Huế vừa có một sự kiện thơ, ấy là đêm thơ Nguyễn Duy với Huế. Nhà thơ Nguyễn Duy quê ở Thanh Hóa, giờ sống ở Sài Gòn, nhưng té ra ông rất thuộc Huế.
Nhớ lần gặp ông ở Huế, tôi cậy mình là dân sở tại, nhờ một nữ đồng nghiệp người Huế sống ở Huế chở đi ăn sáng. Trên xe ông là người hướng dẫn, nói quán này như này quán kia như kia, nên ăn quán này chất Huế đậm hơn, rồi sang cà phê này uống để nó “rất Huế”, rồi ông giới thiệu chỗ này chỗ kia ngõ này ngõ kia vân vân. Tóm lại là tôi và bạn đồng nghiệp cứ là nghe ông răm rắp.
Sau mới biết, ngay những ngày tháng 5 năm 1975, ông đã từng bị... công an “mời” lên đồn ở Huế. Ông ngồi trong đồn công an phường Phủ Cam một đêm, cùng với “thập loại chúng sinh” Huế bấy giờ, chỉ vì anh bộ đội Nguyễn Duy mê nhạc Trịnh Công Sơn từ hồi trong rừng, lén lút nghe nhạc ông Sơn, và giờ, khi đơn vị về Huế, ông tìm tới thăm người nhạc sĩ ông hâm mộ. Đúng tối ấy, công an đi kiểm tra hộ khẩu, một việc khá thường xuyên thời ấy, nhất là với nhà ông nhạc sĩ “nhạc vàng” càng luôn được “ưu tiên”. Giấy tờ đâu, không có hả, về đồn, bao giờ có giấy thì về.
Và ngay từ những năm 1975, 1976 ấy Nguyễn Duy đã viết một loạt thơ về Huế, cho các bạn văn Huế.Tháng 12 năm 1975 ông viết kính tặng thân mẫu Trịnh Công Sơn: “Mẹ ngồi ru con/ bàn tay âu yếm đung đưa vui buồn/ bàn tay thao thức đong đầy lo toan.../... hai vai mong manh đôi vầng Nhật- Nguyệt/ một cõi đi về/ đường trần/ mải miết/ dù con đi hoài/ đi dư kiếp người/ vẫn trong Mặt đất- Bầu trời- Bàn tay...”. Và tháng 4 năm 76 ông viết tặng Trịnh Công Sơn: “Gió đi ù ù ngang họng súng thần công/ tiếng chuông chùa đi thủng thỉnh trong không/ áo em trắng đi từ xa vắng lại/ thời gian đi xám mặt đỉnh đồng”.
À đấy, chính cái câu cuối cùng của bài thơ đã được ông chọn làm tiêu đề cho cả tập thơ để ông viết về Huế và về với Huế những ngày vừa qua, tập “Thời gian đi xám mặt đỉnh đồng”.
Ở Việt Nam, ngoài tài thơ, thì cách chơi thơ Nguyễn Duy vẫn là số 1. Ông từng mang thơ lên thúng mủng giần sàng triển lãm, cả tận nước ngoài, từng viết thơ lên giấy dó in rồi bán, từng hát xẩm thơ. Trong điện thoại và cả trên ô tô của tôi có lưu bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” do tới mấy nghệ sĩ hát xẩm, mỗi lần nghe là mỗi rưng rưng...
Khả năng đọc thơ của ông cũng vô địch. Ông như thôi miên người nghe. Mình ông một chương trình thế mà khán giả vẫn im thít từ đầu tới cuối để nghe, tất nhiên là có những tràng vỗ tay nữa. Có lần ở Sài Gòn ông đọc thơ ở một sân khấu lớn, tới lúc ông đọc bài “Đánh thức tiềm lực” thì một khán giả bước lên sân khấu đề nghị: “Nhà thơ đọc liên tục hơn một tiếng rồi, xin phép tôi được đọc tiếp bài này để nhà thơ nghỉ uống nước”, và rồi anh đọc trơn tru bài thơ rất dài này trong sự kinh ngạc của cả tác giả và công chúng.
Thì cái đêm giữa tháng 5 vừa rồi, trong không gian sân vườn của Phủ Nội Vụ - Đại Nội Huế,Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức một đêm thơ Nguyễn Duy với Huế, bên cạnh những tiết mục dàn dựng do các nghệ sĩ xịn của Huế đảm nhiệm, thì khi Nguyễn Duy chống gậy lên sân khấu đọc thơ cũng gây một hiệu ứng rất lớn trong khán giả. Mà khán giả là ai, toàn trí thức, văn nghệ sĩ Huế. Một nhóm các nhà văn từ Hà Nội cũng nhảy tàu vào Huế để dự với Huế, với ông.
