Đang những ngày kết thúc năm học, các cháu và thầy cô tưng bừng lễ tổng kết, những là kết quả học tập, những là chia tay, là phượng nở, là lưu bút là nước mắt là nụ cười, những là bỡ ngỡ trước một chân trời mới, một tương lai mới, một ngày mai mới mẻ...
Uỳnh cái, có 2 câu chuyện buồn liên tiếp xảy ra, chuyện buồn, khiến ta phải ngẫm nghĩ, phải hệ thống lại để có một cái nhìn đúng nghĩa... đa chiều.
Một là chuyện... đùi gà. Một lớp học có 32 cháu, tức 32 phụ huynh, 31 vị đồng ý góp tiền cho các cháu liên hoan cuối năm, một không đồng ý. Tất cả những người đồng ý và người không đồng ý đều có quyền của họ, và quyền này là... ngang nhau. Nó không phải là một tổ chức chặt chẽ để thiểu số phải phục tùng đa số.
Vấn đề là, số tiền không nhiều, không quá khó khăn đối với một gia đình nghèo chứ chưa nói nhà chị phụ huynh kia, nghe nói không khó lắm, vẫn khoe ăn sầu riêng đắt tiền lên phây búc.
Nên hành động “một mình chống lại” tập thể phụ huynh kia nó thành ra một cái gì đấy như là cố chấp.
Rồi nữa, cách hành xử không khéo của tập thể phụ huynh, nên dù cháu bé lớp 1 kia vẫn được ăn như các bạn nhưng khi bị một tờ báo “kích động” thì nó thành chuyện, nó châm ngòi nổ cho mạng xã hội vào cuộc (tờ báo ấy đã phải sửa tít báo tới 3 lần).
Và ở đây, còn một “thủ phạm” nữa là mạng xã hội.
Tới mức “phụ huynh một mình” ấy, sau khi tung câu chuyện lên mạng, một cách... bôi mỡ cho kiến đốt, đã phải đề nghị: “câu chuyện ồn ào vừa qua là một sự hiểu nhầm, đồng thời mong muốn sự việc sớm được khép lại”, nhưng mà nào có được, câu chuyện vẫn lan xa và rộng.
Người bị tổn thương đầu tiên ở đây là các cháu bé, trong đó có con chị, trong khi các cháu nhẽ ra là nhân vật trung tâm hôm ấy, là đối tượng được nâng niu trân trọng, được yêu thương và bảo bọc (vì các cháu quá nhỏ, chứ lớn rồi chúng chả cần bảo bọc).
Việc rất nhỏ nhưng do cố chấp, và có sự “tiếp tay” tích cực của báo chí và mạng xã hội, nó thành một đám cháy, và đa phần sự chỉ trích chĩa vào ngành giáo dục.
Một vụ cũng đang nóng là cuộc cãi nhau, cướp mic ngay trong cuộc tổng kết một trường mẫu giáo ở Quảng Bình. Lớp mẫu giáo, các cháu đang vô tư trong sáng, sung sướng hưởng cái hạnh phúc ngày tổng kết để về nghỉ hè, sau hè là một môi trường khác, một chân trời khác mở ra trước các cháu.
Và các cháu chứng kiến một cuộc đôi co, thậm chí có thể gọi là cãi nhau, mỗi người một mic, có tất cả 3 người trực tiếp tham gia: hội trưởng phụ huynh, hiệu trưởng và hiệu phó.
Lý do cũng là xã hội hóa, nôm na là... đóng tiền quỹ.
Vụ đùi gà và vụ này cũng đều xuất phát từ quỹ, từ xã hội hóa.
Tôi cũng từng có con đi học, và cũng từng là hội trưởng hội phụ huynh một trường khi con tôi còn học phổ thông.
Từ lâu phụ huynh luôn quan niệm được mời đi họp phụ huynh tức là đương nhiên đi... nộp tiền. Và tôi cũng thế dù tôi phản đối kiểu thu tiền vô tội vạ, nhưng luôn tặc lưỡi, thôi ai sao mình vậy.
Cho đến khi làm hội trưởng phụ huynh.
Nhà trường đưa cho tôi một danh mục phải chi nhưng... không có tiền, nôm na là ngân sách không cấp, hoặc cấp không đủ.
Nó chả khác gì một kế hoạch chi tiêu của cơ quan nhà nước, từ sửa chữa cơ sở vật chất tới các mục khác như văn phòng phẩm, vệ sinh, bảo vệ... Chưa hết, còn những thứ hiển nhiên như thăm hỏi, như lễ tết, rồi liên hoan cuối năm, phần thưởng học sinh giỏi...
Tức là trường không có tiền, nhờ hội phụ huynh giúp.
Tôi đã cố gắng gạt hết những phần không cần thiết, thì vẫn thấy cần một khoản khá lớn. Nhưng tôi cũng làm một việc được phụ huynh hoan nghênh là... đứng về phía phụ huynh nghèo. Chỉ yêu cầu phụ huynh đóng những khoản tối thiểu nhất, còn thì tôi vận dụng hết các mối quan hệ, đi xin, nôm na là... hành khất, giờ gọi cho sang là “xã hội hóa”.
Và năm sau, dù cả trường và các vị phụ huynh vẫn “hết sức tín nhiệm”, tha thiết mời làm tiếp, tôi phải vận hết mọi lý do để... thoát chức.
Tức là đúng là có những khoản mà bây giờ có con đi học ấy, không thể không đóng góp. Tất nhiên như đã nói từ đầu, anh có quyền chống lại, không đóng, nhưng như thế nó rất khó coi, anh trở thành “phụ huynh cá biệt” và con anh sẽ, dù muốn dù không, tủi thân, ít nhất là thế.
Vả tôi thấy bây giờ, các cháu lớp nhỏ ấy, đến sinh nhật, bố mẹ thường xin phép giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh, hôm ấy đặt bánh, và tiện nhất là đùi gà, mỗi cháu 1 phần, sau buổi học các cháu liên hoan với nhau, có sự tham gia của cô chủ nhiệm, thậm chí là cả phụ huynh, rất vui.
Thế tức là, cái cuộc liên hoan nhẹ cuối năm ấy, nó là một việc không có gì đáng to tát, nên làm.
Nhưng cũng đừng nên lạm dụng. Nhiều cuộc liên hoan cuối năm tôi thấy phụ huynh đặt nhà hàng mang tới, như... cỗ cưới, nó lại thành lạc lõng.
Sáng nay ngồi cà phê với mấy bạn giáo viên, các bạn ấy nêu “ước mong cháy bỏng”, “khát vọng tha thiết” là, giáo viên không phải trực tiếp thu tiền. Các vị giáo viên ấy kể, giờ giáo viên phải kiêm rất nhiều thứ, dạy chỉ như là việc phụ.
Và lại trở lại cái cô giáo viên lớp “đùi gà” kia. Cô này cũng chịu rất nhiều búa rìu, trong khi về nguyên tắc, hôm ấy cô cũng chỉ là khách mời của hội phụ huynh. Thế mà ngay sau khi bà mẹ kia “bóc phốt” lên mạng, cô và vài người có trách nhiệm nữa đã phải tới nhà cháu bé xin lỗi mẹ cháu.
Hỏi các vị giáo viên, thế nếu các thầy cô không thu thì tiền đâu mà làm việc. Họ bảo, sao không tính toán chi li từ đầu, rồi cộng hết vào học phí. Cái nào nhà nước bù theo tinh thần “ưu việt của chế độ” thì trừ ra, còn lại thu từ đầu năm. Tính đúng đủ là có cả tiền tủ dép như cái lớp mẫu giáo Quảng Bình kia, cả tiền liên hoan cuối năm của lớp “đùi gà’ kia, rồi tiền tổng kết, tiền phần thưởng, tiền sửa cửa, tiền vệ sinh, tiền chống dột vân vân các thứ...
Tới lúc ấy, giáo viên chỉ mỗi việc là... dạy, tức giáo viên đúng nghĩa.
Ôi tôi nhớ hình như ngày xưa thời tôi đi học cũng thế. Cũng đóng học phí một lần, rồi cứ thế tung tăng đi học.
À và nhớ, cuộc liên hoan cuối năm đầu tiên của đời học sinh của tôi là cuối năm lớp 4, cuối cấp 1 để lên cấp 2, hồi hệ 10 năm. Mỗi học sinh nộp 1 bò (lon) gạo, mấy bác phụ huynh bắt tới một... con chó. Các bác ấy làm xong mời tất cả thầy cô (là khách) và bọn học sinh nhi đồng thối tai lớp 4 là chúng tôi (là chủ) chén một trận căng bụng rồi về.
Tin mới nhất trước khi kết thúc bài viết này, là một cháu bé 5 tuổi lại bị bỏ quên trên xe và tử vong.
Rất buồn và thương, nhưng nó sẽ là chủ đề của một “đa chiều” khác.