Hỗ trợ hạ sốt sau tiêm vắc-xin bằng phương pháp chườm mát

Hoàng Huyền
Nếu sốt cao sau khi tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19, cùng với các biện pháp như uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo, bạn nên kết hợp thêm phương pháp chườm mát, giúp cơ thể nhanh chóng hạ nhiệt. Tuy nhiên, chườm mát như thế nào cho đúng cách và hiệu quả là điều không phải ai cũng nắm rõ.
Hỗ trợ hạ sốt sau tiêm vắc-xin bằng phương pháp chườm mát-dulichgiaitri.vn
(Ảnh: Minh họa, int)

Đối với tiêm phòng vắc-xin nói chung và vắc-xin ngừa Covid-19 nói riêng, sau khi tiêm thường có những tác dụng phụ như: Sốt, đau nhức, đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu, mẩn đỏ và các phản ứng khác tại nơi tiêm chủng. Tác dụng phụ xảy ra khi tiêm đối với tất cả các loại vắc-xin đều sẽ có những triệu chứng tương tự, chúng sẽ biến mất chỉ sau vài ngày, là các triệu chứng nhẹ và trung bình. Đây là hiện tượng phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể (có lợi) nên chúng ta không cần quá lo lắng. Nhưng nếu tình trạng mẩn đỏ, sưng, đau không thuyên giảm trong 24 giờ sau khi tiêm chủng và tiếp tục nặng hơn hoặc nếu các tác dụng phụ kéo dài, chúng ta cần liên hệ ngay bác sĩ để được tư vấn.

Trong trường hợp chỉ sốt cao, cùng với uống thuốc, người tiêm có thể áp dụng cách chườm mát cơ thể để hạ sốt nhanh chóng. Bản chất của chườm mát là cơ chế truyền nhiệt trực tiếp (nguyên tắc vật lý), giúp cho nhiệt độ cao của cơ thể truyền sang khăn mát có nhiệt độ thấp hơn.

Trước khi chườm cần chuẩn bị dụng cụ: Chậu nước nhiệt độ khoảng 34,5 - 35°C (nhiệt độ nước chườm thấp hơn nhiệt độ người sốt 2-30); Khăn mặt 10 - 20 cái. Khi chườm, cho người sốt nằm chỗ thông thoáng, mát, mặc quần áo rộng. Lấy khăn mặt nhúng vào chậu nước, vắt nhẹ nước đi, rồi đắp vào các vị trí có nhiều mạch máu và mạch máu lớn đi qua để dòng máu đó mang nhiệt độ cao của cơ thể truyền sang khăn nước có nhiệt độ thấp hơn một cách dễ dàng như: Trán, nách, hai bên cổ, mặt trước khuỷu tay, cổ tay, khoeo chân, cổ chân, lòng bàn chân, các vị trí đắp hai bên.

Khi khăn hơi ấm thì lại nhúng vào chậu nước và chườm như ban đầu. Có thể kết hợp dùng khăn đó lau toàn thân để thêm tỏa nhiệt. Khi nhiệt độ giảm xuống mức an toàn thì ngưng chườm.

Không dùng đá hoặc nước đá để chườm, vì nhiệt độ lạnh quá, sẽ làm cho mạch máu tại chỗ chườm co lại, làm cản trở sự dẫn truyền nhiệt từ cơ thể ra khăn, nhiệt độ hạ chậm, có khi còn gây bỏng lạnh tại chỗ.

ThS.BS. NGUYỄN ĐÌNH THỤC/baophunuthudo.vn

Tổng Thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam