Thời buổi này, người người đua nhau tìm cách kiếm tiền, không lĩnh vực này thì lĩnh vực khác, miễn kiếm được thật nhiều tiền. Vì quá ham mê kiếm tiền, mà nhiều người đã bỏ qua những tiêu chuẩn đạo đức nhất định, chỉ cần đáp ứng được nhu cầu tài chính.
Còn tôi thì vẫn lọm khọm đến những cửa hiệu sách cũ, đọc và tìm những cuốn sách mình mơ ước có được. Bởi trong đó chứa nhiều tri thức, cái mà tôi đang cần. Tôi ham mê tri thức như người ta ham mê tiền bạc vậy.
Cũng bởi vì ham mê sách cũ, hay mua sách cũ, nên tôi biết khá nhiều cửa hiệu sách cũ, và quen nhiều người bán. Từ bán hàng online cho đến bán trực tiếp, từ người bán sách ham đọc cho đến người bán sách chỉ để kiếm tiền.
Sách cũ thì muôn kiểu, người bán sách cũng muôn cách, người mua sách cũ cũng muôn loại. Tôi không thuộc loại người chuyên chơi sách cũ, bởi thu nhập của tôi không đủ để lưu giữ thú chơi đó. Nên tôi chỉ mua những cuốn sách cũ nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp tri thức cho mình, không phải mua để thỏa mãn thú sưu tầm sách.
Người bán sách cũ thì có người sành về các kiểu chơi sách cũ của đại gia, nên có khi bán một cuốn sách cũ, mỏng thôi, giá có thể lên đến tiền triệu. Có người bán bình thường, không am hiểu nhiều về thú chơi sách cũ của giới nhiều tiền, thì bán giá rẻ hơn nhiều.
Đương nhiên, một người ít tiền như tôi, khi mua những cuốn sách mình cần, nhưng gặp người sành sách bán, thì tôi chỉ hỏi thôi. Tôi sẽ tìm ở một cửa hiệu khác, sách chứa cùng nội dung tri thức đó, do những người ít sành sách hơn bán.
Vì làm ra tiền ít, nên mọi chi tiêu tôi phải tính toán, việc mua sách cũng không ngoại lệ. Những người bán sách cho tôi, ban đầu chưa thân quen thì bán giá hơi cao, nhưng khi tôi hay mua, biết nhau rồi, thì giá bán cũng có sự điều chỉnh hơn. Sách cũ là vô giá, cao hay thấp là do thỏa thuận giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, trong những tình huống nhất định, tôi vẫn bị mua đắt ở một vài cửa hiệu.
Như có lần tôi mua một cuốn sách cũ, về triết học, loại sách này không còn phát hành nữa, nên tôi chấp nhận mua với giá một triệu rưỡi. Sách dày, lượng tri thức lớn. Nếu là sách mới trên thị trường, cuốn sách với dung lượng như thế, giá tầm bảy trăm. Và hôm sau, tại một cửa hiệu sách khác, tôi lại vô tình gặp cuốn sách y chang thế, cũ hơn xíu, giá bán đúng bảy trăm.
Hoặc như một trường hợp khác, vì mua đủ bộ một bộ sách ba tập liên quan đến tư liệu lịch sử, tôi đành chấp nhận mua mỗi tập giá hai trăm nghìn, trong khi một chỗ khác bán cuốn lẻ giá chỉ tầm năm mươi nghìn. Vấn đề ở đây là sách đủ bộ.
Đó là vài trường hợp hi hữu, tôi mua bị hớ. Nhưng xét về lượng tri thức mình cần, thì giá những cuốn sách cũ đó cũng xứng đáng (với tôi). Sở dĩ sách cũ giá rẻ, là bởi vì nó cũ, nhưng tri thức thì không bao giờ là cũ.
Thay vì đi cà phê hoặc nhậu, giá tiền mỗi cuộc nhậu cũng phải năm bảy trăm đến tiền triệu, thì tôi lại dồn tiền vào mua sách cũ, với khát vọng chiếm lĩnh tri thức. Tôi nghĩ thế, nên rất nâng niu những cuốn sách mình có được. Bởi vì, để có được chúng, tôi phải đánh đổi những cuộc vui bên bạn bè và người thân.
Với lại, trong thời buổi kim tiền này, thật khó để tìm người đồng điệu, nên một kẻ ham mê tri thức như tôi, đành phải tìm đến những cửa hiệu sách cũ. Phải thừa nhận một thực tế, khá nhiều người ít coi trọng tri thức. Lượng sách xuất bản hàng năm đều tăng, nhưng lượng người đam mê sách (tri thức) thật ít ỏi. Nhiều khi, đến những cửa hiệu sách cũ đó, qua lại chỉ vài ba người thân thuộc.
Sự vươn lên giàu có của nhiều người, phần nhiều dựa vào những việc làm “phi tri thức” là chính, như đầu cơ ngắn hạn, vơ vét tài nguyên thiên nhiên... Những sự giàu có này, đa phần dựa vào mánh khóe, quan hệ khôn khéo.
Tất nhiên, đóng góp của họ cho sự phát triển chung của xã hội không lớn, mà chỉ giàu lên mang tính cá nhân. Thậm chí, nhiều người giàu lên, nhưng làm cho tổng tài sản của xã hội nghèo đi (ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt). Sự giàu có đó, không phải là sự giàu có cá nhân kéo theo sự kiến thiết xã hội.
Hiển nhiên, vẫn có nhiều người làm ăn chân chính và tạo dựng tài sản, nhưng lượng người giàu lên nhờ sáng tạo, phát minh, tri thức...không nhiều.
Nhìn ở chiều ngược lại, thì bản thân tri thức không làm ra tiền, mà nhu cầu cuộc sống trước mắt là cần tiền. Vậy nên, nhiều người không quan tâm đến tri thức cũng là lẽ hiển nhiên. Dù đó là loại tri thức gì. Ai lại suốt ngày chỉ đọc sách, mà không tạo ra giá trị gì thực tế cả?
Mặc dù biết hiện thực cuộc sống như vậy, nhưng tôi chỉ khao khát tri thức, và ước mơ một ngày nào đó, theo đà tiến triển của Việt Nam ngày càng sâu rộng vào thế giới, chúng ta sẽ coi trọng tri thức hơn.
Dù sao thì, được sống và đọc những cuốn sách cũ hay, được hấp thụ tri thức mà những cuốn sách cũ mang lại, có khi tiền không thay thế được, với tôi đã là đủ. Bởi như bao nhiêu người tử vong vì những lý do không đâu, do những bất cẩn từ người khác, thì tiền nhiều cũng không để làm gì.
Mặc dù giữa sách cũ, tri thức, và tiền bạc chẳng liên quan gì đến những rủi ro trong cuộc sống. Bởi rủi ro là điều ngoài ý muốn, không ai có thể lường trước được. Nhưng câu hỏi tôi đặt ra: Nếu mọi người đều có tri thức, có hiểu biết tốt, bớt chạy theo đồng tiền bất chấp hậu quả, thì những câu chuyện đau buồn đó có xảy ra hay không?...
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.