Giữ “màu xanh” cho hôn nhân

Admin
(PNTĐ) - Những cuộc hôn nhân đến sớm - đi nhanh, thường kết thúc chỉ trong vòng 5 năm đầu sau đám cưới. Người ta gọi đó là những cuộc ly hôn “xanh” và lý do được đưa ra nhiều nhất là bởi: Không thể vì nhau. Giữ gìn một cuộc hôn nhân bình yên và trân trọng nhau, có khó đến thế không?
Giữ “màu xanh” cho hôn nhân - ảnh 1
Gia đình hạnh phúc của chị Trang 

Hạnh phúc là quá trình tranh đấu

“Tính cách của mình trước đây là kiểu thấy đôi tất bẩn trên sàn nhà, chồng mua một chai rượu vang lúc nhà đang bí tiền, con khóc mè nheo... đều có thể là lý do khiến mình nghĩ ngay tới chuyện chia tay. Vì vậy, duy trì được 3 năm hôn nhân đối với mình mà nói, là một kỳ tích”- chị Hạ Vy (nhân viên văn phòng, làm việc tại quận Đống Đa), chia sẻ.

Chị Vy kể rằng: “Chồng mình lớn lên ở một nơi mà khi đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn sâu đậm. Nhỏ được mẹ chăm, lớn lên ở một mình thì… ở bẩn, tuy nhiều tuổi nhưng nói thật, không lo nổi cho bản thân. Lần đầu về nhà của chồng, mình ngồi cọ nồi rửa bát 3 ngày mới sạch hết vì anh dùng xong không rửa, khi nào cần dùng cái nào thì rửa đúng cái đó thôi”.

Lấy nhau về, chị Vy “chỉnh chồng” bằng việc sẽ không rửa bát nữa. “Nhiều lần cãi nhau, mình không thèm dọn dẹp, không giặt giũ. Nói nghe thì dễ, nhưng nhà mình có con nhỏ mà kiên quyết thế suốt mấy ngày là con cái chẳng còn quần áo, tã mà dùng luôn. Thế là chồng mình phải giặt quần áo, rồi cả phơi phóng, gấp vào tủ. Ban đầu, anh cứ tưởng đơn giản, ôm cả đống quần áo quấn tứ tung từ trong máy giặt ra vứt bừa lên dây phơi, nó không khô được. Thế là máy giặt vẫn miệt mài giặt mà quần áo vẫn không có mặc đi làm”, những ngày đầu “chỉnh chồng” của chị Vy đã diễn ra với sắc thái như thế.

“Tới khi đi làm trở lại sau sinh, ban đầu chồng không muốn mình đi làm lại, anh nghĩ phụ nữ có con thì nên ở nhà trông con, nhưng mình lại kiên quyết đi làm. Vậy là, mỗi sáng chồng phải cho con ăn, chơi với con, mặc quần áo cho con rồi đưa con đi trẻ. Chiều chồng đón con về, cho con ăn bột ăn dặm pha sẵn. Nhưng chỉ sau 1-2 tuần, con chán ăn những đồ công thức đó. Thế là phải hì hục nấu cháo, rồi xay, lọc. Chỉ có như vậy chồng mới hiểu, ở nhà chăm con không phải việc dễ dàng” - chị Vy kể.

Từ đó đến nay, chồng chị Vy đã biết tự giác rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, đi tàu điện, xe taxi biết bế con hộ vợ, thậm chí xung phong ở nhà trông con động viên vợ đi du lịch với bạn bè. “Cũng từ lúc sống chung, từ một người suốt ngày chỉ biết nói chuyện khoa học và chính trị, chồng mình đã biết từ chối túi nylon dùng một lần, đi chợ biết mang túi vải, nghĩa là cũng đã lắng nghe những câu chuyện đời thường của vợ rồi”. Mẹ chồng chị cũng ngạc nhiên nói với con dâu, rằng từ ngày cưới vợ, chồng chị “dễ uốn nắn” hẳn ra. “Chứ trước đó anh cộc và cứng đầu như trâu”- chị Vy cười.

