Quy hoạch nhà máy xi măng tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) không còn hiệu lực

Admin
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 4, QH khoá XV.

Quy hoạch nhà máy xi măng tại huyện Mỹ Đức không còn hiệu lực

"Đề nghị Bộ Xây dựng rà soát, thực hiện các thủ tục đưa Nhà máy xi măng An Phú trên địa bàn huyện Mỹ Đức ra khỏi danh sách đầu tư xây dựng nhà máy xi măng để chuyển đổi mục đích đầu tư dự án hoặc triển khai các dự án khác theo quy hoạch, tránh lãng phí đất", nội dung kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết, trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, việc đầu tư các dự án xi măng thực hiện theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 (viết tắt là Quy hoạch 1488).

Trong Phụ lục I (Danh mục các dự án xi măng dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2030) kèm theo Quy hoạch 1488, trên địa bàn huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội chỉ ghi nhận dự án xi măng Mỹ Đức công suất thiết kế 1,6 triệu tấn xi măng/năm, địa điểm đầu tư tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Thực hiện Luật Quy hoạch, ngày 26/8/2019 tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, trong Phụ lục kèm theo đã bãi bỏ Quy hoạch 1488.

Quy hoạch 1488 không còn hiệu lực, khi đó việc đầu tư các dự án xi măng thực hiện theo Luật Đầu tư, các quy định pháp luật có liên quan và nhu cầu thị trường.

Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chinh phủ ký Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó đối với lĩnh vực xi măng đã xác định rõ mục tiêu là: Đảm bảo cân đối cung cầu xi măng, đầu tư nhà máy xi măng gắn liền với vùng nguyên liệu; sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường; đầu tư đồng bộ từ khâu chế biến nguyên liệu đến đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện; đẩy mạnh đầu tư công nghệ sản xuất xi măng gắn với việc xử lý và sử dụng chất thải công nghiệp và rác thải làm nhiên liệu; khắc phục tình trạng ảnh hưởng đến môi trường; đồng thời áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng và đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường.

Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát các dự án đầu tư nhà máy xi măng; tăng cường kiểm tra công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng tại địa phương.

Tuệ Minh