“Điên đầu” với quảng cáo, rao vặt trên điện thoại

Hoàng Huyền
“Mời mua bảo hiểm, sữa, bỉm, quảng cáo dịch vụ gia sư, nghỉ dưỡng, thông tắc cống, thẩm mỹ, chứng khoán, chào bán chung cư, biệt thự…”. Một ngày, không ít người dân đang sử dụng điện thoại di động muốn “điên đầu” vì đủ loại chào mời quảng cáo làm phiền. Không còn được tôn trọng như “thượng đế”, phản ánh tới báo Phụ nữ Thủ đô, nhiều người bức xúc cho biết họ đã bị biến thành “món hàng” của các công ty, đơn vị kinh doanh dịch vụ…

Kỳ 1: Đủ loại quảng cáo “bủa vây”

Trong bối cảnh “cung nhiều, cầu ít”, để có khách hàng, các đơn vị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đã đua nhau sử dụng các biện pháp mời chào, câu kéo khách hàng qua điện thoại, tin nhắn mà không cần biết đối tượng tiếp nhận cảm thấy thế nào, có muốn tiếp nhận chào mời hay không?

dien-dau-voi-quang-cao-rao-vat-tren-dien-thoai-dulichgiaitri-bao-ve-nguoi-tieu-dung-1658472635.jpg
 

Bị “tra tấn” mọi lúc, mọi nơi

Chị Phạm Thị Huyền, nhân viên ngân hàng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Vì tính chất công việc, mình phải làm việc căng thẳng suốt ngày và chỉ được nghỉ 1 tiếng vào giờ nghỉ trưa. Ấy vậy mà nhiều lúc vừa đặt mình chợp mắt được một lát thì có điện thoại gọi tới mời sử dụng dịch vụ A, B… Lại có lúc, đang trên đường đi làm về, đường thì tắc mà điện thoại cứ réo gọi liên tục, hết cuộc này đến cuộc khác. Sợ có việc gấp, mình phải dừng lại nghe thì đầu dây bên kia vang lên giọng nữ ngọt nhạt giới thiệu quảng cáo sản phẩm. Lúc đó mình chỉ muốn phát điên, thề sẽ không bao giờ sử dụng dịch vụ của các hãng đó”.

Anh Phạm Văn Mạnh, Long Biên, Hà Nội cũng cho biết: “Tôi thực sự ức chế vì bị làm phiền bởi những cuộc gọi quảng cáo bán hàng, sử dụng dịch vụ theo kiểu “khủng bố” khách hàng. 10 cuộc số lạ gọi tới điện thoại của tôi thì 7, 8 cuộc là quảng cáo bán hàng. Biết vậy nên tôi đã định từ nay sẽ không nghe số lạ nhưng lại sợ đó là người thân, bạn bè mình có việc gấp cần liên hệ mà mình không nghe thì lại ân hận”.

Anh Mạnh cho phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô xem tin nhắn trong điện thoại của anh chi chít quảng cáo “không mời mà đến”. Nào thì quảng cáo tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”, nhận làm văn bằng, chứng chỉ, mời tham gia hội thảo, khai trương nhà hàng, khách sạn, tin khuyến mãi, giảm giá của các nhãn hàng…

Có những tin còn nhắn “à ơi” như kiểu bạn bè thân thiết lâu ngày gặp nhau như: “Anh Mạnh à, anh Mạnh ơi, dạo này anh có khỏe không? Dạo này anh thế nào? Em xin phép được mời anh sử dụng dịch vụ của bên em anh nhé”... khiến anh vừa đọc, vừa ức chế. “Bây giờ, cứ vài ngày không xóa tin nhắn là điện thoại ngập tin rác”, anh chia sẻ.