Chống gậy là bởi, ngoài việc bị tiểu đường rất nặng lâu nay, thì hiện Nguyễn Duy đang có 2 nơi trong người có... thép, một là chân và hai là răng. Chân ông bị gãy, phải “hàn” bằng thép và giờ nó vẫn nguyên trong ấy. Răng thì mới cách đây mấy tháng, ông tân trang toàn bộ bằng Implant.
Tôi không ra dự đêm ấy với ông được, thì ông gửi cho cái video rất dài ban tổ chức quay cho tôi, để “coi như cũng ra”, và thấy phục ông, phục Huế với cách tổ chức hết sức bài bản, sang trọng và rất... Huế.
Có vẻ như những câu thơ hay nhất của ông viết về Huế là để tặng các bạn văn nghệ nổi tiếng xứ Huế, những là Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Chỉ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Tô Nhuận Vỹ, Trần Vàng Sao..., và đa phần là viết ngay từ hồi ông mới gặp Huế, khoảng 1975, 1976.
Đây là với Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Tôi về xứ Huế mưa sa/ em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa/ tôi về xứ Huế chiều mưa/ em ơi áo trắng bây giờ ở đâu.../ ... chợ chiều Bến Ngự chưa tan/ ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình”. Đây là với Bửu Chỉ: “quán cơm Âm Phủ còn không/ cô gì hôm ấy lấy chồng hay chưa?”. Đây là với Lâm Thị Mỹ Dạ: “Không lẽ em quên cây cầu số một/ cây cầu treo cổ nhất/ cây cầu dải yếm/ bắc từ xưa...”. Đây là với Trịnh Công Sơn: “Yêu bằng mắt cũng là yêu/ cõi đời đẹp đủ liêu xiêu cõi mình/ tim tôi quen đập thùng thình/ một kho sưu tập nét hình thoáng qua”. Đây là Trần Vàng Sao: “Người liêu xiêu thơ liêu xiêu/ hồn thơ của một người yêu nước mình”... toàn những bài thơ, câu thơ ai cũng thuộc, nhưng đọc lại, nghe lại trong không khí ấy, giữa Huế, nó hay lên rất nhiều lần.
Lại nhớ năm nào đó, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng tổ chức một đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại khách sạn nổi tiếng của Huế: Sài Gòn Morin. Tôi được ông mời dự, và nghe ông làm diễn giả về Trịnh, những câu chuyện về Trịnh, chuyện về Huế, và cảm nhận của ông về Trịnh. Và mới té ra, nhân tài thường liên tài. Ông đã thân với Trịnh Công Sơn từ ngay những ngày chưa gặp nhau, chỉ lén lút nghe nhạc Trịnh qua radio của chính quyền Sài Gòn thời ấy, việc bị cấm ở phía bên kia, kể cả dân sự huống gì khi ấy ông đã là chuẩn úy. Rồi thân nhau dằng dặc cho tới khi Trịnh mất. Chính ông là người được gia đình Trịnh Công Sơn ủy quyền biên soạn, biên tập cuốn “Thư tình gửi một người” tập hợp toàn bộ thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh xuất bản gây sự kiện một thời.
Thì nên, yêu Trịnh tất nhiên là yêu Huế là đúng rồi. Ông yêu Huế cách của mình, ngoài thông thuộc Huế tới từng ngõ ngách, từng quán ăn hơn cả thổ công, thơ ông về Huế nó vừa minh triết vừa xa xót, vừa khát khao vừa khiêm nhẫn: “Ước chi tới bến sông Hương/ đốt nhang mà lạy nắm xương lưu đày/ thế là đã trở về đây/ một con người tận chân mây cuối trời./ Tấm thân phiêu dạt quê người/ linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà/ ngai vàng vừa cũ vừa xa/ ánh vàng vương miện cũng là hư không./ Mặt trời vẫn mọc đằng đông/ lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người/ bao triều vua phế đi rồi/ người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”. Nguyễn Duy viết bài này khi “được tin lễ cải táng di hài vua Duy Tân ở Huế mà có thơ rằng”...
Trịnh Công Sơn cũng là người Huế, phiêu bạt Sài Gòn, và khi về cõi Phật, cũng được đưa về Huế để trọn giấc trăm năm...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả