Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo được đặt tên cho đường phố Hà Nội

Hoàng Huyền
UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 287/QĐ-UBND về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó có việc đặt tên nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo cho một phố thuộc quận Cầu Giấy.

"Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo được đặt tên cho đường phố Hà Nội"

nhac-si-nguyen-vinh-bao-duoc-dat-ten-cho-duong-pho-ha-noi-dulichgiaitri-tin-tuc-1679041103.jpg
Vĩnh Bảo (người sát bên phải Bác Hồ) và Đoàn thiếu nhi nghệ thuật ở ATK - Việt Bắc năm 1950 (ảnh: Hanoimoi)

Hà Nội có nhiều đường phố mang tên các nhạc sĩ như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Huy Du, Trịnh Công Sơn. Không có nhạc sĩ nào “ít tuổi” như Nguyễn Vĩnh Bảo.

Tuyến phố Nguyễn Vĩnh Bảo cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Bá Khoản, đối diện ngõ 99 Nguyễn Khang (cạnh số 15 lô 4E) đến ngã ba giao cắt tại TDP26 - phường Trung Hòa. Dài: 570m; rộng 11,5m (lòng đường: 7,5m, vỉa hè mỗi bên 2m) Đường thảm nhựa asphan, có vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng.

Đường thuộc địa bàn phường Trung Hòa, đi qua công viên Trung Yên số 2; Trường liên cấp Archimedes. Dân cư sinh sống ổn định 47 hộ với 190 nhân khẩu, có nhiều ý kiến cử tri đề xuất.

Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 31-5-1936 tại quê nhãn Hưng Yên. Tháng 2-1947, mới 11 tuổi Vĩnh Bảo đã cùng hai anh Vĩnh Long - Vĩnh Cát tham gia Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước - tên do Bác Hồ đặt. Cả đoàn vừa học âm nhạc, hát, múa vừa học văn hóa, vừa tự chăn gà lợn, trồng sắn, rau muống. Tự cung tự cấp chứ không được cấp phát gì. Sống hoàn toàn như một đơn vị bộ đội thời chiến. Các nhạc sĩ sáng tác, biên đạo múa tự biên soạn để các em tự diễn cho các đơn vị bộ đội, cán bộ nhân dân trong An toàn khu (thuộc các tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà - Tuyên) xem. Có một bức ảnh lịch sử chụp Vĩnh Bảo đứng cạnh Bác Hồ sau khi biểu diễn chào mừng nhân dịp Bác 60 tuổi.

Năm 1961, ông được tuyển chọn sang học tại Nhạc viện Kiev-Ukraina; cuối năm 1964, ông về nước, công tác tại Vụ Âm nhạc và múa - Bộ Văn hóa. Cuối năm 1965, ông xung phong vào chiến trường miền Nam (đi B) với biệt danh Bảo Vinh, vượt Trường Sơn vào căn cứ Tây Ninh, làm nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện cho Đoàn Văn công Giải phóng.

Sau đó, ông Nguyễn Vĩnh Bảo xin vào công tác tại đất thép Củ Chi. Ông hy sinh ngày 4.6.1967, sau khi hoàn thành chuyến công tác dài ngày, đang trên đường trở về căn cứ để nhận nhiệm vụ mới: Phụ trách Đoàn ca múa Giải phóng.

31 tuổi đời, ông đã có 16 năm tuổi Đoàn, 7 năm tuổi Đảng, hơn 20 năm phục vụ cách mạng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3.

Ông là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt nam từ năm 1960. Năm 2014, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Kim Thoa