Từ vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc

Admin
Phải nói luôn một điều là, lái xe, nhất là lái xe ở nước ta, thì không nói trước được điều gì? Có những tai nạn ở ngoài ta, kiểu như "từ trên trời rơi xuống", và nó chọn... đầu ta để rơi.

Hôm kia, công an đã khởi tố điều tra vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng làm hai người chết tại chỗ (là hai tài xế) và hàng chục người bị thương, có một tài xế.

Câu chuyện rất đơn giản. Hai xe ô tô chạy cùng chiều, va chạm nhẹ sao đó, nhưng cả hai xe dừng lại ngay trên đường cao tốc, ở làn đường cho phép chạy tới 120km/h, tức làn đường tốc độ cao nhất, không bật đèn cảnh báo, không có vật cảnh báo, và xe thứ 3 tông vào khiến 2 ông tài đang cãi nhau tử vong, ông thứ 3 bị thương gãy chân.

Quan sát ban đầu, cả 3 ông xe đều sai. Đường cao tốc mà như đường... làng, thích dừng là dừng, mà lại dừng ở làn tốc độ cao nhất. Còn ông kia, có mấy khả năng, một là quan sát không tốt, hai là không giữ cự ly, không làm chủ được tốc độ...

Tai nạn là rất thảm khốc về cả người và tài sản.

Và rồi mới giật mình, đúng là văn hóa giao thông, và cả kỹ năng lái xe của một số lái xe của chúng ta đang có vấn đề.

Tất nhiên, phải nói luôn một điều là, lái xe, nhất là lái xe ở nước ta, thì không nói trước được điều gì? Có những tai nạn ở ngoài ta, kiểu như "từ trên trời rơi xuống", và nó chọn... đầu ta để rơi. Kiểu như đất lở vừa rồi ở Hà Giang thì nó là ngoài ý muốn chủ quan của ta, dù giờ khi vụ việc xảy ra rồi, ai cũng nói, nhẽ ra lúc ấy phải bỏ xe mà chạy đi chứ ai lại xúm vào đẩy xe để rồi chết chùm như thế.

Tôi cũng là người thích lái xe, như một cách thư giãn, là một thú vui, đi ngắm trời ngắm đất, lang thang nơi này nơi kia, xe như công cụ, như người bạn trên đường. Nhưng cũng dăm phen hú hồn, có những lý do rất trời ơi.

Và tôi cũng rất thích đọc bài trên những group ô tô lớn, trên ấy nhiều chuyện rất vui, nhiều kinh nghiệm rất hay, để ta xử lý trên đường.

Từ vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc- Ảnh 1.

Vụ tai nạn thảm khốc. (Ảnh: Internet)

Có hai vấn đề nổi lên từ chuyện lái xe.

Một là văn hóa lái xe.

Như hai cái anh dừng xe để... cãi nhau vừa rồi là một ví dụ. Và vụ này thì họ mới chỉ... cãi nhau. Nhiều vụ là xông vào nhau, nhẹ thì đòi quan hệ sinh lý với mẹ đối phương, nặng thì nắm đấm, và hàng nóng. Mới nhất về hàng nóng là anh thầy dạy lái xe cùng mấy học viên dừng xe đối phương lại, xách bình xịt, gậy sắt xuống, và xịt lốp xe đối phương.

Lại nói về thầy dạy lái. Ngày xưa dạy lái xe rất quy củ, học lý thuyết, thực hành đã đành, học cả đạo đức lái xe, học khá kỹ. Giờ, cứ nhìn anh thầy ấy thì biết. Và thầy thế thì trò như thế nào?

Cũng mới nhất, một anh tài bị dừng xe kiểm tra, không những không dừng, anh này còn... chở cảnh sát giao thông trên nắp capo đi "miễn phí" 7km rồi bỏ trốn. Và hôm qua thì mới ra trình diện. Nếu một người hiểu biết bình thường sẽ chả ai làm thế và dám làm thế với những người đang thi hành công vụ. Ở đây ta thấy với cảnh sát mà họ dám thế thì người thường, "đồng nghiệp" trên đường họ hành xử như nào?

Chưa kể giờ có "mốt" bị cảnh sát thổi là nhảy xuống tay lăm lăm điện thoại dí vào mặt cảnh sát. Đành rằng cũng có chuyện này chuyện kia của một vài cảnh sát giao thông, đành rằng người dân có quyền giám sát, nhưng giám sát kiểu ấy, thấy nó... căng thẳng quá, như kiểu khiêu khích nhau nhiều hơn là "giám sát".

Lại cũng mới nhất, 2 anh xe buýt dàn hàng ngang chặn một xe buýt khác để giành khách, cũng như thế là mấy anh tắc xi dù cũng chặn xe tắc xi chính thống như thế, cũng giành khách. Tất nhiên tới lúc được "gọi lên uống trà" thì đều mặt chảy dài như bơm và "ăn năn hối lỗi".

Và họ quên hay cố tình quên một điều là, giờ ấy, đa phần các xe đều có camera hành trình, và trên đường cũng có rất nhiều camera an ninh. Tất tật đều được ghi lại rõ mồn một.

Một thứ văn hóa rất kém nữa là bóp còi vô tội vạ. Nếu có cuộc thi bóp còi xe thì chắc chắn Việt Nam sẽ vô đối, không có đối thủ.

Ngay sang Lào thôi, xe bò như bọ hung trên đường, không có tiếng còi, qua ngã tư bao giờ cũng tự dừng chục giây rồi mới bò qua.

Chưa kể đang chạy đằng sau, xe trước hạ kính, một cái đầu thò ra, một bãi nhổ, nước bọt lằng nhằng bay trong gió, đập vào kính xe sau. Còn hạ kính vất rác là chuyện thường ngày. Mà rác trên xe thì đủ thứ thượng vàng hạ cám. Mà không chỉ xe tải, xe khách, cả xe cá nhân loại sang, tiền tỉ cũng thế.

Phải gặp lúc tắc đường, ùn ứ mới thấy "kỹ năng" của một số tài xế, họ khôn ngoan, họ luồn lách, họ lấn chứ không nhích theo hàng... và thế là chính họ lại gây tắc. Nhưng rồi cũng chính họ sẽ nhảy xuống sừng sộ với người đi đúng.

Hai là kỹ năng.

Thì lại cũng từ hai ông dừng xe ấy thì biết. Tốc độ cho phép như thế mà dám dừng để... cãi nhau thì đúng là, các ông ấy nghĩ cao tốc như đường làng là có thật.

Từ chuyện đơn giản nhất là bật xi nhan khi chuyển làn, rất nhiều người không làm. Nên tôi khi lái xe, đơn giản nhất là hình dung xe phía trước sẵn sàng chuyển làn, dẫu không biết sẽ bên trái hay phải nhưng cứ là giữ khoảng cách và chân phanh sẵn sàng khi thấy có đường rẽ. Có những người bật xi nhan đồng nghĩa với bật đèn khẩn cấp, cả hai bên cùng nhấp nháy nó mới vui. Tôi từng chứng kiến một cô giáo chuyên xi nhan kiểu ấy, góp ý mấy lần vẫn thế, bảo cháu thích thế. Thì đã làm gì nhau tốt, bởi như thế vẫn tốt hơn là cứ lừ lừ rẽ, chả tín hiệu gì. Còn kiểu bật bên này rẽ bên kia thì thượng thặng hơn nữa.

Mới nhất nữa, một nữ tài xế lái xe tốc độ bàn thờ gây tai nạn ở Vũng Tàu, hai mẹ con chết tại chỗ.

Có người hay giễu cợt, bán xăng cho phụ nữ là tội ác. Tôi thì không nghĩ cực đoan và phân biệt giới tính thế, bởi nhiều bạn gái tôi biết, họ lái xe rất giỏi, nhìn cái cách tay đặt hờ trên vô lăng và vê rất nhuyễn là nể rồi. Nhưng quả là, nhiều khi phụ kiện nữ lại chính là thủ phạm gây tai nạn, ít nhất là khó xử lý khi lái xe, ấy là món giày cao gót.

Thấy nhiều chị em đi giày gót cao hoặc nhọn hoắt bước từ ghế lái xuống tôi cũng... nể. Bởi bàn chân khi lái xe rất quan trọng. Nhiều người khuyên khi lái xe là phải hết sức thoải mái, nên các quý ông khi lái thường mặc sooc, ví và điện thoại rút ra để ngoài, chân đi giày bệt. Nhiều ông còn đi chân đất lái xe. Tôi thì thường xuyên đi giày thể thao, đủ mềm, ôm, nhẹ, gọn để tiếp xúc. Một lần suýt tai họa khi đi dép có quai, khi chuyển từ ga sang thắng quai dép vướng ở chân ga, may mà xử lý kịp.

Tóm lại là, lái xe trên đường có vô vàn tình huống sẽ xảy ra, nên phải luôn rèn kỹ năng lái và ứng xử với các tình huống trên đường hết sức văn hóa, thì ta sẽ biến được cái to thành nhỏ, nhỏ thành không có, và ta sẽ có một tâm thế hết sức thoải mái để lái xe, biến việc lái xe thành một cuộc du ngoạn lý thú, kể cả lái xe để ăn lương.

Và cũng tất nhiên, chả ai nói trước được điều gì. Lái xe hơn 10 năm, tôi một lần bị phạt nguội ở Đồng Hới, đoạn đường do Sơn Hải làm, vượt tốc độ 9km trong một tình huống vượt xe, bị phạt 700 ngàn. Hồi ấy chưa cho nộp phạt từ xa, người vi phạm phải tới tận nơi nộp, tôi phải nhờ một bạn nhà báo sở tại lên nói khó nộp giúp. Và 2 lần bị xe máy tông khi mình đang bò rất chậm sang đường. Lỗi ở xe máy nhưng mình vẫn xuống xe chia sẻ với họ, và sẵn sàng chia sẻ cả thiệt hại, có điều cả hai lần xe máy chỉ bị nhẹ, xe ô tô bị móp nhưng có bảo hiểm.

VTV có chương trình tình huống giao thông xem rất thú vị. Tôi thường theo dõi hàng sáng, và cả tham gia nhóm OFFB trên mạng, xem, đọc và học trên ấy được thêm rất nhiều kinh nghiệm khi lái xe, biến mỗi lần ôm vô lăng là một lần sảng khoái...