Nghĩa vợ chồng khiến hôn nhân bền chặt hơn
Hai vợ chồng chị Võ Huyền Trang (một tình nguyện viên về trao tặng sách giáo khoa miễn phí) kết hôn khi đều đã bước qua tuổi 30. “Hơi muộn một chút nhưng đổi lại, cũng có cái hay là khi hai bên đã chín chắn, biết cảm thông và trách nhiệm với nhau”. Với chị Trang, chồng là người đàn ông của gia đình. “Hết giờ làm là về với vợ con, tiền lương cuối tháng đưa hết cho vợ giữ. Đi đâu làm gì cũng muốn vợ con theo cùng, hễ có món gì ngon là mua về cho vợ con ăn chẳng ngại xa gần”- chị kể về chồng.

Cũng như bao đôi vợ chồng có con nhỏ khác, trước khi có được cuộc sống ổn định, hai anh chị từng ở trọ, rồi chuyển trọ, nơi sống và trường học cho con rất nhiều lần. Thậm chí, trong 2 lần thai kỳ, chị Trang đều nghén nặng, 5 tháng đầu không ăn uống được gì. Người mệt lả, khó thở phải truyền dịch nằm một chỗ trong nhà nên mọi vất vả dồn lên vai chồng.

“Khi con chào đời, mẹ con mình về ngoại, cách nơi anh làm việc tận 180km. Nhưng cuối tuần nào anh cũng về thăm vợ con, kể cả những ngày mưa bão. Khi con 8 tháng tuổi mình lên ở cạnh chồng. Ngày ngày, vợ chồng mình gửi con nhà trẻ rồi đi làm. Để kiếm thêm thu nhập, chồng mình còn nhận đi giao hàng chạy đến 23h khuya mỗi ngày. Mình sinh bé thứ 2 bị động thai, anh lại ngày ngày đưa đón con đi làm ngược hướng công ty, tối về lật đật đón con mua thức ăn cho vợ. Về đến nhà trọ cho con gái 3 tuổi ăn, tắm con, chăm con, làm hết mọi việc” - chị Trang nói.

Thấy cuộc sống vẫn chật vật, khi chị Trang bước vào những tuần cuối thai kỳ thứ 2, anh nghỉ việc ở công ty để chăm vợ. Cùng lúc đó, anh chị góp vốn cùng bạn bè mở gara ô tô. Chị sinh con xong, ở nhà chăm con thấy thi thoảng anh lại chạy vào ngó nghiêng xem vợ con cần giúp đỡ gì không, rồi chạy ù ra sửa xe cho khách. Buổi tối thì tranh thủ chạy đi kiếm gì ngon cho vợ ăn để có sữa mẹ cho con bú. Giây phút đó dù cực nhưng đối với vợ chồng mình dù sao miễn có nhau bên cạnh là khỏe rồi”- chị Trang nhớ lại. 

Khi con cái đã ổn định, hai vợ chồng nghĩ thêm việc để làm, thậm chí tăng ca cả đêm. “Mệt mỏi thật đấy, nhất là khi sinh xong mình yếu đi nhiều, nhưng hai vợ chồng chưa từng một lần to tiếng. Có tranh luận, nhưng đều là nghĩ cho nhau, nghĩ cho tương lai của các con. Chúng mình không mong một cuộc sống quá giàu có về vật chất, chỉ cần các con bình an, khỏe mạnh, có tuổi thơ thật vui vẻ là được rồi”- chị Trang cho hay.

Chị nhận ra rằng chính sự từ tốn luôn ân cần với vợ đã cho chị thấy tình yêu sau thời kỳ hôn nhân có thể bị nguội đi. Nhưng chính cái nghĩa vợ chồng, mối thân tình tri kỷ sẽ khiến hai vợ chồng luôn trân trọng nhau.