Nơi đây tôi đến lần đầu tiên vào năm 2011.
Là khi đang ở Cà Mau, nhà văn Hữu Nhân, người đang sống và sáng tác văn chương ở Đồng Tháp bảo: em cho anh một đêm để suy nghĩ, về Đồng Tháp mùa nước nổi cực hay, lại đang đỉnh lũ. Nghe xong thì quyết ngay tắp lự, không suy nghĩ: đi, ngán gì.
Điện lùi vé máy bay, khi ấy còn được thay đổi không tốn phí thì phải, điện về cơ quan xin phép cấp trên, báo với cấp dưới (hồi ấy chưa về hưu nên phải tuân thủ tổ chức), báo cáo và xin... vợ nữa. Thế là từ Cà Mau về Bến Tre dự thêm một cuộc họp theo kế hoạch, rồi từ Bến Tre theo xe nhà văn Trịnh Bửu Hoài ở An Giang (Anh Trịnh Bửu Hoài mới mất) đến thành phố Sa Đéc là thủ phủ cũ của Đồng Tháp thì xuống và đi... xe ôm, xe anh Trịnh Bửu Hoài đi tiếp về An Giang, để đến bến phà nơi Hữu Nhân đang đợi.
Hơn hai chục cây số chứ ít đâu, Hữu Nhân rất cẩn thận gọi dặn: anh trả 5 chục ngàn thôi nhé, thậm chí là ba chục. Xe dừng, Trịnh Bửu Hoài cẩn thận hơn, bảo nhà văn Phạm Nguyên Thạch xuống xe trả giá cho tôi vì tôi nói tiếng Bắc, lại va li ba lô lỉnh kỉnh, sợ bị chém, và nơi đây lại ở giữa đường. Anh xe ôm đòi 6 chục, anh Thạch trả 5 chục, tôi phải bước lại, ok sáu chục, đi nhé... và cuối cùng khi tới đích, trả tiền, tôi đưa hết số tiền lẻ trong ví là 8 chục. Cả hai chia tay nhau hể hả.
Và chuyến ấy về tôi viết được cái bút ký “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi”, in trên báo Văn Nghệ, sau được nhóm làm sách giáo khoa “Cánh diều” chọn trích một đoạn cho mục học về du ký.
Năm nay được về lại.
Tất nhiên là gặp người xưa Hữu Nhân, anh bạn nhà văn này vẫn thế, nhiệt tình, năng nổ, gì cũng biết, và là pho sử sống của Đồng Tháp Mười. Anh có thể ngay lập tức vanh vách kể cho chúng ta các câu hỏi ngơ ngơ về miền Tây, về các con sông và về Đồng Tháp Mười.
Và điều này mới kinh, tôi hỏi lần trước trong một ngày ông chở tôi bằng xe máy đi một góc mấy huyện thành phố của Đồng Tháp ấy, nhẩm xem được bao nhiêu kilomet. Nhân nhẩm một hồi rồi nói: 300km.
Một ngày chạy 300km qua mấy huyện, toàn đi trong rừng, bờ ruộng với những tràm, chim, sen, điên điển vân vân..., và lần này lại đi với nhau, sang cả Long An, tới đâu Nhân cũng kể vanh vách, chứng tỏ anh và cái xe máy đã nhiều lần qua lại.
Một người xưa rất thú vị nữa là Nguyễn Thị Kim Tuyến. Lần trước, năm 2011 ấy, Tuyến đang là bí thư tỉnh đoàn thì phải, là đại biểu hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc, tôi là thành viên ban tổ chức của Hội Nhà Văn. Lần đầu tiên có thành viên hội nghị văn trẻ có chức to thế nhưng hồi ấy ít người biết, và may là cũng đã như thế.
Tuy là thành viên Ban tổ chức nhưng phải khi về Đồng Tháp tôi cũng mới biết, là do Hữu Nhân kể, và mới tìm tác phẩm của cô để đọc, đọc xong rất ấn tượng với giọng văn rặt Nam Bộ như thế. Lúc ấy vẫn chưa biết mặt, nhưng có nghĩ, nếu đi với văn chương thì đây sẽ là một cây bút sáng giá của Nam Bộ.
Lần này về, Tuyến đã là Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch thường trực Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Đồng Tháp.
Lần đầu tôi gặp sau nhiều văn kỳ thanh.
Tranh thủ ngày nghỉ, Tuyến đưa tôi và nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân đội đi thăm mấy nơi, toàn những chỗ thú vị.
Ví như vào một vườn nhãn, chi chít nhãn, tới 1000 ha, nguyên một cái cồn toàn nhãn. Và nhận được lời khuyên, ăn thoải mái, nhưng nên ăn mỗi cây một trái thôi, để ăn được nhiều loại nhãn, cảm sự khác nhau của từng cây. Và nói thế chứ, ăn khoảng vài chục cây là... no.
Tôi đùa, ngoài Bắc ngày xưa, nhà có việc mà mời thợ, gần trưa chủ nhà mang ra rổ khoai, mời các bác xơi bữa lỡ, rồi trưa vào bữa chính, đỡ được khối cơm.
Trưa ấy chúng tôi được đãi một bữa đặc sản miệt vườn, những là xoài bằm cá sặc, ếch núp lùm, gỏi bông súng (là thấy nhà văn Nguyễn Bình Phương ngạc nhiên khi ông đang ngắm súng thì tôi bảo cái thân nó ăn được, chủ nhà bèn kêu món này và nó hết trước tiên) vân vân...
Vấn đề là cái vườn nhãn ấy nó rất thú vị ở chỗ, nó cứ thấp là đà để đứng dưới gốc vẫn có thể ăn được. Ngày xưa tôi nhớ vùng tôi sống ở Thanh Hóa, những cây vải, cây nhãn to cao cổ thụ. Giờ, lần trước lên Lục Ngạn, thấy vải thấp lúp xúp như... rau, giờ vào đây thấy nhãn cũng thế, rất tiện cho chăm sóc và thu hoạch.
Lại còn trầm trồ, rộng lớn thế làm sao bao được mà không thấy dơi. Hỏi chủ nhà, bà bảo có chứ, dơi rất nhiều, nhưng nó ăn hoài cũng... ngán nên chả để ý, vả nó có ăn cũng chả ảnh hưởng bao nhiêu bởi nhiều quá mà.
Đương lang thang Đồng Tháp thì anh Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt điện, bảo biết ông đang Đồng Tháp, ông nên tổ chức vào dự ké cái cuộc cà phê doanh nghiệp, rất thú vị đấy.
Ông Mỹ kể vừa dẫn một nhóm sinh viên du lịch đi thực tế, tới nơi thấy cuộc này vui quá, ông xin phép cả 2 bên, chủ nhà Đồng Tháp và trường, xin được dự, và được đồng ý. Ông nói có thể coi đấy là một loại hình du lịch mới, du lịch... cà phê doanh nghiệp.
Nghe nói mô hình này có từ hồi ông Lê Minh Hoan làm bí thư Đồng Tháp. Những cuộc cà phê này là lãnh đạo tỉnh mời các doanh nghiệp tới, thường là từ 6h30 tới 7h mỗi sáng, trước giờ làm việc hàng ngày, ai có việc gì thì đăng ký tới rồi trao đổi, rất nhanh và thuyết phục nhau.
Hữu Nhân kể, có mấy việc của Văn chương nghệ thuật, anh cũng đăng ký và tham gia cuộc cà phê này. Anh trình bày, các ngành liên quan tiếp nhận, xử lý ngay trước mặt lãnh đạo, xong rồi thì Ok, biến thành hiện thực ngay, thành văn bản ngay, ký ngay, thế là làm, cực nhanh.
Và bây giờ nó đang là việc thường ngày của... Đồng Tháp (mượn tên cuốn sách nổi tiếng của Liên Xô một thời vì những tiêu cực của chính quyền Xô Viết thời ấy nó giống... Việt Nam cũng thời ấy: “Chuyện thường ngày ở huyện”).
Lại còn việc tết thì tổ chức thiết kế trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh thành nơi công cộng cho bà con vào thăm, chơi, chụp ảnh. Tất nhiên là được trưng bày bố trí rất đẹp, các tiểu cảnh và đường hoa, điểm hoa (Đồng Tháp là xứ hoa mà).
Lãnh đạo tỉnh trực theo lịch, bà con vào ai thích chụp ảnh với lãnh đạo thì xin mời, ai thích vào thăm phòng làm việc thì được dẫn vào tận nơi, vào hội trường, phòng họp, cũng OK. Lãnh đạo niềm nở mà dân cũng vui vẻ.
Tức là cái trụ sở ủy ban tỉnh oai vệ nghiêm trang kín cổng cao tường ngày thường giờ thành một điểm cho bà con du xuân, mà không chỉ du xuân thông thường, còn được tiếp xúc với lãnh đạo, bằng xương bằng thịt, tay bắt mặt mừng, chụp ảnh selfie các kiểu, thả tim giơ tay mặt biểu tượng y như... ngoài đời, thay vì lâu nay chỉ thấy các vị trên... tivi.
Thì cái cuộc cô Kim Tuyến mời chúng tôi đi chơi cũng thế. Như một hướng dẫn viên thực thụ, con số vanh vách, và trong bữa cơm trưa, cô cũng làm một bài vọng cổ rất ngọt tặng nhà văn Nguyễn Bình Phương khi nghe anh nói về đây rất thích nghe ca cổ.
Thì cái ranh giới chính quyền với dân ấy, nó được rút ngắn rất nhiều từ những việc cụ thể như thế, cà phê buổi sáng ư, thăm trụ sở Ủy ban ư, chụp ảnh với lãnh đạo ư, từ đấy nó nảy sinh một sự hiểu và thông cảm và chia sẻ với nhau, rồi tạo niềm tin. Trời ơi lại nói chuyện niềm tin, biết bao bác mũ cao áo dài, hôm nay đang trên bục rao giảng, mai đã thành củi, thành... lò viên.
Nghĩ cho cùng, lãnh đạo nó cũng là một công việc được phân công cho mỗi công dân, như mọi người thôi. Mỗi người một việc, có điều lãnh đạo thì phải chịu trách nhiệm cao hơn, giỏi hơn, hy sinh nhiều hơn, vân vân, là về lý thuyết nó thế. Và muốn được thế thì đừng giấu mình, mà gần dân là cách để mình nhận ra mình nhất. Là tôi cứ vân vi nghĩ thế khi về Đồng Tháp.
Và còn nghĩ, có khi là may khi mà cái cô Nguyễn Thị Kim Tuyến kia không tiếp tục đi cùng văn chương, tức không thành tác giả chuyên nghiệp, chứ tôi biết cô vẫn đọc và viết. Nhưng giới văn chương cũng tự hào là có một cô nhà văn trẻ giờ làm lãnh đạo chủ chốt một tỉnh.
Đất này, người làm lãnh đạo nhưng vẫn đọc sách như... điên và viết cũng hay và viết nhiều không hiếm, mà ông Lê Minh Hoan, nguyên bí thư tỉnh ủy, giờ là bộ trưởng bộ NN và PTNT là ví dụ. Ông này đọc, mua sách và tặng sách, khuyến khích mọi người cùng đọc, và viết báo khá hay, rất có văn, lúc thì ký tên thật, lúc thì ký bút danh “Xích lô”.
Tiếc, tôi vẫn chưa hiểu nhiều về Đồng Tháp vì thời gian ít quá...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả