Nỗi cô đơn của người mẹ già
Đã hơn 5 năm kể từ ngày bà từ quê ra đây sống với vợ chồng con trai và trở thành hàng xóm thân thiết với tôi. Từ lúc nào, bà với tôi trở thành “bạn tri kỷ” của nhau dù trên thực tế, tôi chỉ đáng tuổi cháu của bà. Tôi là một người tật nguyền, chẳng thể đến trường học bình thường như bạn bè. Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà phụ mẹ bán hàng. Sau này, mẹ tôi xin làm công nhân ở một xưởng may và giao lại quán tạp hóa nhỏ cho tôi bán, xem như kiếm nghề cho tôi tập dần tự mưu sinh cuộc sống.
Nhà tôi và nhà chú Thìn (con trai bà cụ) sát nhau. Hàng ngày, khi con cháu đi làm, đi học, bà lại khóa cổng sang quán tạp hóa ngồi bán hàng cùng tôi cho vui. Khách khứa thỉnh thoảng mới có nên phần lớn thời gian là tôi với bà ngồi xem tivi hoặc trò chuyện với nhau. Nghe mẹ tôi nói, chú Thìn hiện đang làm giám đốc một công ty lớn. Vợ chú ấy nghe đâu cũng đảm nhiệm vị trí cao ở một cơ quan. Bà cụ chỉ có mỗi một mình chú Thìn, chồng bà mất từ năm chú 7 tuổi. Từ đó, bà ở vậy một mình nuôi con khôn lớn.
Bà kể từ nhỏ, chú Thìn thông minh lắm. Học xong cấp 3, chú đỗ 3 trường đại học. Kinh tế gia đình bà không khá giả nhưng bà cũng cố gắng làm lụng để cho con đi học đại học. Tốt nghiệp đại học, chú Thìn được nhận vào làm ở một công ty kinh doanh hàng xuất nhập khẩu. Sau này, chú được chính ông giám đốc công ty tin tưởng, yêu mến gả con gái cho. Từ khi kết hôn với con gái giám đốc, sự nghiệp của chú Thìn thăng tiến vù vù. Chẳng mấy chốc, chú nối nghiệp của bố vợ truyền lại vì họ không có con trai chỉ có duy nhất một cô con gái là vợ chú.
Khu nhà tôi đều là những gia đình có kinh tế tầm trung, chỉ có mỗi gia đình chú Thìn là hạng nhà giàu, có địa vị xã hội. Tôi không biết có phải vì khoảng cách giàu nghèo ấy không mà gia đình chú Thìn sống tách biệt hẳn với mọi người. Hàng ngày, buổi sáng, hai vợ chồng lên ôtô đi làm, con cái cũng theo đến trường. Đến chiều tối mịt, họ mới về, mở cổng rồi vào nhà đóng cửa im ỉm cho đến sáng hôm sau lại mở ra. Theo quan sát của tôi, nhà chú Thìn chỉ đông vui vào những dịp lễ, Tết. Mọi người bảo vợ chồng họ đều làm to nên đến những ngày này nhiều người đến biếu xén mới có cảnh nhộn nhịp, tươi vui ấy.
Bà cụ được vợ chồng chú Thìn đón lên sau cái lần bà bị ốm tưởng chết ở quê. Sau này, khi hai bà cháu thân thiết, chuyện gì cũng dốc bầu tâm sự được thì tôi mới biết vì sao bà lại đồng ý ra phố sống cùng con cháu. Hóa ra, lần bà ốm tưởng chết ấy, chú Thìn bị mấy bác trưởng họ, trưởng tộc gọi về chỉ trích. Họ bảo chú Thìn là đứa con bất hiếu, giàu sang phú quý vậy mà để mẹ già sống ở quê một mình, đau ốm không có ai chăm sóc. Sau đó, chú Thìn đón mẹ ra phố sống cùng gia đình mình.
Ai cũng nghĩ bà cụ lên phố sống cùng con cháu thì thoát khỏi cảnh sống cô đơn. Không ngờ đó lại là những ngày tháng bà sống buồn tủi nhất. Hai đứa con chú Thìn từ nhỏ đến lớn không được gần gũi bà nội. Trước đây, vợ chồng chú Thìn đều lấy lý do bận việc chẳng đưa con về quê bao giờ. Mỗi năm, một ngày giỗ bố, vợ chồng chú tranh thủ về một lúc rồi đi luôn. Bà cụ nhiều lúc muốn ra phố thăm con cháu nhưng chẳng thấy chúng mời mọc hay ngỏ ý đưa bà ra chơi bao giờ nên cũng chẳng dám đi.
Vậy nên tình cảm bà cháu hầu như chẳng có. Minh chứng cho điều đó là từ ngày ra sống cùng, chúng có bà nhưng cũng coi như không. Bà sống trong nhà cô đơn, buồn tủi mà không biết nói cùng ai. Từ ngày ra phố, bà sợ cảnh ngồi không nên bảo vợ chồng con trai cho người giúp việc nghỉ, hàng ngày bà sẽ đi chợ nấu ăn, dọn dẹp cho. Con dâu bà đồng ý để bà có việc làm “đỡ buồn”.
