều có vấn đề.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả