Du lịch vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh): Cánh cửa đang mở rộng

Hoàng Huyền
Nằm bên cạnh di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) rộng lớn cũng rất giàu tiềm năng cần được đánh thức cho phát triển du lịch. Vừa qua, Bến cảng quốc tế cao cấp Ao Tiên đi vào hoạt động đã mở ra một cửa ngõ hiện đại trên vùng vịnh này, góp phần đưa Vân Đồn trở thành địa phương sở hữu hạ tầng giao thông đa dạng và đồng bộ, hiện đại nhất tỉnh với sân bay, đường cao tốc và cảng tàu khách hiện đại, hứa hẹn sức hút mới trên vùng thương cảng cổ năm xưa.

Giàu có về di sản thiên nhiên, văn hoá

Vịnh Bái Tử Long được thiên nhiên ban tặng cho hàng trăm đảo đá, đảo đất lớn, nhỏ với nhiều sinh cảnh tự nhiên độc đáo. Đặc biệt, nơi đây còn có Vườn quốc gia Bái Tử Long sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao và cảnh quan vô cùng đặc sắc. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, các loài động, thực vật có mặt tại khu vực vịnh Hạ Long hầu hết cũng xuất hiện ở vùng vịnh Bái Tử Long. Có hơn 20 hang động, tùng áng ở vịnh Bái Tử Long, trong đó hang Nhà Trò, hang luồn Cái Đé, áng Cái Đé, hang Phất Cờ là những hang động, áng đang được đề xuất đưa vào các tuyến điểm phục vụ du khách trong thời gian tới.

quang-ninh-du-lich-vinh-bai-tu-long-tiem-nang-can-duoc-danh-thuc1-dulichgiaitri-du-lich-1679301563.jpg
Vườn quốc gia Bái Tử Long sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao và cảnh quan vô cùng đặc sắc. Ảnh: realtimes.vn

Khu vực vịnh Bái Tử Long cũng nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp nguyên sơ như bãi Minh Châu, Quan Lạn, bãi biển Vân Đồn... Đặc biệt, bãi biển Minh Châu sở hữu bãi cát trắng mịn tự nhiên dài khoảng 2km, được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Vịnh Bắc Bộ. Phía trên bãi biển là khu rừng trâm nguyên sinh trải dài trên diện tích 14ha rất phù hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, vịnh Bái Tử Long còn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử, là những yếu tố quan trọng để phát triển các loại hình du lịch. Đây được coi là “cái nôi” của người Việt cổ với ba nền văn hoá tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000-3.500 năm, đó là: Văn hoá Soi Nhụ, Văn hoá Cái Bèo và Văn hoá Hạ Long. Hiện nay, khu vực vịnh Bái Tử Long còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử - văn hoá quan trọng, đã được xếp hạng các cấp. Trong đó, Cụm di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật đình - chùa - miếu Quan Lạn là nơi tưởng nhớ những chiến công oai hùng của cha ông trong chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288. Di tích Thương cảng cổ Vân Đồn nổi tiếng, sầm uất từ thời Lý, hiện đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Cùng với đó là di tích Khu lưu niệm Hồ Chủ tịch tại xã đảo Ngọc Vừng, cụm di tích chùa, tháp tại xã Thắng Lợi, chùa Cái Bầu, nghè Trần Khánh Dư. Ven bờ vịnh còn có di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên, đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội đền Cửa Ông cũng được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Cơ hội phát triển mới 

Với tiềm năng đó, du lịch khu vực ven bờ vịnh Bái Tử Long đã có sự phát triển nhất định thời gian qua. Các di sản văn hoá kể trên hàng năm đều đón lượng khách nhất định tới tham quan, chiêm bái. Đặc biệt có sức hút lớn với du khách là quần thể di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên, chùa Cái Bầu đã được đầu tư khang trang, với khuôn viên rộng lớn, tạo thành những cảnh điểm đẹp từ gần chục năm trở lại đây.

Du lịch biển đảo nghỉ dưỡng của Vân Đồn cũng tương đối hút khách, những năm trước dịch, trung bình mỗi năm Vân Đồn đón khoảng 1 triệu lượt khách. Trong đó, Khu du lịch cấp tỉnh Quan Lạn - Minh Châu có lượng khách liên tục tăng theo các năm. Hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư hơn, người dân địa phương đã bước đầu hưởng lợi từ các hoạt động du lịch trên đảo.

