Núi rừng Hà Giang, Lào Cai “đốn tim”
Trong bất kì thời điểm nào, dù là bình minh hay hoàng hôn, ruộng bậc thang cũng hiện lên vô cùng nên thơ, trữ tình. Ngoài ngắm vẻ đẹp mê hoặc của ruộng bậc thang nhất là mùa lúa chín, đến thăm vùng núi phía Bắc, du khách còn được thưởng thức những nét văn hóa khác nhau, từ cách sống, phong tục tập quán đến ẩm thực và nhiều điều thú vị khác của các dân tộc nơi đây. Đó là lý do, du khách trong và ngoài háo hức đặt tour để được khám phá, chìm đắm vẻ đẹp bất tận độc đáo vùng núi cao trên mảnh đất hình chữ S.
Ruộng bậc thang mê hoặc tao nhân, mặc khách
Vùng núi Đông - Tây Bắc với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ luôn mang đến những điều cuốn hút thú vị. Lịch sử hình thành ruộng bậc thang gắn liền với lịch sử và văn hóa cư trú của tộc người Mông, Dao, La Chí, Nùng... tại tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.... Những thửa ruộng bậc thang ở vùng núi này đã tồn tại hàng trăm năm do thiên nhiên và con người kiến tạo nên nhưng nó thật đẹp và hùng vĩ đến nao lòng người. Công việc khai khẩn được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những “kiệt tác treo” trên các sườn núi.
Màu lúa vàng óng ánh trải khắp các thửa ruộng bậc thang, len vào từng sườn núi, lưng đồi trong ánh nắng như những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc vô cùng ấn tượng. Nhìn từ xa, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại như những tấm lụa vàng quấn quanh triền núi xanh, cũng có những đoạn xếp tầng, xếp lớp men theo sườn đồi, thấp thoáng trong mây trắng phủ mờ, bảng lảng tuyệt đẹp. Ngắm nhìn những ruộng bậc thang trổ vàng ấy trùng trùng điệp điệp rất kỳ vĩ và làm say đắm lòng người khiến ai cũng ao ước một lần được tận mắt ngắm nhìn.
Hằng năm, cứ vào mùa thu, mảnh đất Hoàng Su Phì (Hà Giang) trở nên đẹp mê hồn khi lúa trên những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp, uốn lượn quanh những sườn đồi, lưng núi chuyển sang màu vàng óng ả. Đứng trên cao nhìn xuống, nơi đây tựa như một tấm thảm dát vàng, phảng phất hương thơm của lúa mới.
Ngoài Hoàng Su Phì (Hà Giang), những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Nghĩa Đô – Xín Mần (Hà Giang) Mù Cang Chải (Yên Bái) và Y Tý, SaPa (Lào Cai) cũng say đắm lòng người. Từ khi bình minh vừa lên, sương sớm còn bảng lảng giữa không trung đến khi những ánh nắng đầu tiên trải vàng trên những “nấc thang bước lên cổng trời”, hay tới lúc xế chiều, mùi lúa chín thơm quyện với mùi khói bếp tỏa ra từ nóc nhà của bà con dân tộc ẩn hiện trong không gian bao la. Mỗi thời khắc vùng núi lại có một nét đẹp riêng khiến cho những ai đến đây đều không muốn dời bước đi. Xa xa, những cô gái mặc trang phục thổ cẩm với chiếc gùi trĩu nặng thóc nếp cắt sớm được mang về để làm cốm non đầu mùa. Đó là một vẻ đẹp khiến du khách, cư dân mạng như đang lạc với thế giới khác.
Ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Công ty Du lịch Hàng không Việt Nam (Avitour) cho biết, ruộng bậc thang lúa vàng tuỳ từng tuyến, điểm sẽ còn duy trì đến hết tháng 10. Ví dụ tuyến Nghĩa Đô – Xín Mần (Hà Giang) kéo dài đến hết tháng 10, tuyến Mù Cang Chải (Yên Bái) khoảng giữa tháng 10, bà con dân tộc sẽ bước vào vụ gặt. Các tour về miền núi phía Bắc đang được khách đặt tour nhiều. Ước tính, lượng khách đăng ký các tour Đông-Tây Bắc tháng 8 và nửa đầu tháng 9 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Du khách từ miền Nam, miền Trung đặt tour ngắm mùa vàng rất đông và thường lựa chọn tuyến, điểm tại hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang. Đến thời điểm hiện nay, Avitour đã nhận được hơn 2.000 lượt khách đăng ký tour.
Tam giác mạch, hoa mơ ngất ngây lòng người
Không chỉ ngắm những thửa ruộng bậc thang, du khách còn chọn cho mình “Cung đường mùa xuân” với những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách khi Tây Bắc vào mùa hoa mơ, hoa mận (tháng 1-3 hàng năm). Bắc Hà (Lào Cai) từ lâu đã được định danh trên bản đồ du lịch với cái tên Cao nguyên Trắng. Những đồi hoa mơ, hoa mận, hoa đào Tả Van Chư (Bắc Hà), Mản Thẩn, Quan Hồ Thẩn (Si Ma Cai), những con đường hoa trẩu trắng, hoa lê trắng xã Thèng Phàng, Nàn Xỉn (Xín Mần- Hà Giang), những nương hoa cải vàng rực tháng 3... là những điểm đến hấp dẫn, mới lạ, vốn chỉ dành cho khách du lịch (phượt thủ) mạo hiểm nhưng nay, hai tỉnh Lào Cai, Hà Giang đã xây dựng cơ sở vật chất để khai thác đón những đoàn khách số lượng lớn đến thăm.
Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi mùa đều mang lại cho du khách sự trải nghiệm thú vị riêng. “Du lịch thể thao” diễn ra vào mùa hè tháng 6 hàng năm với giải đua xe đạp địa hình cung đường Bắc Hà - Xín Mần, lễ hội đua ngựa của người vùng cao. Thời điểm này trong năm thì nơi đây cũng là chốn tránh nóng tuyệt vời cho những du khách vùng xuôi.
Còn mùa Thu- Đông, du khách có thể hít hà hương thơm hoa, phóng tầm mắt ngắm hoa tam giác mạch ngút trời (tháng 10-11 hàng năm) tại Lầu Thí Ngài, Na Hối (Bắc Hà), Lử Thẩn (Si Ma Cai) và Suôi Thầu (Xín Mần). Riêng ở Suôi Thầu (Xín Mần), hoa Tam giác Mạch có thể nở quanh năm do khí hậu ở đây mát lạnh và có lớp đất màu mỡ tốt tươi. Tam giác mạch ở đây có thân cây cao ngang ngực người trưởng thành, hạt cây có giá trị dinh dưỡng cao, đã xuất khẩu sang Nhật Bản đề làm nguyên liệu làm bánh, món mì và ủ rượu. Ở Xín Mần, hạt cây Tam giác mạch đã thoát ly ý nghĩa xóa đói giảm nghèo để trở thành loại sản phẩm cao cấp trong du lịch, chế biến các loại mì, phở, bánh thức ăn trong các nhà hàng từ cao cấp đến bình dân.
Một điểm vô cùng hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế chính là “Chợ phiên vùng cao”. Nếu như Bắc Hà đã đi vào tiềm thức của du khách và có tên trên bản đồ du lịch với cái tên Cao nguyên Trắng, thì Chợ phiên Bắc Hà đã được quốc tế công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Cung đường du lịch mới Tây Bắc không chỉ có một chợ phiên. Chuỗi chợ phiên nổi tiếng trên cung đường này được diễn ra lần lượt vào hầu hết các ngày trong tuần từ thứ 3 đến chủ nhật nên rất thuận tiện cho các đoàn lữ hành và những du khách muốn trải nghiệm. Thứ 3 hàng tuần có chợ phiên Cốc Ly (Bắc Hà), thứ tư chợ phiên Sín Chéng (Sin Ma Cai), Bản Díu (Xín Mần), thứ 5 chợ phiên Cốc dế (Xín Mần), thứ 6 chợ phiên Lùng Phình (Bắc Hà), chợ xã Xín Mần; thứ 7 chợ Nấm Dẩn (Xín Mần), Chợ trâu bò Cán Cấu (Si Ma Cai); Chủ Nhật Chợ Si Ma Cai, chợ Bắc Hà, chợ Cốc Pài (Xín Mần), chợ Trung Thịnh (Si Ma Cai)...
“Du lịch cộng đồng” cũng hấp dẫn du khách không kém khi họ được trải nghiệm văn hóa: du lịch cộng đồng trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao với các hoạt động lễ hội, lễ tiết, đời sống và ẩm thực. Thông qua những hoạt động này, du khách thêm hiểu, thêm yêu nếp sống của du lịch bản Tày Nghĩa Đô (Quang Bình, Lào Cai), Quảng Hạ (xã Quảng Nguyên), Nà Ràng (xã Khuôn Lùng) huyện Xín Mần; Bản Liền, Bản Phố, La No (Bắc Hà- Lào Cai)... Du khách nhấp chút rượu ngô do dân bản tự nấu thơm lừng và thưởng thức những món ăn đậm bản sắc dân tộc… Du khách còn được đắm chìm vào loại hình dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc, như hát giao duyên, ném còn, múa khèn, chơi quay, kéo co, múa sạp...
Tại hội thảo “Đánh giá tính khả thi và đề xuất giải pháp phát triển Tour du lịch mới gắn kết Lào Cai - Hà Giang” vừa diễn ra ngày 18/9/2022 tại Bắc Hà (Lào Cai), ông Trần Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai cho hay: “Những cảnh quan xinh đẹp, những phong tục ngàn đời của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đa dạng, phong phú, tinh thần lạc quan và hồn hậu, thân thiện của người dân tại vùng đất phía Tây của Hà Giang và Lào Cai sẽ là những món quà tuyệt vời đang chờ du khách đến khám phá”. Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể Thao và Du lịch Hà Giang chia sẻ: “Với vị trí ở giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc và Tây Bắc, Hà Giang có lợi thế là điểm kết nối giao lưu Đông Tây, giao thoa văn hóa, Hà Giang đang tận dụng thế mạnh hiện có để bứt phá về du lịch”.
Những kỳ quan ruộng bậc thang, thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, chợ phiên, văn hóa, ẩm thực tại các bản làng trên triền núi là niềm tự hào của người dân vùng cao, hút hồn bao tao nhân, mặc khách.
Thùy Dương