Nhiều quan điểm về sống thử
Ở Việt Nam, nếu như trước đây, vấn đề này gặp khá nhiều chỉ trích và định kiến thì hiện tại, góc nhìn về sống thử đã có phần rộng mở hơn. Với nhiều người trẻ, sống thử là cơ hội để tìm hiểu nhiều khía cạnh về nhau trước khi có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Không khó để bắt gặp cuộc sống thử của nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, cặp đôi Tiktoker. Họ thường xuyên đăng tải cuộc sống, công việc cùng nhau, chung một mái nhà nhưng chưa có sự chính danh, ràng buộc pháp lý.
Trong số đó, có cặp đã đón tin vui sau cuộc sống thử đó, họ đã đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới rồi đón chào thành viên mới ra đời. Nhưng cũng có trường hợp sống thử rồi đường ai nấy đi…
Theo Thanh Dung (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội), có thể lựa chọn sống thử khi hai người đều có tài chính vững chắc. “Theo mình, nếu đã có thu nhập ổn định, tự chủ cuộc sống thì có thể sống thử. Đây sẽ là khoảng thời gian tìm hiểu thực chất về cuộc sống hôn nhân, ở đó thói quen sinh hoạt, tính cách, quan điểm sống của nhau sẽ dễ bộc lộ. Bởi yêu và cưới là hai chuyện rất khác nhau nên nếu không thể hòa hợp, việc chấm dứt cũng sẽ dễ dàng hơn là quyết định ly hôn”.
Tuy nhiên, sống thử không phù hợp với tất cả mọi người và việc sống chung trước hôn nhân có thể dẫn đến hệ luỵ như: Bạo hành, lạm dụng tình dục hay có thai ngoài ý muốn…
Chia sẻ về quan điểm sống thử, Bích Liên (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết: “Xung quanh em có nhiều bạn sinh viên sống xa nhà, xa bố mẹ nên khi có bạn trai đã phát sinh cuộc sống thử. Các bạn giấu gia đình, bạn bè chuyện sống cùng người yêu vì sợ định kiến, nhưng kết cục vẫn tiếp tục chọn sống thử. Đối với quan điểm của em, sinh viên không nên sống thử bởi họ chưa thể tự chủ về kinh, khi gặp rắc rối, hậu quả trong chuyện sống thử sẽ khó có kiến thức, điều kiện tìm cách giải quyết hợp lý”.
Sống thử, nhưng trách nhiệm thật
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) vừa công bố báo cáo về xu hướng sinh con tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Báo cáo chỉ ra rằng: 40% trẻ sinh tại Mỹ là con của những cặp đôi chưa đăng ký kết hôn. Việt Nam thuộc top 20 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai trẻ vị thành niên cao nhất thế giới. Số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300 nghìn ca nạo hút thai, chủ yếu từ 15-19 tuổi. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ phá thai hơn 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80% trường hợp kể trên; 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên, học sinh.
Có thể nói, sống thử nhưng hậu quả và trách nhiệm đều là thật. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Thiều Quốc Bảo - Giám đốc Công ty luật TNHH ASKLAW cho biết, chung sống trước hôn nhân không phải điều pháp luật ngăn cấm nhưng cũng chưa có quy định cụ thể nào liên quan đến hình thức chung sống này. Nếu chia tay khi sống thử, để xảy ra có thai ngoài ý muốn và có tài sản chung, lúc đó chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối về mặt pháp lý.
“Cụ thể, trong trường hợp sống thử với nhau, hai người có con chung thì bố mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với con cái mà không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân có hay không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, khi đi đăng ký khai sinh cho con, nếu muốn đứng tên cả bố và mẹ thì bố phải làm thủ tục xét nghiệm ADN và thủ tục nhận cha con chứng minh là cha con đẻ. Hơn nữa, do sống thử chưa được pháp luật bảo hộ nên trên thực tế nếu không đăng ký kết hôn ngay từ ban đầu, việc yêu cầu cấp dưỡng hay đơn phương muốn đăng ký kết hôn sẽ gặp khó khăn nếu không có sự tự nguyện. Thậm chí nhiều trường hợp phải khởi kiện ra tòa để yêu cầu người bố có trách nhiệm” - luật sư Bảo nhấn mạnh.
TS tâm lý học Tô Nhi A, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh chia sẻ, sống thử là cuộc sống chưa có chính danh vì thiếu thủ tục pháp lý và các nghi thức văn hoá. Cũng chính vì vậy, rất dễ nảy sinh sự buông tay hờ hững của những người trong cuộc. Và đặc biệt, các bạn cũng dễ bị ám ảnh bởi sự lo âu rằng mình có bền chặt trong mối quan hệ này hay không?
Với cuộc sống thử, nếu những người trong cuộc đảm bảo đủ tuổi pháp luật cho phép; họ thực tâm chọn nhau làm bạn đời, muốn đi cùng nhau lâu bền trong tương lai; tự lập về kinh tế; có kiến thức để đảm bảo tình dục an toàn; có trách nhiệm trong việc cùng nhau xây dựng, thiện chí với nhau cuộc sống chung; và đặc biệt cả hai có kế hoạch rõ ràng, nghiêm túc để làm cho mối quan hệ trở nên chính danh. Ví dụ, họ sẽ đi đăng ký kết hôn, có thời điểm cụ thể trong việc tổ chức đám cưới... thì có thể cân nhắc tuỳ theo quan điểm, thực tế của mỗi người, mỗi gia đình.
“Thực tế xung quanh, có nhiều người quen đã có trải nghiệm về cuộc sống như vậy và vẫn có một cái kết hạnh phúc bởi đáp ứng đủ các điều kiện kể trên. Còn nếu sống thử theo lý do nhiều người hay đưa ra như: Thử xem có hợp nhau hay không để cưới, không hợp thì buông…, các bạn có thử cả đời cũng không được. Bởi trong cuộc sống không ai sinh ra là hợp nhau hoàn toàn. Nếu giữ tâm lý hợp thì đi tiếp, không hợp thì buông, lúc này các bạn đã không chọn cùng nhau cố gắng, thay đổi mà chọn rời xa nhau, mạnh ai nấy sống. Cứ thế, dùng cả cuộc đời của bạn sống như một “bản nháp” cũng sẽ không ổn” - TS Tô Nhi A chia sẻ.
Sẽ không có đáp án đúng hoặc sai nhưng chắc chắn mỗi sự việc đều có những rủi ro, thách thức. Thay vì đặt mục tiêu ban đầu là khi đổ vỡ, không như ý thì chia tay, buông bỏ dễ dàng hơn, chúng ta hãy tạo ra bước đệm, trau dồi kiến thức, trải nghiệm để có một cuộc sống hạnh phúc, trách nhiệm với chính mình và mọi người.