Đổi mới sáng tạo mở gắn với phát triển bền vững của doanh nghiệp

Admin
(PNTĐ) - Tiến trình toàn cầu hóa tiếp tục đặt Việt Nam trước cơ hội phát triển và cả những thách thức trước sự gia nhập từ các hệ sinh thái nước ngoài. Vì lẽ đó, đổi mới sáng tạo mở được cho là một xu thế tất yếu và một trong những ưu tiên hàng đầu mà doanh nghiệp cần thực hiện…

Tin liên quan

Sắp diễn ra Seminar học thuật về Vật liệu nano

Phát động Cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn”

Đổi mới sáng tạo “mở” - khởi nguồn cho những sáng tạo

Sớm “phá băng” mối quan hệ giữa các bên liên quan

Kinh nghiệm xây dựng mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Mỹ, Singapore, Hàn Quốc... đã cho thấy cần khuyến khích các tập đoàn ra đầu bài, ý tưởng và kết nối những nguồn lực quốc tế để thu hút các giải pháp từ doanh nghiệp khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lí và phát triển bền vững MSD cho biết: Đổi mới sáng tạo mở là xu hướng toàn cầu, vậy nên các startup cần phải bắt nhịp với các xu thế, bối cảnh mới.

“Đối với các starup Việt Nam, môi trường startup trước giờ đang nhấn mạnh nhiều đến các vấn đề đổi mới sáng tạo đóng. Theo đó, đổi mới sáng tạo đóng tức là chỉ tạo ra một cái sản phẩm dịch vụ và đưa sản phẩm dịch vụ đó vào thị trường, mà chưa có kết nối tri thức đối với các bên liên quan khác nhau để tận dụng được những nguồn lực và sự hỗ trợ của cả một hệ sinh thái”- bà Phương Linh phân tích.

Đổi mới sáng tạo mở gắn với phát triển bền vững của doanh nghiệp - ảnh 1
Bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ về đổi mới sáng tạo mở trong việc thúc đẩy khởi nghiệp kiến tạo tác động xã hội

Đồng thời, các startup Việt Nam khá chú trọng đến vấn đề phát triển nóng, có nghĩa làm sao để có thể xâm nhập thị trường thật nhanh, đi tắt đón đầu, bắt đầu tạo ra lợi nhuận. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng trong thời gian gần đây nếu một startup phát triển nóng và đình đám một thời, thì giờ đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư, hoặc nhiều startup phá sản khi không có sự hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết, đặc biệt là trong và sau bối cảnh Covid-19. Bởi vậy, đổi mới sáng tạo mở có thể là một trong những giải pháp, xu hướng, phương pháp để hỗ trợ cho các startup, mở cánh cửa cho tổ chức, doanh nghiệp để đạt đươc sự thành công nhiều hơn.

Đổi mới sáng tạo mở nhấn mạnh vào sự gắn kết, liên kết của các bên liên quan. Và có thể là đồng thiết kế để tạo ra sản phẩm. Một sản phẩm hữu ích cho startup, cho những bên cần giải pháp của startup và cho cả cộng đồng. Theo bà Phương Linh: “Đây là một giải pháp để startup có thể dễ dàng hơn trong việc tạo nên những sản phẩm chất lượng, sẵn sàng nhận phản hồi của các bên liên quan, thực hiện các thử thách của các nhà đầu tư, những người làm chủ các thách thức, có thể thu hút nguồn đầu tư tốt hơn”.

Ngoài ra, sự việc có thể phát triển nóng hay tập trung vào lợi nhuận thì thường không mang lại sự phát triển lâu dài, mà chính những cái đo lường, tác động đa chiều của những sản phẩm dịch vụ mà startup mang về thị trường sẽ là xu hướng thu hút nhà đầu tư quan tâm đến việc không chỉ gia tăng lợi nhuận ngắn hạn, mà là lợi nhuận lâu dài cho nhà đầu tư và tạo ra những tác động về quản trị môi trường, kinh tế xã hội và thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững.

Thách thức nhiều nhất của đối mới sáng tạo mở hiện liên quan đến vấn đề nâng cao nhận thức hay năng lực, phá bỏ rào cản của cánh cửa đóng giữa các startup, các nhà đầu tư, các bên liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, các khách hàng và cộng đồng…), đây là những đối tượng có thể quan tâm tới những giải pháp của các doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ rằng đây là quá trình phá băng mối quan hệ giữa các bên liên quan để thực sự chuyển đổi tư duy, chuyển đổi hệ thống từ đổi mới sáng tạo đóng khung ở trong một số vấn đề cụ thể, liên quan đến việc mở rộng kết nối mối quan hệ với các bên liên quan. Để những sản phẩm đó có cách tiếp nhận đa chiều và thực sự hữu ích và hiệu quả hơn”- bà Phương Linh nhấn mạnh.

Đổi mới sáng tạo mở gắn với phát triển bền vững của doanh nghiệp - ảnh 2

Đổi mới, sáng tạo nhưng cần đảm bảo tính bền vững

Trong quá trình đổi mới sáng tạo mở, các chuyên gia cũng nhắc tới yếu tố bền vững ESG (viết tắt của environmental (môi trường), social (xã hội), và governance (quản trị). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cách doanh nghiệp được quản lý, mà còn đến cách họ tương tác với xã hội và môi trường. Dựa trên các nguyên tắc ESG, ngoài yếu tố về lợi nhuận, các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng mô hình hoạt động được triển khai một cách bền vững, đối xử công bằng với nhân viên và cộng đồng, đồng thời bảo vệ môi trường. ESG không chỉ là về đạo đức kinh doanh mà còn liên quan đến khả năng sinh tồn và tăng trưởng dài hạn.

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự nhận thức gia tăng về ESG và khả năng để thúc đẩy sự thay đổi tích cực và bền vững trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bà Nguyễn Phương Linh cũng nhấn mạnh thêm: “ESG hiện nay đã thành xu hướng và là giải pháp dài hạn để tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”.

Viện trưởng MSD lưu ý rằng ESG có ít nhất 2 yếu tố Xã hội và Môi trường là những khái niệm rộng, nằm ngoài sự kiểm soát và nỗ lực của doanh nghiệp, chính vì thế việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan đa dạng để cùng doanh nghiệp giải quyết vấn đề và thúc đẩy ESG là vô cùng cần thiết, trong đó ngoài các mối quan hệ truyền thống.

Bà Linh cũng gợi ý doanh nghiệp nên hợp tác với các đối tác NGOs, Viện trường và các nhóm cộng đồng để ESG được thực hiện thực chất, hiệu quả. Cách tiếp cận đổi mới sáng tạo mở sẽ là giải pháp, cách tiếp cận mở cánh cửa cho doanh nghiệp không chỉ đóng cửa giải quyết các vấn đề của mình mà còn tận dụng được sự đổi mới sáng tạo, các sáng kiến và nguồn lực vô hạn từ các bên liên quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp, startups, viện trường, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, bên cạnh sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước...

“Đừng nghĩ ESG chỉ là một từ đẹp đẽ, một khẩu hiệu hay là 1 nỗ lực để doanh nghiệp làm đẹp báo cáo gửi tới các nhà đầu tư và khách hàng, nếu thực hiện nghiêm túc, ESG chính là 1 giải pháp để gắn kết trong chiến lược kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Cũng đừng đợi trở thành DN lớn mới đầu tư vào ESG mà hãy đầu tư vào ESG để lớn” - bà Linh cho hay.