Ngành du lịch khởi sắc dịp Tết: Cú hích cho sự bùng nổ năm 2022

Admin
9 ngày Tết, ngành Du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Những con số "đẹp như mơ"

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho biết, trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/01/2022 - 06/02/2022), ngành Du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 9 ngày nghỉ Tết, lượng khách du lịch nội địa đã vượt số khách cả tháng 12/2021 (5,2 triệu lượt) và không kém nhiều lượng khách nội địa trong tháng 1/2020 (7,3 triệu lượt) - thời điểm trước dịch bệnh Covid-19. Một số điểm đến có lượng khách tăng đột biến, vượt hoặc xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020.

Theo thông tin từ Báo Chính phủ, Tây Ninh là địa phương đón lượng khách lớn nhất với 595.000 lượt khách; công suất phòng lưu trú khoảng 65%. Bà Rịa-Vũng Tàu đón khoảng 420.000 lượt khách, tổng thu đạt 358 tỷ đồng; công suất khách sạn 3-5 sao đạt 97%. Lâm Đồng đón gần 300.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có hơn 120.000 lượt khách có lưu trú qua đêm, tăng trên 128,9% so với cùng kỳ năm ngoái; công suất cơ sở lưu trú du lịch đạt trên 95%. Quảng Ninh đón khoảng 290.000 lượt khách, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; tổng thu khoảng 400 tỷ đồng; công suất khách sạn 4-5 sao đạt 80-90%. Lào Cai đón khoảng 86.000 lượt, trong đó Sapa đạt 74.388 lượt khách du lịch.

Kinh tế vĩ mô - Ngành du lịch khởi sắc dịp Tết: Cú hích cho sự bùng nổ năm 2022

Một số điểm đến thậm chí có lượng khách tăng đột biến, vượt hoặc xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Báo Chính phủ.

Ba trung tâm du lịch lớn là Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng cũng tưng bừng đón khách. Tp.Hồ Chí Minh đón 280.000 lượt khách, trong đó khách đến các điểm tham quan 200.000 lượt; tổng thu đạt 3.100 tỷ đồng trong đó doanh thu tại các khu điểm du lịch đạt khoảng 140 tỷ đồng; công suất phòng tại các khách sạn 4-5 sao khoảng 40-45%.

Trên địa bàn Hà Nội, tại các điểm tham quan du lịch, bảo tàng, công viên được mở cửa với nhiều hoạt động đã thu hút khách du lịch nội địa. Tiêu biểu như: Tản Đà Spa Resort, khu du lịch Ao Vua, Vườn thú Hà Nội, điểm làng nghề sinh vật cảnh... Khách du lịch chủ yếu là khách người dân Thủ đô đi du xuân và khách đến từ một số các tỉnh thành lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Ước tính, trong 09 ngày Tết Nguyên đán, Thủ đô Hà Nội đón khoảng hơn 105.000 lượt khách; công suất sử dụng phòng đạt 22,4%.

Đà Nẵng đón 35.000 lượt khách, tăng 16,71% so với cùng kỳ 2021, trong đó khách lưu trú 25.500 lượt, tăng gấp 6 lần so cùng kỳ. Tổng số chuyến bay nội địa đến Đà Nẵng đạt 404 chuyến.

Nghỉ dưỡng biển đảo là một sản phẩm thu hút khách du lịch nội địa dịp nghỉ Tết năm nay. Kiên Giang đón 98.000 lượt khách; công suất sử dụng phòng khoảng 56,3%; riêng Phú Quốc có 79.000 lượt khách; công suất sử dụng phòng đạt 71,3%. Khánh Hoà đón 98.610 lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 524 tỷ đồng. Công suất các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt hơn 72,8%, phân khúc cao cấp (4-5 sao) gần như “cháy phòng”.

Những tín hiệu hứa hẹn cơ hội phục hồi, tăng trưởng

Cũng theo Tổng cục Du lịch, một số doanh nghiệp du lịch lớn như Vietravel, Saigontourist, Fiditour… ghi nhận nhiều thông tin tích cực khi lượng khách hàng đặt mua tour du lịch với xu hướng gần với thời gian từ 2 đến 4 ngày là khá lớn. Lượng khách chủ yếu từ thị trường Tp.Hồ Chí Minh, khách tự tin, lạc quan hơn với việc kiểm soát dịch bệnh nên quyết định lên đường đi du lịch.

Theo ước tính, lượng khách Tết Nguyên đán 2022 tăng hơn nhiều so với kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2022 ở hầu hết các hành trình tour, bao gồm tour dành cho khách đoàn doanh nghiệp và khách lẻ, khởi hành theo lịch định sẵn.

Các doanh nghiệp du lịch đều kỳ vọng những tín hiệu tốt dịp Tết Nguyên đán năm nay khi lượng khách mua tour, đặt khách sạn tăng cao sẽ tạo đà sớm phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch.

Kinh tế vĩ mô - Ngành du lịch khởi sắc dịp Tết: Cú hích cho sự bùng nổ năm 2022 (Hình 2).

Khách du lịch ưa chuộng việc đặt mua tour với thời gian từ 2 đến 4 ngày. Ảnh: Báo Chính phủ.

Những kết quả tích cực dành cho ngành du lịch ngay trong những ngày đầu năm mới Tết nguyên đán có được từ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của cơ quan quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương đến các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp trong bối cảnh phủ vắc-xin diện rộng tạo tâm lý thoải mái, lạc quan cho du khách. Tất cả hứa hẹn một năm mới ngành Du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại, khẳng định vị trí một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Trao đổi với báo Đảng Cộng Sản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, Mục tiêu trong năm 2022, ngành Du lịch phấn đấu sẽ đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đạt khoảng 60 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu đó, ngành Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, nhanh chóng phục hồi hoạt động. Hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo lãnh đạo Bộ trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng sẽ triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý điểm đến, kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch; công tác thống kê du lịch; các nhiệm vụ NCKH cấp Bộ; nhiệm vụ môi trường và nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn.

Kinh tế vĩ mô - Ngành du lịch khởi sắc dịp Tết: Cú hích cho sự bùng nổ năm 2022 (Hình 3).

Ngành du lịch hướng đến mục tiêu đạt 400 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Ảnh: Báo Chính phủ.

Ngành du lịch cũng tập trung chỉ đạo, hỗ trợ địa phương phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “mỗi tỉnh có một sản phẩm du lịch độc đáo”; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh phát triển công nghệ sạch, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

Cùng với đó là tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch trong nước cũng như nước ngoài, hướng tới các thị trường mục tiêu góp phần nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Hương Anh (tổng hợp)