Dù vậy, du lịch khu vực vịnh Bái Tử Long được đánh giá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tuyến du lịch Cái Rồng - Minh Châu có hành trình từ cảng Cái Rồng qua các điểm tham quan vụng Lỗ Ô, vườn quốc gia Ba Mùn (nay là Vườn quốc gia Bái Tử Long), bãi tắm Minh Châu (theo Quyết định số 1631/QĐ-UBND ngày 28/6/2016 của UBND tỉnh) không được mấy du khách biết tới. Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái từ năm 2019, nhưng theo lãnh đạo đơn vị, do những nguyên nhân khách quan nên chưa có cơ sở thu hút đầu tư, triển khai. Vì vậy, thời gian qua đơn vị chỉ thực hiện nhiệm vụ về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học là chính. Một số hoạt động du lịch phát triển hiện nay mang tính tự phát, do các hộ dân thực hiện...

quang-ninh-du-lich-vinh-bai-tu-long-tiem-nang-can-duoc-danh-thuc2-dulichgiaitri-du-lich-1679301601.jpg
Bình minh trên vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)

Có thể nói, trong chiến lược phát triển của tỉnh, Khu kinh tế Vân Đồn nói chung, ngành du lịch Vân Đồn nói riêng giữ vị trí quan trọng. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng xác định xây dựng Vân Đồn trở thành một trong 4 trọng điểm du lịch của tỉnh, với sản phẩm chủ yếu là: Du lịch biển đảo cao cấp có casino; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, ẩm thực, tắm biển, vui chơi giải trí trên vịnh Bái Tử Long; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh chùa Cái Bầu, đình Quan Lạn; du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, trên các đảo đất của huyện Vân Đồn, vịnh Bái Tử Long; du lịch MICE; du lịch mạo hiểm, nghiên cứu trên vịnh Bái Tử Long.

Như vậy, cơ sở nền tảng để xây dựng Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao đã có, trong đó du lịch vịnh Bái Tử Long được đề cao. Điều quan trọng hiện nay, thiết nghĩ chính là vai trò dẫn dắt và sự năng động của địa phương, doanh nghiệp du lịch như thế nào. Vừa qua, Bến cảng cao cấp Ao Tiên đã chính thức vận hành, từ đây Vân Đồn đã hội tụ đầy đủ 3 cửa ngõ giao thương quốc tế với đường hàng không, đường bộ và đường biển. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đi các tuyến đảo, tàu du lịch rất phấn khởi trước sự kiện này, đổ về tìm hiểu phục vụ cho hướng kinh doanh mới. Hiện nay, mong mỏi của địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch chính là việc tỉnh sớm công nhận các tuyến du lịch trên vịnh Bái Tử Long mà địa phương, các sở, ngành đề xuất; phê duyệt các điểm nghỉ đêm trên vịnh. Đi cùng với đó là các điều kiện về tuyến đường thuỷ nội địa, cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện quản lý theo quy định...

Ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty Du lịch Mai Quyền, đại diện chủ đầu tư Bến cảng cao cấp Ao Tiên, phấn khởi bày tỏ: Khát khao của tôi là vươn ra biển, tức là cùng các nghiệp đoàn tàu du lịch khớp nối lại làm sao cho tốt hơn, đẳng cấp hơn, để thu hút khách, nhất là khách vùng Tây Bắc vốn không có biển và dòng khách Trung Quốc khi mở cửa. Ngay sau vận hành, một số doanh nghiệp làm du lịch đã đến tìm hiểu thực tế về cảng, và rất hài lòng. Họ hứa là khi tour tuyến xong thì họ sẽ kết nối luôn để đưa khách tới. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn rồi. Vấn đề bây giờ là hạ tầng dưới biển, tức là luồng tuyến, khi luồng tuyến được công bố thì lập tức là chúng tôi sẽ ra khơi luôn...

quang-ninh-du-lich-vinh-bai-tu-long-tiem-nang-can-duoc-danh-thuc3-dulichgiaitri-du-lich-1679301636.jpg
Cảng cao cấp Ao Tiên trong ngày đầu đưa vào khai thác. Ảnh: Đỗ Phương

Có sự tìm hiểu từ sớm và khi cảng đi vào vận hành thì chuyển sang xây dựng chiến lược kinh doanh tại vịnh Bái Tử Long, ông Phan Văn Tùng, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Havaco, Phó Giám đốc Công ty Du thuyền Bhaya, chia sẻ: Trước mắt, chúng tôi đã đưa toàn bộ 4 tàu cao tốc 5 sao Tuần Châu Express tới cảng Ao Tiên, để phục vụ du lịch cũng như vận chuyển khách đi Cô Tô và các tuyến đảo của Vân Đồn. Cùng với việc đăng ký hợp đồng các tàu tại Ao Tiên, đơn vị cũng đưa vào chương trình quảng bá tới các hãng lữ hành trong nước và quốc tế. Chúng tôi cùng với các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, cũng đã có nhiều chuyến khảo sát các tuyến, điểm tham quan trên vịnh Bái Tử Long. Sau khi mở tuyến, đây chắc chắn là tiềm năng du lịch mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua...

Phan Hằng