Bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của huyện
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, sáng 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật nhằm bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thay thế).
Trong đó, để thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), Chính phủ đề xuất bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện thay bằng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (Ảnh: Media Quốc hội).
Sửa đổi quy định HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết để quy định về chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Chính phủ đề xuất sẽ nghiên cứu để quy định về việc bổ sung nội dung phân cấp cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi trong Kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Cũng trong dự thảo luật, để tạo thuận lợi cho việc ban hành luật, nghị quyết ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra hoặc kỳ họp gần nhất trong trường hợp cấp bách nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn mà chưa có trong chương trình lập pháp hằng năm, dự thảo Luật quy định cơ quan trình được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để xây dựng dự án, dự thảo.
Cơ quan trình trình dự án, dự thảo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến. Đồng thời, quyết định bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Dự thảo luật quy định dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc trường hợp phải thực hiện quy trình chính sách thì không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách, nhưng phải đánh giá nêu rõ tác động của chính sách trong bản thuyết minh quy phạm hóa chính sách...
Cùng với đó, bổ sung quy định xử lý văn bản của các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi sắp xếp tổ chức, bộ máy.
Cần thiết sửa đổi luật
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban cùng các cơ quan tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tán thành việc xây dựng Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo ông Tùng, cơ quan thẩm tra nhận thấy dự thảo luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời; sửa đổi, bổ sung một số ít quy định khác để tạo thuận lợi hơn trong triển khai thi hành luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).
Liên quan đến nội dung văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (khoản 2, khoản 3 của dự thảo Luật), điểm c khoản 1 Điều 21, khoản 2 Điều 22 của Luật hiện hành được đề xuất bổ sung thẩm quyền HĐND cấp tỉnh, cấp xã ban hành nghị quyết để quy định "phân cấp", UBND cấp xã ban hành quyết định để "phân cấp".
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, quy định này là chưa thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đó việc phân cấp chỉ đặt ra đối với hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước. Do đó, đề nghị lược bỏ quy định nêu trên để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Có ý kiến đề nghị không quy định UBND cấp xã có thể "phân cấp" cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác trực thuộc, vì chính quyền cấp xã phải gần dân, sát dân nên cần trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tán thành về việc cần thiết phải sửa luật, đề nghị chỉ sửa những điều, khoản bắt buộc phải sửa phục vụ công cuộc sắp xếp đổi mới tinh gọn bộ máy, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong thời gian tới.