Doanh nghiệp bia rượu lo áp thuế tiêu thụ đặc biệt làm xói mòn nguồn thu

Admin
Theo đại diện Heineken, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì cả ngành bia cho rằng là sốc, không có tiền lệ và ảnh hưởng không tích cực đến sự ổn định, phát triển bền vững của toàn ngành.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm đó là dự thảo bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nước giải khát có đường ở mức 10%. Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao...

Tuy nhiên, tại Hội thảo góp ý dự thảo luật thuế tiêu thu đặc biệt (sửa đổi) diễn ra ngày 20/9, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết nhiều doanh nghiệp đang phải chịu 3 "quả đấm" liên tục.

Doanh nghiệp bia rượu lo áp thuế tiêu thụ đặc biệt làm xói mòn nguồn thu- Ảnh 1.

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phạm Thắng).

Đầu tiên, là việc đại dịch Covid-19 kéo dài vài năm, người dân không tụ tập đông người khiến các quán nhậu vắng hoe, ảnh hưởng rõ rệt.

Sau Covid-19, Nghị định 100 về nồng độ cồn được siết chặt, người đi nhậu cũng giảm nhiều, thị trường lại thu hẹp. Song, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ khó khăn, nhưng lại "bỏ quên" doanh nghiệp ngành bia rượu giải khát.

Lo ngại ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn ngành

Là một trong những doanh nghiệp bị tác động trực tiếp, ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã đưa ra một số ý kiến tại hội thảo.

"Về đề xuất thuế TTĐB thì cả ngành bia cho rằng đề xuất thuế hiện tại là sốc, không có tiền lệ, và ảnh hưởng không tích cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của toàn ngành", ông Nguyễn Thanh Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Phúc, Heineken và các hiệp hội luôn ủng hộ mục tiêu tăng thuế để bảo vệ người dân và môi trường, tuy nhiên việc tăng thuế này cần đảm bảo hài hòa lợi ích.

Nguyên nhân do Heineken đánh giá thuế TTĐB ảnh hưởng lớn, việc tăng thuế cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo doanh nghiệp hòa nhập.

Nếu áp dụng thuế TTĐB, ông Phúc kiến nghị cần có nghiên cứu chuyên sâu về tác động kinh tế xã hội của loại thuế này. Ngoài ra, việc giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng nhiều ngành khác như ăn uống, du lịch đêm, từ đó làm xói mòn nguồn thu Việt Nam.

Doanh nghiệp bia rượu lo áp thuế tiêu thụ đặc biệt làm xói mòn nguồn thu- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (Ảnh: Phạm Thắng).

Về đường cong Khaldun-Laffer, thì thuế cần phù hợp, khi mà nhiều nước đã đánh thuế, thấy không phù hợp, và bỏ thuế.

Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Duy Hưng – đại diện Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát chia sẻ, ngay từ khi soạn thảo và chưa áp thuế thì doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng vì từ sản phẩm có lợi cho sức khỏe đã bị nghi ngờ có hại cho sức khỏe.

Dù vậy, vẫn còn một số [E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?ĐỌC NGAY

Chia sẻ tại hội thảo, bà Phan Minh Thủy - Trưởng phòng, Ban pháp chế VCCI cho rằng với tất cả các chính sách cần có quan điểm tiếp cận, tức là phải đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, có chọn lọc thực tiễn thực tế, quốc tế.

Theo bà Phan Minh Thủy, việc đánh thuế này sẽ ảnh hưởng đến tính hài hòa trong cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, chính sách này tác động tiêu cực đến toàn ngành đồ uống, bởi doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm chuyển đổi nhưng doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ gặp khó khăn.

"Chúng tôi chưa thấy rõ các mô hình, kịch bản đánh thuế sẽ thay đổi hành vi người tiêu dùng, thay đổi tình trạng buôn lậu, hàng giả như nào? Vì vậy, đề nghị phải có đánh giá kỹ hơn về lộ trình cụ thể", bà Thủy nói.

Trước đó, Bộ Tài chính tính toán rằng giá nước ngọt có thể tăng 10% khi chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mức tương ứng. Đặc biệt, áp thuế sẽ làm giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các công ty sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu, nhưng sẽ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời, người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe.

Lý giải về ngưỡng chịu thuế 5gram/100ml, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước áp thuế với nước ngọt theo hàm lượng này như một số nước EU. Nhưng cũng có quốc gia chọn ngưỡng cao hơn, như Pháp đánh thuế với hàm lượng trên 11gram trong 100ml; Ailen và Anh theo hai ngưỡng: 5-8 gram chịu một mức thuế và trên 8gram sẽ cao hơn 1,5 lần.