- Hàng ngày, chúng ra khỏi nhà thấy bà ngồi ở cửa thì chào một câu, không thấy thì cũng chẳng chào hỏi gì mà đi luôn. Lúc về cũng vậy, chúng cứ xem bà như không khí, vô hình trong nhà. Chúng chỉ nhớ đến bà khi cần có người lấy cho cốc nước, mang cho hộp sữa lên phòng. Nhiều lúc, bà già cả lên xuống cầu thang chậm một chút thì bị chúng cáu gắt ầm ĩ – bà cụ không ít lần than thở với tôi.
Sống với con không bằng… người dưng
Nghe bà kể khổ nhiều, tôi tự hỏi không biết chú Thìn có phải là con ruột của bà không, vì chẳng có người con nào mà lại đối xử với mẹ mình như thế. Chú Thìn mang tiếng là người có địa vị ngoài xã hội nhưng về nhà là nặng lời, chửi bới mẹ già không ra gì. Nhiều hôm, công việc không suôn sẻ, về nhà nhìn thấy bà, chú Thìn lại “giận cá chém thớt”. Có lần tôi chứng kiến cảnh chú chửi bới thậm tệ chỉ vì bà lỡ bán đôi dép nhựa đi trong nhà của chú.
Bà kể, hôm đó bà nhặt nhạnh các vỏ lon bia, nước ngọt con cháu uống xong vứt bừa bãi trong nhà đem bán đồng nát. Khi cô đồng nát vào cân chỗ đồ ấy, chẳng hiểu bà nhầm lẫn hay cô đồng nát cố ý cho cả đôi dép nhựa của chú Thìn. Bà bảo trông đôi dép “bẩn bẩn xấu xấu, mà nó bảo là hàng hiệu tận mấy triệu đồng”; rồi bà bị con trai lẫn con dâu quát mắng bảo mẹ người ta thì giữ của cho con cái còn mẹ nhà này thì phá của.
Nếp sống hàng ngày của bà cũng bị con dâu chì chiết nhiều lần như chuyện bà đi vào nhà vệ sinh ra không tắt đèn, chuyện bà ăn trầu lỡ dây nước trầu đỏ ra bàn ghế, chuyện bà nấu cơm lúc nào cũng nát nhão… Nhiều lần không chịu được, bà đánh tiếng bảo vợ chồng con trai để mình về quê sống như trước. Thế là cả hai lại lớn tiếng mắng bà về quê sống để họ hàng lại bảo vợ chồng con trai bất hiếu, rằng sống không biết điều, sướng không biết sướng, không biết thương con cái lại đi bôi nhọ danh dự của nó… Nhiều người bảo bà cụ sống không bằng người giúp việc trước đây của họ.
Hàng ngày, cứ mỗi lần con cháu ra khỏi nhà, bà lại lọ mọ đi chợ nấu ăn rồi, dọn dẹp rồi khóa cửa sang cửa hàng của tôi. Cả ngày bà cặm cụi bán hàng đỡ tôi, chuyện trò, đến chiều lại vội vàng về bên nhà. Những lần nghe bà tâm sự, tôi không khỏi bức xúc, ấm ức thay cho bà. Tuy nhiên lần nào kể xong, bà cũng dặn tôi không được kể lại cho ai nghe, bà chỉ nói ra cho nhẹ lòng thôi chứ chẳng trách móc giận dỗi gì con cháu. Bà sợ nếu vợ chồng chú Thìn nghe được lại bảo bà đi bôi nhọ con cháu, chú ấy làm giám đốc có vai vế, bà phải giữ danh dự cho con, còn mình chịu khổ một chút cũng chẳng sao.
Tôi muốn giúp bà cụ nhưng lực bất tòng tâm. Có lần tôi kể cho bố mẹ nghe nhưng họ bảo đèn nhà ai rạng nhà nấy, mình can thiệp vào lỡ vợ chồng họ chẳng nghe ra mà chỉ trích lại bà thì lại càng khổ cho bà thêm.
Sau mấy lần bà hỏi tôi về chỗ nuôi dưỡng người già chiếu trên tivi, tôi cứ nghĩ bà buồn nên suy nghĩ vu vơ. Ai ngờ, một ngày, bà lặng lẽ bỏ đi thật. Vợ chồng chú Thìn thuê người đi tìm nhưng đến nay tôi vẫn chưa thấy họ đưa bà quay về. Một lần, tôi tình cờ nghe đứa cháu bà bảo nhà họ đã tìm thấy bà ở một trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn tận miền Trung. Họ vào nhận bà nhưng bà nhất quyết không nhận họ là con cháu mình.
Bà bảo chồng mất đã lâu, bà không có con cái, chẳng còn ai nương tựa, vậy nên bà vào đây cậy nhờ… người dưng. Và nghe đâu, mỗi tháng chú Thìn đóng một khoản tiền cho trung tâm đó “nhờ” chăm sóc cho mẹ mình để tránh tiếng bất hiếu với mẹ. Ai có hỏi, chú lại bảo bà về quê sống vì không quen nếp sống thành thị chứ tuyệt đối không nói bà đang sống ở trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn kia.