- Mẹ à, hình như là bố có vấn đề. Thời gian gần đây, bố toàn bảo bận không về nhà trọ ăn cơm cùng con như trước mà toàn đi ăn ngoài. Dạo này, bố cũng diện hơn, có thêm quần áo mới nữa - con trai đang học đại học ở Hà Nội gọi điện về nói với chị.
Nghe con kể, lòng chị bồn chồn và có chút dự cảm không lành. Bởi không chỉ có con trai thấy bố có sự thay đổi mà bản thân chị cũng cảm nhận được điều đó.
Hơn 20 năm trước, anh chị đến với nhau, cả hai đều xuất thân trong gia đình nông dân. Đời sống khó khăn nên anh và chị đều không có ý định học lên cao như bạn bè. Tốt nghiệp lớp 12, họ ở nhà làm nông, cày cấy cùng bố mẹ. Đến tuổi lấy chồng, lấy vợ, họ gặp nhau rồi yêu và nên duyên vợ chồng. Về sống với nhau, hạnh phúc bình dị ấm êm vì cả hai cũng chẳng mưu cầu giàu sang, bằng lòng với cuộc sống đủ ăn, đủ mặc. Tuy nhiên, khi hai đứa con lần lượt ra đời, anh chị bắt đầu thay đổi quan niệm sống. Suy nghĩ về tương lai của hai đứa con được anh chị cân nhắc, đề cập tới nhiều hơn. Cả hai thống nhất “con phải hơn cha” để “nhà có phúc”. Nghĩa là ngày xưa bố, mẹ chỉ học hết cấp ba nhưng ngày nay con cái phải học đại học, thậm chí học lên thạc sĩ, tiến sĩ nếu chúng giỏi giang và có ý chí học hành. Anh chị cũng nhận ra, cuộc sống đủ ăn đủ mặc thời của các con không giống mình, chúng có nhu cầu cao hơn nên việc học để có kiến thức mai này phấn đấu sự nghiệp cao, thăng tiến, cuộc sống giàu có.
Vậy nên, anh chị cố gắng đầu tư việc học hành cho con. Hai đứa trẻ chẳng phụ lòng bố mẹ, đứa nào cũng ham học. Năm nào, chúng cũng mang thành tích về cho bố mẹ khiến anh chị vui vô cùng. Điều đó khiến họ càng quyết tâm làm lụng hơn để có tiền bạc đầu tư cho con học lên đại học. Ngày con trai báo đỗ Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, anh chị vui mừng khôn xiết nhưng cũng kèm theo đó là nỗi lo nuôi con ăn học khi ra phố. Tham khảo người quen, họ hàng, chi phí tối thiểu cho con ăn học ở thành phố mỗi tháng ít nhất cũng 5 triệu đồng. Số tiền đó đối với gia đình không có lương, thu nhập chủ yếu trông chờ vào mùa vụ, chăn nuôi thêm như anh chị không phải nhỏ. Chị bàn tính với anh tìm thêm công việc để có tiền nuôi con ăn học.
Ngày con nhập học, chị đưa con ra Hà Nội tìm phòng trọ để con ăn ở trong mấy năm học. Ở khu trọ đó, chị bắt gặp không ít gia đình có hoàn cảnh như mình. Trong đó, một số ông bố, bà mẹ chọn cách ra thành phố tìm việc làm thêm để nuôi con ăn học trong 4 năm đại học. Phụ nữ thì buôn bán rong, mua bán ve chai, đồng nát, hoặc làm giúp việc theo giờ, chăm người ốm trong bệnh viện. Đàn ông đi làm cửu vạn, bốc vác, chạy xe ôm công nghệ, làm bảo vệ… Chị thấy đó cũng là cách hay cho gia đình mình lúc bấy giờ.
Chị về quê bàn với anh để một trong hai người ra thành phố tìm việc sống cùng con, nuôi nó ăn học luôn. Suy tính kỹ mọi bề, chị để chồng ra phố, còn mình ở lại quê vì con gái thứ hai vẫn còn nhỏ, chị cũng phải lo việc gia đình. Đàn ông vắng nhà, phụ nữ vẫn lo toan được mọi việc, nhưng nhà vắng bàn tay phụ nữ thì quạnh quẽ. Vậy là anh xách đồ ra phố, tìm được công việc bảo vệ ở một siêu thị điện máy. Hai bố con ở cùng một phòng trọ, sáng con đến trường, bố đi làm, chiều về bố con tự nấu nướng cơm nước với nhau. Sự bàn tính đó cũng ổn thỏa đối với gia đình chị lúc này.
Vợ chồng sống xa nhau nhưng thời công nghệ nên đã kéo gần khoảng cách xa mặt cách lòng. Buổi tối hoặc buổi trưa rảnh rỗi, anh lại gọi điện cho vợ “báo cáo” tình hình hai bố con ở thành phố để chị yên tâm, và cũng là xua đi nỗi nhớ nhung khi vợ chồng sống xa nhau. Thỉnh thoảng, chồng bắt xe về quê thăm vợ con một hai hôm rồi quay ra. Làng xóm bảo, người đi làm ở thành phố về cũng có khác, quần áo tươm tất chẳng còn vẻ lam lũ như ngày xưa. Có người còn nửa đùa nửa thật “nhắc” chị giữ chồng cho chặt, kẻo có ngày phụ nữ thành phố “cướp” mất chồng. Chị nghe nhưng bỏ ngoài tai, bởi tin chồng tuyệt đối. Sống với nhau hai mặt con, chị biết anh yêu thương vợ nên chẳng bao giờ nghĩ đến một ngày lòng anh thay đổi vì một người phụ nữ khác bên ngoài.
Nhưng sự cám dỗ chốn thị thành cuối cũng cũng “quật đổ” anh. Sau lời cảnh báo của con trai, theo dõi chồng thêm một thời gian, chị phát hiện chồng có người phụ nữ khác. Cô chủ hàng cơm bình dân gần chỗ anh đã ly hôn sống một mình lâu nay bỗng cảm mến anh từ lúc nào không hay. Ban đầu, thỉnh thoảng anh ghé hàng cô ăn cơm khi lỡ bữa, giúp cô vài ba việc vặt như sửa lại bóng đèn điện bị hỏng, thay cái vòi nước bị hư, khiêng giúp thùng nước ngọt, két bia khi hàng chở về quán ăn… Hai người trở thành bạn bè rồi thân thiết, lúc nào cũng như… người thân. Người đàn ông xa vợ lâu ngày cộng thêm sức hút của người phụ nữ đang độ hồi xuân, anh cứ thế sa vào lưới tình. Mối tình ấy, tất nhiên là nằm trong vòng bí mật. Nhưng sự yêu thương, chăm chút cho anh của người phụ nữ đó thì không giấu được con trai anh. Nó phát hiện bố có sự thay đổi, ăn mặc chải chuốt hơn, thỉnh thoảng lại mang một vài bộ quần áo mới về nhà trọ. Buổi tối, thay vì hai bố con ăn xong rồi dọn dẹp, nói chuyện, xem điện thoại với nhau, gọi về cho mẹ và em ở nhà rồi đi ngủ, giờ đây bố nó thỉnh thoảng lại đi ra ngoài bảo gặp bạn bè đến khuya mới về.
Chị bỏ cả công việc ở quê, gửi con bé lại cho ông bà ngoại rồi lên thành phố “điều tra” sự việc, tìm gặp tình địch để… đánh ghen. Nhưng chị chưa kịp đánh ghen thì anh đã thú nhận cuộc tình ngoài luồng ấy rồi “xin” chị ly hôn. Anh bảo sẽ nuôi con trai ở trên này, còn chị cứ sống ở quê và nuôi con gái. Tài sản, mọi thứ, anh để lại cho chị hết, vì người phụ nữ đó bảo anh cứ “tay không” mà đến với cô, bởi cô ta chỉ cần anh, còn lại không cần gì hết. Dù chị hết lời khuyên nhủ chồng, anh vẫn lạc lối trong cuộc tình bất chính đó. Anh bảo, nếu chị không chịu ly hôn thì cứ sống có chồng “một bến hai đò”. Giỗ Tết ở quê, anh vẫn về chu toàn, thỉnh thoảng về thăm vợ con như trước đấy, còn ở thành phố, bố con anh sẽ chuyển về sống cùng người phụ nữ đó.
Chị choáng váng trước sự thật phũ phàng đó. Con trai thương mẹ, tất nhiên không đồng ý về sống cùng bố. Nó còn dọa, nếu bố mà bỏ mẹ đi lấy người khác nó sẽ bỏ học đi bụi đời. Để chứng minh cho bố thấy, nó đã bỏ học về quê. Trước áp lực bỏ học của con, anh không nói tới chuyện ly hôn nữa, nhưng tình cảm với người phụ nữ kia vẫn không chịu chấm dứt hẳn. Anh chẳng chịu về quê, vin vào cái cớ phải ở thành phố kiếm tiền để nuôi con trai học xong đại học. Đúng là nếu bây giờ anh không đi làm nữa, khoản tiền nuôi con ăn học cũng là cả vấn đề đối với chị. Tuy nhiên, nếu để anh ở trên này, cuộc hôn nhân của họ vẫn tiếp tục chao đảo.
Chị quay về quê, bố trí lại chuyện ruộng vườn rồi bảo sẽ thu xếp rồi đưa cả con gái ra thành phố. Cả nhà sẽ chuyển ra ngoài này thuê trọ, tìm kiếm việc mưu sinh. Chị muốn vợ chồng ở gần để đồng lòng hàn gắn, không để kẻ thứ ba có cơ hội chen chân vào. Từ ngày vợ con chuyển ra phố sống gần, lòng anh cũng hồi tâm lại. Cuộc sống cả nhà khó khăn, vất vả hơn trong căn nhà trọ chật chội, nhưng cuộc hôn nhân của họ đã vững trở lại. Chị bảo, cố gắng mấy năm nữa cho con trai học xong đại học, họ lại về quê để vợ chồng sớm tối có nhau như ngày xưa.