Chú trọng tuyên truyền pháp luật tại địa bàn khó khăn
Phát biểu khai mạc đại hội, Luật gia Vũ Duy Hiển - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Thái Nguyên (khóa IV )cho biết, đại hội được tổ chức nhằm đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Đại hội cũng sẽ tiến hành những nhiệm vụ quan trọng là bầu Ban chấp hành khóa V (nhiệm kỳ 2024-2029); bầu đại biểu dự đại hội toàn quốc lần XIV của Hội Luật gia Việt Nam,…
Thay mặt đoàn chủ tịch điều hành đại hội, Luật gia Hoàng Văn Tiến cho biết, trong nhiệm kỳ, các cấp Hội Luật gia tỉnh Thái Nguyên và hội viên đã nỗ lực phấn đấu, bám sát các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của của Đảng, nhà nước, của tỉnh về công tác Hội và Điều lệ Hội; Nghị quyết Đại hội XIII của Hội Luật gia Việt Nam.
Hội đã bám sát chương trình công tác của tỉnh và Trung ương Hội Luật gia để chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác. Do đó, các mặt công tác của Hội đều đạt kết quả cao.
Nổi bật có thể kể đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là công tác trọng tâm, có vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của các cấp Hội và hội viên.
Trong nhiệm kỳ, Hội đã cộng tác với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và các tổ chức Đoàn thể quần chúng trong tỉnh để trợ giúp pháp lý cho nhân dân bằng nhiều hình thức (lưu động, tư vấn tại trụ sở).
Đặc biệt, việc trực tiếp đi trợ giúp pháp lý tại 45 xã vùng sâu, vùng xa, miền núi của tỉnh để giải đáp, phổ biến pháp luật cho đồng bào các dân tộc và các đối tượng chính sách cho hàng ngàn lượt người, đồng thời kết hợp giữa tư vấn và giải thích pháp luật, phổ biến pháp luật, làm công tác hòa giải trong nhân dân.
Từ đó, các cấp ủy, chính quyền cơ sở từng bước coi trợ giúp pháp lý là chỗ dựa cho chính quyền, khẳng định những việc làm của chính quyền cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân vào pháp luật và các cơ quan Nhà nước.
Kết quả, Trung tâm tư vấn vấn pháp luật của Hội đã cộng tác chặt chẽ với Trung giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh và các tổ chức Đoàn thể quần chúng để trợ giúp pháp lý được cho 11.375 vụ việc.
Bên cạnh đó, Trung tâm tư vấn Pháp luật của Hội đã chủ động thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện chính sách, người nghèo, người dân tộc thiểu số và những người yếu thế trong xã hội. Trung tâm và các chi nhánh đã tư vấn miễn phí cho hơn 217 trường hợp.
Mặt công tác đáng chú ý khác là việc triển khai nội dung tham gia dự án "Tư vấn pháp luật cho phạm nhân và người mới chấp hành xong án phạt tù" theo nội dung Công văn số 381 của Hội Luật gia Việt Nam. Theo đó, Hội Luật gia tỉnh đã triển khai 4 buổi tư vấn cho 200 phạm nhân tại Trại giam Phú Sơn.
Ngoài ra, công tác hòa giải cơ sở cũng gặt hái nhiều kết quả. Các hội viên đã tích cực tham gia tư vấn pháp luật cho người dân, giúp họ hiểu hơn về quy định của pháp luật. Các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hòa giải 5.572 vụ việc, hòa giải thành 4.062 vụ việc. Từ đó giúp bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả trong công tác Hội
Luật gia Lê Thị Kim Thanh – Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được trong tất cả các mặt công tác của Hội Luật gia tỉnh Thái Nguyên.
Để công tác Hội hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị Hội luật gia tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
"Sắp tới có thể sẽ có những thay đổi mạnh mẽ để sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội chúng ta cũng không phải ngoại lệ, nên đề nghị các cấp Hội sẵn sàng để thích nghi với tình hình mới", bà Thanh lưu ý.
Bên cạnh đó, Hội cần tiếp tục xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức của các cấp Hội, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, vận động, thu hút và phát triển hội viên ở tất cả các cấp Hội. Chú trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia tỉnh trong mọi mặt công tác.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Bà Thanh cũng đề nghị, Hội Luật gia tỉnh cần tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành ở địa phương, cũng như giao lưu học hỏi kinh nghiệm của Hội Luật gia các tỉnh để đảm bảo quả hoạt động một cách tốt nhất, tránh chồng chéo, lãng phí.
Ngoài ta, Hội Luật gia tỉnh cần tham gia tích cực vào các hoạt động do Trung ương Hội tổ chức. Trong năm tới, Trung ương Hội có 2 nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương mại và tiếp tục triển khai Đề án "Khảo sát đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp" giai đoạn II.
"Rất mong các đồng chí tham gia tích cực để cùng Trung ương Hội hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ này", bà Thanh nhấn mạnh.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Thái Nguyên cũng là 1 trong 10 tỉnh được Trung ương Hội lựa chọn tham gia dự án "Tư vấn pháp luật cho phạm nhân và người mới chấp hành xong án phạt tù ", giai đoạn 2024-2027. Do đó, đề nghị Hội tiếp tục thực hiện tốt dự án này.
Phát biểu sau đó, Luật gia Vũ Duy Hiển bày tỏ tiếp thu sâu sắc những ý kiến chỉ đạo từ Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Ngay sau đó, đại hội tiến hành bầu BCH khóa V với 16 hội viên. Luật gia Hoàng Văn Tiến (Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên) được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Thái Nguyên khó V (nhiệm kỳ 2024-2029).