Loài cua biết leo cây, bắt chuột, nhìn kì dị nhưng lại là đặc sản

Admin
Loài cua này trông khá kì dị, vừa giống cua, vừa giống tôm hùm nhưng lại không sống dưới nước, trái lại còn leo thân cây dừa thoăn thoắt.

"Loài cua biết leo cây, bắt chuột, nhìn kì dị nhưng lại là đặc sản"

Đó chính là cua dừa - loài cua sống trên cạn, cũng là động vật chân đốt sống trên cạn lớn nhất thế giới.

Cua dừa được phát hiện trên các hòn đảo của Ấn Độ Dương và một phần ở Thái Bình Dương phía đông quần đảo Gambier.

loai-cua-biet-leo-cay-bat-chuot-nhin-ki-di-nhung-la-dac-san-3-dulichgiaitri-bao-du-lich-1679888546.jpg

Chúng có nhiều kích thước khác nhau, những con trưởng thành thì rất lớn. Một con cua dừa trưởng thành có thể nặng đến 4,1kg, dài 1m. Tùy vào môi trường sống mà màu sắc của cua dừa trên các đảo có sự khác nhau, từ màu đỏ da cam đến tím xanh. Trong đó, màu xanh da trời thường là màu chủ đạo.

loai-cua-biet-leo-cay-bat-chuot-nhin-ki-di-nhung-la-dac-san-2-dulichgiaitri-bao-du-lich-1679888508.jpg

Thức ăn của cua dừa là các loại hoa quả, đặc biệt là dừa và sung. Ngoài ra, chúng còn bắt chuột hoặc chim. Những con vật chậm chạp như rùa biển cũng trở thành miếng mồi ngon của cua dừa.

Cua dừa thường tập trung đông đúc ở những vùng có nhiều cây dừa. Hàng ngày, chúng trèo lên những cây dừa cao chót vót để hái quả ăn. Chúng thường thả những quả dừa từ trên cao xuống để dừa vỡ ra rồi mò xuống ăn. Nếu quả dừa không vỡ, chúng sẽ tự bổ dừa để ăn. Đôi càng khổng lồ, cứng như thép của loài cua này dễ dàng bóc lớp vỏ dai và bổ dừa để uống nước, móc cùi dừa thưởng thức.

Bên cạnh cặp càng to khỏe, mỗi cặp chân còn lại của cua dừa được trang bị các móng sắc nhọn, tạo thế gọng kìm giúp chúng dễ dàng leo trèo trên cây và di chuyển khi sống ở trên cạn hơn. Ngoài leo trèo và di chuyển, một số cặp chân của cua dừa còn có vai trò khác nhau, ví dụ như ở cua dừa cái, chúng sử dụng cặp chân cuối cùng có kích thước nhỏ như một bàn tay để chăm sóc trứng.

loai-cua-biet-leo-cay-bat-chuot-nhin-ki-di-nhung-la-dac-san-1-dulichgiaitri-bao-du-lich-1679888461.jpg

Cua dừa trưởng thành đã từ bỏ đại dương và chọn cuộc sống thích nghi hoàn toàn trên cạn. Chúng không thể bơi, và sẽ bị chết đuối nếu chìm dưới nước trong thời gian dài. Điều này là do phần mang của cua dừa trưởng thành bắt đầu thoái hóa dần, thay vào đó các cơ quan được gọi là "phổi branchiostegal" rất phát triển giúp chúng có thể hít thở trên cạn.

Cua dừa thường sống một mình trong các hang dưới đất hay các khe nứt trong đá, tùy thuộc vào địa hình nơi chúng sống. Chúng tự đào hang dưới cát hay đất xốp. Ban ngày, chúng ẩn mình để tránh mất nước vì nhiệt. Hang của cua dừa có những sợi mảnh nhưng rất chắc chắn từ vỏ dừa mà chúng lót bên dưới. Khi nghỉ ngơi trong hang, cua dừa sẽ đóng lối ra vào bằng một trong các cái càng của nó.

Ở Việt Nam, cua dừa chỉ được bán dưới hình thức nhập khẩu và không phải lúc nào cũng mua được.

Loại cua dừa mà các nhà hàng ở Việt Nam nhập về mỗi con thường có trọng lượng từ 1,5-2kg, chiều dài sải chân khoảng 40-50 cm. Với giá bán từ 6-7 triệu đồng/kg, tính ra mỗi con cua trung bình hơn chục triệu đồng nhưng vẫn có nhiều khách đặt trước để thưởng thức loài cua "độc, lạ" này.

Cua dừa có chất lượng thịt rất thơm ngon, có thể chế biến nhiều món như cua đút lò phô mai, cua sốt tiêu kiểu Singapore, cua cháy tỏi, cháo cua… Thời điểm thích hợp nhất để thưởng thức cua dừa là từ tháng 5 - tháng 9, vì đây là mùa sinh sản, lượng cua tập trung nhiều.

Minh Hoa (t/h)