Quay lén?

Admin
Cuộc sống hiện đại ngày nay, ngoài những tiện lợi mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ mang lại, thì luôn luôn tiềm ẩn những rủi ro.

Cuộc sống vốn dĩ như thế, có mặt tốt thì có mặt không tốt, và việc phát triển khoa học công nghệ, cũng không ngoại lệ. Con người sống trong xã hội đầy tiện nghi như hiện nay, mang đến bao nhiêu tiện ích, tiện lợi. Nhưng bên cạnh đó, con người lại đối diện với vô vàn rủi ro, từ mọi hướng, mọi nơi.

Dùng mạng xã hội thì có nguy cơ bị hack tài khoản, chiếm quyền sử dụng và bị giả mạo danh tính nhằm chiếm đoạt tài sản. Dùng điện thoại thì có khả năng bị gửi mã độc qua tin nhắn, và bị mất quyền điều khiển. Kết nối online thì có vô vàn điều có thể dẫn đến những rủi ro tài chính, như những sự vụ đầu tư online.

Rất nhiều việc xảy ra, trong cuộc sống vốn dĩ vô số vấn đề. Điều mà, nếu không có khoa học công nghệ, thì không thể nào có.

Như trường hợp đang làm dậy sóng báo chí và cộng đồng, mấy ngày qua, là tình trạng bị quay lén, bằng thiết bị camera siêu nhỏ, trong nhà vệ sinh. Cuộc sống ngày nay, hết thông tin này đến thông tin khác, phải làm con người giật mình.

Chuyện quay lén những nơi vệ sinh công cộng, hoặc nơi phòng tắm nữ, không phải là điều đến hôm nay mới xảy ra. Từ ngày có camera mini (dòng siêu nhỏ), thì những sự vụ tương tự cũng đã được báo chí đưa tin, hoặc đâu đó vẫn có tình trạng bị quay lén như thế nhưng báo chí không đưa tin.

Như trường hợp cậu sinh viên lớp 12 ở Nam Định quay lén giáo viên, và tống tiền. Hay như câu chuyện về một chuyên viên y tế ở một xã nọ, gắn camera trong nhà vệ sinh nữ, trong mùa đại dịch Covid-19, mà mãi sau đó mới phát hiện. Động cơ của người chuyên viên này, không gì khác hơn là để “khám phá” đồng nghiệp nữ và những người phụ nữ khác.

Nhưng thời gian gần đây, trở thành chủ đề “nóng”, được nhiều báo chí đưa tin, là vì nhiều người cùng phát hiện ra mình bị gắn camera trong phòng tắm, phòng vệ sinh. Như trường hợp hai nữ sinh viên thuê trọ ở Hà Nội, phát hiện một camera giấu kín trong ổ điện, vào ngày 30 tháng 6. Hay trường hợp một người đàn ông bị phạt 3 tháng tù, vì tội quay lén và tống tiền khách nhà nghỉ, ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Hoặc sự kiện một tiktoker có hai triệu người theo dõi, bị tố đặt camera quay lén trong khu trọ.     

Đặc biệt, khi người mẫu Châu Bùi phát hiện mình bị quay lén, và tố giác. Người quay lén cô là một người nam, trong ê kíp làm việc cùng, quay lén bằng camera mini, được gắn trong chiếc đồng hồ đeo tay.

Hết thông tin này đến thông tin khác, dồn dập báo chí và mạng xã hội, cụm từ “quay lén” trở thành nỗi “khiếp sợ” trong tâm trí một số người. Và tôi đặt ra câu hỏi, những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư, thậm chí vi phạm đạo đức xã hội, nhưng vì sao vẫn còn tồn tại, và đang “nở rộ”?

Có lẽ, ở góc độ pháp lý, chưa có chế tài phù hợp để xử lý hành vi này. Và vấn đề xử lý, còn liên quan đến động cơ của người thực hiện hành vi vi phạm nữa.

Trong trường hợp quay lén, và tung hình ảnh lên mạng xã hội, thì pháp luật có phạt vi phạm hành chính. Hoặc như trường hợp tống tiền, chiếm đoạt tài sản, thì phát luật xử lý theo quy định về việc chiếm đoạt tài sản của người khác. Còn trường hợp quay lén, và không phát tán, không bị phát hiện, chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức cá nhân, thì chưa có nhiều quy định cụ thể nói về việc quay lén người khác sẽ bị xử phạt.

Camera mini, bên cạnh việc tích cực là hỗ trợ các công việc như chống trộm, giúp phóng viên báo chí tác nghiệp, sử dụng trong điều tra tội phạm, gắn camera hành trình trên phương tiện giao thông, và nhiều lợi ích khác, thì tìm ẩn nhiều điều tiêu cực, như bị lạm dụng vào những hoạt động mà báo chí và mạng xã hội đã đưa tin.

Việc buôn bán sản phẩm camera mini nhan nhản trên thị trường, làm phổ cập sản phẩm này đến tay mọi người, giá thành rất rẻ, chỉ cần vài trăm nghìn là có được thiết bị này, nên gần như ai cũng có thể sở hữu. Nên việc quay lén, dường như ai cũng có thể làm, nếu người đó muốn.

Điều đáng nói hơn nữa, là khi thông tin về vụ việc quay lén một ai đó, được đưa lên mạng (gọi là phát tán thông tin), thì rất nhiều người dùng mạng xã hội lại nhắn tin hoặc bình luận xin clip quay lén đó. Vô tình, chúng ta chung tay cho hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức này.

Hành vi của người quay lén người khác đã “xấu”, thì hành vi “xin” clip quay lén cũng không kém phần “xấu xí”. Vậy nên, điều căn bản nhất vẫn nằm ở ý thức của cộng đồng.

Trước khi pháp luật có chế tài, quy định cụ thể, để xử phạt hành vi quay lén, phát tán thông tin trên mạng xã hội, với mức độ răn đe hiệu quả, thì người dùng mạng xã hội cũng nên cân nhắc về hành vi “xin” nội dung của mình. Bởi, nếu tất cả người dùng mạng xã hội đều lên án, thậm chí tẩy chay, khi phát hiện những video quay lén, thì có lẽ ít nhiều cũng hạn chế bớt phần nào hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức nói trên.

Cuộc sống hiện đại ngày nay, ngoài những tiện lợi mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ mang lại, thì luôn luôn tiềm ẩn những rủi ro. Và không ai có thể biết trước được, rằng mình sẽ trở thành nạn nhân vào lúc nào!...