Cũng như chị Huyền, anh Mạnh, thời gian gần đây, rất nhiều độc giả đã gọi điện tới báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh việc mình bị lạc vào “mê hồn trận” cơ man là quảng cáo, rao vặt, thậm chí không loại trừ nhiều quảng cáo lừa đảo trá hình. Cùng một hãng, nhân viên này vừa gọi chưa dứt lời thì ngay lập tức một nhân viên khác gọi tới chào mời. Hay khách vừa báo bận, không nghe được thì chỉ mấy phút sau nhân viên lại gọi tới vì bị lẫn lộn số đã gọi và chưa gọi. Có hãng vừa bật máy trả lời đã căn vặn: “Xin lỗi anh/chị có phải tên… không?”, sau khi khách hàng xác nhận là đổi giọng, xổ ra cả tràng quảng cáo. Không muốn làm người bất lịch sự nhưng với kiểu khủng bố như vậy, không ít người đã phải nổi khùng, hoặc là quát lại nhân viên quảng cáo, hoặc là lập tức tắt máy mà không cần nghe thêm giây thứ 2.

Tranh nhau giành giật khách hàng

Không chỉ bị làm phiền, nhiều khách hàng còn bị các công ty kinh doanh tranh nhau giành giật, gọi điện để đánh cắp thông tin.

Chị Hoàng Thu Lan, ở Thanh Xuân, Hà Nội bức xúc kể với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô: Chị đang sử dụng bình lọc nước của hãng Kangaroo và có mua gói thay lõi lọc nước định kỳ theo thời hạn. Sau khoảng từ 3-6 tháng, nhân viên của hãng lại gọi tới xác nhận thời gian để qua kiểm tra, thay lõi lọc. Sáng ngày 23/6/2022, một nhân viên gọi tới, nhận là người của hãng lọc nước gọi từ số máy 08124356… và hẹn chị tới kiểm tra máy, đồng thời xin chị địa chỉ nhà.

“Ban đầu, mình cũng ngạc nhiên vì mọi lần, hãng không cần hỏi địa chỉ thì đầu dây bên kia giải thích là cần xác nhận lại địa chỉ để cập nhật lên hệ thống khách hàng. Mình tin tưởng nên đã cho đầy đủ địa chỉ nhà ở” - Chị Lan kể.

Chị Lan chỉ phát hiện ra mình bị lừa khi buổi chiều cùng ngày, lại có một người khác gọi tới nhưng với số máy khác là 08791809… xin địa chỉ nhà chị để thay lõi lọc nước. Gọi điện lên hệ thống tổng đài của Kangaroo xác minh, chị Lan mới “té ngửa” máy lọc nước nhà chị chưa tới thời gian thay lõi, và hãng cũng không gọi điện cho chị.

Lần theo 2 số điện thoại, chị tìm ra đó là một cửa hàng kinh doanh máy lọc nước nhưng của hãng khác. Không biết bằng cách nào, cửa hàng này có được số điện thoại của chị và còn biết chị đang sử dụng dịch vụ thay lõi lọc định kỳ để gọi điện tới “bắt thóp”. “Khi bị mình phát giác và dọa sẽ báo công an, đối tượng này luống cuống xin lỗi là… gọi nhầm số rồi tắt máy”.

Việc các khách hàng bị làm phiền, lấy cắp thông tin đã khiến nhiều đơn vị phải ra thông báo cảnh báo tới khách hàng. Trước hiện tượng mà chị Lan gặp phải, mới đây, một công ty kinh doanh lọc nước là Công ty cổ phần Vinawater cho biết cũng đã ghi nhận được số điện thoại: 024777999… - 190026… - 1900 26… do một nhân viên nữ tự xưng là nhân viên trung tâm bảo hành.

Đối tượng này thực ra đang làm cho một công ty lọc nước khác đã có hành vi gọi điện giả danh trung tâm bảo hành để lừa đảo các khách hàng thay lõi lọc mặc dù đối tượng không hề lắp đặt cũng như không có các lõi lọc chính hãng có thể thay vào thiết bị lọc. Theo đơn vị này, thủ đoạn của các đối tượng là lập ra nhiều trang web, tên miền khác nhau, thuê nhiều số tổng đài để gọi điện giả danh đã lắp đặt máy lọc nước rồi dụ dỗ khách hàng bằng chiêu bài (kiểm tra nước miễn phí) với mục đích thay các lõi lọc kém chất lượng.

(Còn nữa)

HOÀNG LAN