Để mỗi gia đình là một tổ ấm

Admin
(PNTĐ) - Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, hãy cùng Đời sống Gia đình gặp gỡ một số cặp vợ chồng, xem cách họ gìn giữ gia đình luôn là tổ ấm yêu thương. Có thể hoàn cảnh, điều kiện sống của mỗi người mỗi khác, nhưng họ đều biết trân quý hạnh phúc.

Bằng lòng với những gì mình có

Với chị Minh Phượng (Ba Đình), chồng chị không chỉ là người bạn đời cùng dựng xây mái ấm, mà anh còn giúp chị từ một cô gái độc thân hay suy nghĩ tiêu cực thành một người vợ, người mẹ vui vẻ, yêu đời với cuộc sống hiện tại. “Anh nói rằng phụ nữ sinh ra trên đời là xứng đáng được yêu thương, nên anh không ngần ngại làm phần lớn việc nhà thay vợ từ đi chợ, đi siêu thị, nấu ăn, chăm con, rửa bát, lau nhà…”, chị kể.

7 năm làm vợ chồng, chị Phượng được chồng chăm sóc chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ. Mỗi sáng, chị  thức dậy, nhà cửa đã sạch sẽ, tinh tươm, bữa sáng đã sẵn sàng, chỉ sà vào ăn sáng xong thay đồ đi làm, anh đưa con đi học rồi lên công ty sau. “Thứ 7, 3 mẹ con tôi nghỉ ở nhà, anh đi làm, anh vẫn nấu ăn sáng đủ đầy” để mẹ con tôi ngủ nướng dậy hâm lại có ăn ngay. Anh nấu toàn món ngon: Phở, bún bò, bún riêu, bún cá, bò kho… Hôm nào anh phải đi công tác sớm không kịp nấu thì tối anh sẽ hỏi mẹ con tôi thích ăn gì để sáng anh đi mua sớm về để sẵn cho 3 mẹ con”.

Không chỉ vậy, biết chị Phượng thích hoa hồng, chồng chị dành cả diện tích ban công để trồng hoa hồng cho chị. “Nhà đi thuê nên ban công chẳng được nhiều diện tích, anh nói tôi đừng buồn, sau này anh sẽ mua căn nhà có sân thượng cho tôi thoải mái trồng vườn hồng mơ ước. Tôi tin anh, chắc chắn tương lai sẽ thành công”.

Với chị Phượng, chồng đã giúp chị nhận ra, là phụ nữ, lấy một người chồng sẵn sàng dành hết tất cả cho vợ con thì chính là hạnh phúc. Vì thế, mỗi ngày trôi qua, dù gian bếp nhà thuê không rộng, đẹp, không hoành tráng, nhưng vẫn luôn có người đàn ông ngày 2 lần sáng, tối đứng nấu ăn cho vợ con, thì gian bếp ấy vẫn luôn “toả sáng”.

Để mỗi gia đình là một tổ ấm - ảnh 1
Ảnh minh họa.

Biết chấp nhận và bằng lòng với những gì mình có, tin tưởng vào quyết định của mình cũng đã giúp chị Ngọc Anh (25 tuổi, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) nhận ra, hạnh phúc không quá khó để kiếm tìm. “Cuộc sống của mình đã bước sang một giai đoạn mới khi mình có gia đình riêng. Ở độ tuổi của mình, có lẽ việc đi đến hôn nhân, có một gia đình riêng là còn sớm. Huống hồ, bạn thân mình còn trêu một người tham vọng như mình, chắc sẽ còn lâu lắm mới “theo chồng bỏ cuộc chơi”, Ngọc Anh nói.

Với quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân trong thời điểm hiện tại, Ngọc Anh cho hay cô phải đánh đổi khá nhiều. Mối quan hệ bạn bè, cả những hoài bão mà cô muốn thực hiện… “Nhưng bản thân mình chưa bao giờ hối hận vì quyết định ấy”, cô khẳng định.

Đó là bởi Ngọc Anh có một gia đình mới yêu thương và đồng hành cùng mình. “Người ta cứ thường rỉ tai nhau chuyện mẹ chồng nàng dâu không hòa hợp. Nhưng mình may mắn vì bố mẹ chồng mình coi mình như con gái. Mẹ quan tâm mình, chỉ dạy mình những gì mình chưa biết. Mẹ hay trò chuyện với các con trong nhà, cốt để gắn kết gia đình, và cũng là để hiểu lòng nhau hơn. Có những lúc mình thoáng nghĩ mẹ chồng mình còn quan tâm mình hơn mẹ ruột”, Ngọc Anh kể.

Chồng cô cũng luôn tạo điều kiện để vợ có thể viết tiếp ước mơ. Vậy nên, dù đã lấy chồng, Ngọc Anh vẫn tiếp tục con đường học tập hiện tại, vẫn được làm điều mình thích. Chồng và gia đình chồng luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc để cô đi qua những khó khăn thời gian đầu. “Thực lòng mình cảm nhận hạnh phúc đang hiện hữu trong cuộc đời của mình. Tình cảm ấy xoa dịu tất cả”, cô cho biết.

