Nhân có việc ghé lại Tam Kỳ, tôi và nhà phê bình Phạm Phú Phong được nhà thơ Phan Chín, tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng đưa đi thăm làng bích họa Tam Thanh.
Anh Chín thật thà nói: Tam Kỳ ít chỗ thăm, nhưng chỗ này đáng thăm.
Quả là, thành phố Tam Kỳ to, rộng, dài, hiện đại nhưng... khá ít người, buổi sáng đi bộ trên mấy con đường thành phố cứ thênh thênh như ở bãi biển, đường dài, rộng và độ an toàn rất cao vì ít phương tiện lưu thông.
Ông Phạm Phú Phong thì khoe, cả nhà đã phóng ô tô từ Huế vào đây để xem tranh, xem làng.
Tôi thì đã đọc nhiều về nơi này và các hoạt động của nó, nhưng chưa đến nên hết sức hăm hở để đi.
Và biết là, từ 2016, một nhóm họa sĩ Hàn Quốc sang thực hiện từ một "quỹ giao lưu quốc tế".
Sau đấy tiếp tục có mấy đợt nữa, các họa sĩ cả Việt Nam và quốc tế, cả các thanh niên tình nguyện, học sinh, sinh viên, giáo viên... để có một làng bích họa Tam Thanh hôm nay.
Và thế là chúng tôi có một buổi chiều lang thang hết sức lý thú.
Nhớ có hồi, báo chí đưa tin một số người dân phản ứng một số bức tranh vì nó... khó hiểu quá. Bà con phàn nàn người gì mà tay chân dài ngoẵng, đầu lại thù lù, mắt to thao láo, rồi người gì mà không biết đàn ông hay đàn bò, con bò gì mà trông như cái... quan tài vân vân...
Quả là, những loại tranh vẽ ở đây rất khó chiều lòng hết tất cả mọi người. Trước hết phải là chủ thể, tức dân làng ở đây, lâu nay họ quen xem tranh đơn giản, loại phong cảnh, non sông đất nước, thật và đẹp, màu sắc rực rỡ, vui tươi. Giờ một số họa sĩ hiện đại đưa các trường phái vào, bà con phản ứng cũng đúng.
Và cũng quả là, cần phân biệt nghệ thuật đại chúng và nghệ thuật chọn lọc, nghệ thuật trong phòng triển lãm.
Nhưng nếu tất cả chỉ rực rỡ và thật, thì nó lại hơi đơn giản, nó chỉ thu hẹp trong một phạm vi nhất định...
Nó cần một sự điều hòa của người đóng vai trò tổng công trình sư, để nó hài hòa, nó đẹp, nó không bị nhàm, có điểm nhấn, phục vụ được nhiều đối tượng.
Có rất nhiều cách để làm du lịch, tôi nghĩ đây cũng là một cách làm du lịch rất hay, vấn đề là, làm sao để người dân ở đấy, chủ thể đầu tiên của những bức tranh này, được hưởng lợi.
Tranh ở đây giờ, có từ cảnh sinh hoạt của bà con như biển, như thuyền thúng, tới những con người cụ thể, có cả ông Park Hang Seo và các cầu thủ nhí của làng đá bóng, có cả rùa, xương rồng, ốc sên... cái ước lệ cái vẽ thật.
Hiện tại ở đây, ngoài các bức tranh trên tường nhà, trên ngõ, cổng, trên các vật liệu ngư nghiệp, nông nghiệp thì đã có các cụm tượng.
Nhớ Huế thời đầu phát động làm vườn tượng ở Sông Hương, cũng trải kha khá thời gian và chất xám để giờ có một vườn tượng khá phong phú, thành một phần của sông Hương.
Ở đây không gian rộng hơn, nhưng lại cũng cụ thể hơn. Những bức tượng, cụm tượng đã có khá hợp với không gian xung quanh.
Nhưng hầu như làng chưa có dịch vụ gì để người dân ở đây hưởng lợi từ chính những... bức tường nhà mình, khoảng sân nhà mình, mảnh đất nhà mình, dù trên mạng, search câu lệnh "làng bích họa Tam Thanh" thấy rất nhiều trang du lịch chỉ đường đi đến, cả mời gọi đăng ký tour.
Chiều làng chài Tam Thanh lộng gió, chúng tôi ngồi nhâm nhi li bia ở một cái quán rất nhỏ, ngắm sóng, ngắm thuyền, ngắm các các phẩm nghệ thuật, thấy cứ bâng khuâng điều gì đấy, không cắt nghĩa được. Cả cái quán ấy có 3 bàn có khách, những món ăn bình dân, rất rẻ.
Làng rất sạch và đẹp, đường bê tông và những bức tranh, cụm tượng.
Xin giới thiệu một số ảnh chụp làng bích họa Tam Thanh: