Đợt không khí lạnh rất mạnh tràn về miền Bắc
Miền Bắc rét đậm, rét hại, có nơi xuất hiện mưa tuyết và băng giá
Dự báo thời tiết vùng núi Mẫu Sơn có thể xuống dưới 2 độ C, nguy cơ xuất hiện băng giá trong đợt rét đậm, rét hại này. Ảnh minh họa.
Trên biển: Từ sáng 7/2, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 2,0-4,0m; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, riêng phía Đông có lúc cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh, sóng biển cao 5,0-7,0m. Từ chiều ngày 7/2, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 4,0-6,0m. Từ đêm 07/2, vùng biển phía Đông khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Đông quần đảo Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 4,0-6,0m.
Dự báo chi tiết:
Thời điểm dự báo | Khu vực ảnh hưởng | Nhiệt độ thấp nhất (oC) | Nhiệt độ trung bình (oC) |
---|---|---|---|
Ngày và đêm 7/2 | Bắc Bộ | 9-12, vùng núi 5-8, vùng núi cao có nơi dưới 3 | 13-15; vùng núi 11-13; Lai Châu, Điện Biên: 16-18 |
Bắc Trung Bộ | 12-15 | 15-17 | |
Ngày và đêm 8/2 | Bắc Bộ | 9-12, vùng núi 5-8, vùng núi cao có nơi dưới 3 | 12-14; vùng núi 10-12; Lai Châu, Điện Biên: 14-16 |
Bắc Trung Bộ | 12-14 | 14-16 | |
Quảng Bình đến Huế | 14-16 | 16-19 |
Cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm: Đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 10/2.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao nên từ nay đến sáng 8/2, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rải rác; từ ngày 7-9/2, khu vực từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và dông.
Vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Nhận định tháng 2 rét hơn trung bình nhiều năm
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, trong tháng 2, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Về tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Trung Trung Bộ có lượng mưa cao hơn từ 10-20mm có với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Dự báo trong tháng 2, không khí lạnh tiếp tục tác động đến thời tiết nước ta. Có khả năng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm trong nửa cuối thời kỳ dự báo và gây nhiều ngày rét đậm, rét hại.
Đặc biệt, trong thời kỳ dự báo, khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện một số ngày mưa rào rải rác và có nơi có dông. Cảnh báo trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như sương mù, dông, sét và băng giá, sương muối có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Về đợt không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động của tàu thuyền. Trên đất liền, không khí lạnh có thể gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền bắc, nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc. Ngoài ra, sương mù có thể gây ảnh hưởng đến khả năng quan sát, tăng nguy cơ va chạm trong các hoạt động lưu thông.
Trước đó trong tháng 1, miền Bắc đã trải qua 3 đợt không khí lạnh đáng chú ý vào các ngày 9/1, 14/1 và 26/1. Đợt không khí lạnh cuối tháng gây rét đậm, rét hại diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi như Hà Giang, Lào Cai - những nơi đã xuất hiện băng giá và mưa tuyết. Nhiệt độ nhiều nơi xuống dưới 10 độ C, vùng núi cao chỉ còn 2-4 độ C.
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống về thời tiết trong năm 2025, hiện tượng nắng nóng có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình năm, nắng nóng có khả năng bắt đầu xuất hiện tại khu vực Nam Bộ vào khoảng nửa đầu tháng 3; khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía tây bắc Trung Bộ vào khoảng tháng 4 và phía đông Bắc bộ, khu vực ven biển Trung Bộ từ khoảng tháng 5 trở đi.
Trúc Chi (t/h)