Đừng chờ hạnh phúc đến, hãy đi tìm nó!

Vợ chồng chị Loan – anh Tuấn Anh (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) sau gần chục năm sống ở trung tâm thành phố, đã vừa quyết định trở về quê hương, xây nhà và bắt đầu một cuộc sống mới. “Có thể mọi người thấy nhà mình ngược đời, lăn lộn vất vả mua được nhà ở trung tâm rồi, giờ lại bỏ để quay về quê ở. Nhưng dường như làm vậy, gia đình mình mới thực sự thấy hạnh phúc”.

Chị Loan nói rằng, để nhận ra điều này vợ chồng chị đã phải mất khá nhiều thời gian, mồ hôi và cả nước mắt. “Vợ chồng mình đã từng làm việc không kể ngày đêm, chồng mình đi bán hàng khắp các tỉnh miền Bắc, còn mình đi làm công ty thường xuyên tăng ca về muộn, có hôm 23h mình mới về đến nhà, con trai phải nhờ người đưa đón, chăm sóc ăn uống. Vợ chồng ít có thời gian nói chuyện cùng nhau, con cái cũng ít có thời gian gần gũi bố mẹ. Sau 8 năm bươn trải, bằng khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng và vay mượn thêm ông bà hai bên chúng mình cũng mua được căn nhà nhỏ ở trung tâm Thủ đô. Lúc mới mua nhà bọn mình cũng vui lắm, vợ chồng cũng cảm thấy hạnh phúc lắm”.

Nhưng ở nhà mới được 1 năm, vợ chồng chị thấy sống cuộc sống như thế cũng không ổn lắm. Công việc nhiều, chị vẫn về muộn, còn anh vẫn phải đi xa ngày này qua ngày khác. Có nhà thành phố nhưng cả nhà có rất ít thời gian dành cho nhau.

Để mỗi gia đình là một tổ ấm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Vậy là họ quyết định bán nhà thành phố và về quê, mua một căn nhà có mảnh vườn nhỏ. “Cuối tuần chúng mình được vi vu xe máy về với bố mẹ hai bên. Vợ chồng mình xây một căn nhà nhỏ có nhiều vách kính để đưa thiên nhiên vào nhà nhiều nhất có thể. Hàng ngày, ngoài giờ làm mình cùng chồng trồng cây hoa và rau xanh. Con trai cũng được khuyến khích làm các việc phù hợp với sức của mình. Bé rất hào hứng và vui vẻ khi được góp sức với bố mẹ. Có không gian rộng nên mình nuôi thêm được chú cún con đáng yêu nữa. Gần gũi với thiên nhiên giúp gia đình mình yêu đời hơn”.

Về nông thôn sống, gia đình họ bận hơn nhưng cũng yêu đời hơn, vì lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười đùa. “Chỉ cần vợ chồng đồng lòng, đi đâu cũng là hạnh phúc”, chị Loan chia sẻ.

Sau cú sốc chồng mất, chị Minh Tú (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) tưởng chừng như mình không thể vực dậy lại được cuộc sống của mình. Một thời gian dài, chị tự dìm chính mình trong cảm giác khổ đau và bất hạnh. “Tôi vẫn nhớ ánh mắt những đứa con của mình sợ sệt vì mẹ luôn lạnh lùng, không buồn cười nói mỗi khi đón con hay mỗi cuối tuần mấy mẹ con ở nhà”, chị kể. Nhưng rồi, bầu trời vẫn sẽ xanh trở lại, chị tự nhủ như thế để động viên mình buộc phải bước qua những ngày tăm tối ấy, vì con.

Chị Tú lên mạng xã hội và tham gia những nhóm của người mẹ đơn thân, hay những nhóm chia sẻ yêu thương... Lúc ấy, chị mới thấy, trên đời này có nhiều những hoàn cảnh còn éo le, khổ cực hơn mình rất nhiều, nên chị càng cảm thấy lạc quan và cảm thấy mình vẫn còn may mắn lắm. Tôi luôn tâm niệm rằng bản thân mình phải vui vẻ, yêu đời thì mới truyền được cảm hứng tích cực cho các con của mình, tôi vui thì chúng mới vui vẻ được.

Sau đó, chị tìm đến một thú vui tích cực là đan móc thủ công, “một công việc tuy nói là nhẹ nhàng nhưng cần sự tỉ mỉ và kiên trì, đó là công việc giúp tôi xả stress rất nhiều”. Điều này đã giúp chị thay đổi, vui vẻ hơn. Chị còn may cả đồ cho các con, thấy con mặc đẹp vui cười là bao nhiêu nỗi buồn, sự mỏi lưng mờ mắt của chị lại tan biến hết.

“Tôi nghĩ chẳng ai ngồi yên mãi một chỗ mà tìm thấy được hạnh phúc cả. Nếu tôi không tự vực dậy bản thân mình bước tiếp, có lẽ gia đình tôi không thể có được nhiều tiếng cười trở lại như bây giờ”, chị nói.