Học sinh căng mình vì học thêm

Hoàng Huyền
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo cấm học thêm, dạy thêm nhưng tình trạng học sinh phải học thêm kín lịch vẫn diễn ra phổ biến. Cảnh học sinh ngồi vào bàn học khi đã 9h tối, mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí càng học kết quả càng đi xuống đã không còn hiếm.

hoc-sinh-cang-minh-vi-hoc-them-dulichgiaitri-giao-duc-1671701089.jpg
Học sinh căng mình vì học thêm

Kiệt sức vì học thêm quá nhiều
Một ngày của em Nguyễn Tiến Đức, học sinh lớp 9 ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thường bắt đầu từ lúc 5h30 sáng. Nhà xa, em phải dậy sớm chuẩn bị để bắt xe bus đi học. Hết buổi học chính khóa ở lớp, em học thêm ca chiều do nhà trường tổ chức. Sau đó, nhiều hôm lại học thêm ca tối, từ 5h30 tới 7h30. 8h30 về nhà, ăn cơm, tắm rửa mất 1 tiếng. Khi ngồi vào bàn học đã 9h30, có hôm là 10h đêm. Em bắt đầu giải quyết các bài tập về nhà, bài tập trên nhóm cô giao, ôn bài ngày mai cho đến 12h đêm.

Tiến Đức thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ. Có khi đang làm bài tập, em ngủ gục luôn tại bàn. Lịch học kín mít, học nhiều, nhưng kết quả học tập của em không hề đi lên, ngược lại, còn thấp đi. Trong đợt kiểm tra khảo sát giữa kỳ I, điểm cả 3 môn Văn, Toán, Anh - những môn sẽ thi vào lớp 10 của em đều thấp, thậm chí môn Toán bất ngờ xuống chỉ còn 4 điểm.

Chị Nguyễn Thu Thảo, mẹ Tiến Đức cho biết, chị rất lo lắng trước tình trạng của con trai. Tuy nhiên, chị không biết làm thế nào khi năm nay là năm cuối cấp của con, trước mắt là kỳ thi “sinh tử” vào lớp 10 công lập. Nếu dừng lại, không cố gắng, chị sợ con sẽ không thể “đấu” lại được với bạn bè.

Trường hợp của em Đức không phải là cá biệt. Những học sinh cuối cấp đều có lịch học căng thẳng, chạy đua với thời gian. Và không chỉ có học sinh cuối cấp, nhiều học sinh lớp dưới cũng có lịch học kín mít. Nhất là trước kỳ kiểm tra học kỳ, những buổi ôn tập, những bài tập thầy cô giao, rồi học thêm… khiến các em không có đủ thời gian cho nghỉ ngơi. Thậm chí, cuộc đua học tập còn ở cả những em bé lớp mẫu giáo. Rất nhiều em học sinh lớp mẫu giáo vừa tan trường lại tiếp tục được mẹ cho đến nhà giáo viên để học luyện chữ, học đọc, làm Toán… đến tận 9h tối. Khi được hỏi vì sao cho con học thêm nhiều thế, các phụ huynh trả lời, rất sợ sang năm con vào lớp 1 không đuổi kịp các bạn. Bởi giờ bạn nào cũng đi học tiền tiểu học như vậy cả.

Không nên ép con học quá nhiều, sẽ “phản tác dụng”
Cô giáo Đỗ Phương Nam, trường THCS Ngô Gia Tự (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, việc học sinh phải học quá nhiều thường là do phụ huynh. Cô đã nghe học sinh chia sẻ, các con không muốn học thêm nhưng bố mẹ cứ bắt đi, không biết làm thế nào. Thực tế, việc cho con đi học thêm không hẳn do học lực của con ở mức kém khiến bố mẹ buộc phải cho con đi học bổ trợ, mà dù con học bất kỳ trường nào, top 1 hay top 2 thì nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý không thấy ổn, cần phải cho con đi học thêm.

“Thậm chí có phụ huynh cho con học 2 thầy cùng 1 môn. Trong các cuộc họp phụ huynh, tôi vẫn nói với các phụ huynh: Nếu cho con học như vậy, tới lúc đi thi sẽ rất nguy hiểm, bởi con không biết theo ai. Ngoài ra, con không còn thời gian tự học ở nhà. Trong khi đó, việc tự học mới là quan trọng nhất. Cho dù thầy cô giáo dạy có hay đến bao nhiêu mà học sinh không tiếp thu được thì kết quả cũng vẫn “đổ sông đổ biển”- cô giáo Nam nói.

Vấn đề là học bao nhiêu là đủ, bố mẹ cần phải lắng nghe con để có những điều chỉnh, không thể cứ ép con học thêm theo sở thích, khát vọng của mình, như vậy sẽ phản tác dụng.

Đồng quan điểm, cô giáo Đặng Liễu, trường THPT Nguyễn Gia Thiều chia sẻ, cô cũng có con gái năm nay thi vào lớp 10 THPT. Tuy nhiên, cô phải căn cứ vào tình hình sức khỏe của con để điều chỉnh lịch học cho con. “Cháu học thêm rất ít, thường các buổi chiều cháu tự học. Không nên ép con đi học thêm quá nhiều. Thầy cô giảng mà không lĩnh hội được thì chỉ có học kém đi, bởi mệt mỏi, mất thời gian cho tự học”- cô giáo Đặng Liễu chia sẻ.

Theo một số giáo viên chia sẻ, đôi khi họ phải dạy cả nội dung của tiết học chính khóa trong tiết dạy thêm. Lý do là vì, nếu dạy đúng phân phối chương trình, thì có những tiết rất khó dạy theo chương trình mới, học sinh vẫn chưa kịp hiểu bài trong 45 phút. Việc có phải đi học thêm hay không, còn phụ thuộc vào cả chương trình nữa.

Trước gánh nặng học thêm, dạy thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có quy định các trường hợp không được dạy thêm như: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống). Về dạy thêm học thêm trong nhà trường, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải tuân thủ các quy định: Học sinh có nguyện vọng phải viết đơn, cha mẹ ký. Nhà trường sau đó tổ chức phân nhóm học sinh theo năng lực, không dạy cào bằng và phân công giáo viên phụ trách môn học thêm theo đúng nhóm năng lực học sinh.

Tuy nhiên thực tế, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra không đúng quy định, tạo áp lực và gánh nặng cho phụ huynh lẫn học sinh.

NGUYỄN THU