Những chuyện trên đường chỉ còn trong ký ức

Admin
Hôm trước viết bài về hai con đèo đang được/ bị cải tạo cho mất chất đèo, chỉ còn dốc, tôi nhắc đến cục căn.

Giờ chắc chả ai nhớ nó là cái gì?

Thời ấy toàn xe cũ, bò trên đường. Những cái xe khách như cái chuồng gà di động nhốt khách như nhốt gà, ngồi như bào thai, thậm chí đứng một chân hàng trăm cây số là thường. Thứ hay hỏng nhất là két nước, rồi tới mất thắng (phanh). Cục căn ra đời để giải quyết chuyện ấy.

Những khúc gỗ lớn được đẽo thành 3 cạnh, có tay cầm được bày bán khắp nơi trên đường. Nó chính là cái căn, và xe nào cũng cần, nhất là xe khách. Y như cái maniven của mấy cái xe cổ lổ kiểu Zin 3 cầu hoặc Hải Âu một thời, muốn xe nổ máy thì phải cho nó vào đầu xe, ngoắc vào đâu đó rồi... quay. Có khi phải quay ba bốn lần máy mới nổ. Có anh bị maniven quật lại gãy tay.

Thì mỗi khi xe xuống dốc là chú lơ xe chạy bộ theo xe, tay cầm cục căn. Không cần xe mất thắng, mà có sự cố gì là chèn cục căn vào, xe đứng khựng lại. À mà không chỉ xuống dốc, lên dốc cần hơn. Xe lên dốc rất hay mất đà rồi... thụt lùi, món thụt lùi này nguy hiểm hơn xuống dốc. Cái cục căn xử lý rất êm đoạn thụt lùi này. Khựng lại. Rồi rú ga, khói đen kịt, rồi bò lên tiếp.

Giờ xe tốt và hiện đại, xe khách còn được được mệnh danh là hàng không mặt đất hoặc cung điện di động, đường lại tốt, lên xe nằm êm như ru bởi hệ thống cân bằng cực xịn, hệ thống phanh cực nhạy, mà lỡ có việc gì thì trên đường có rất nhiều hỗ trợ, như hộ lan xoay, đường tránh nạn... ở những chỗ có nguy cơ tai nạn.

Cũng ngày xưa, hàng ghế 3 chỗ thì bao giờ cũng được nhét 5 người. Ghế gỗ, xịn thì bọc lớp da mỏng, đa phần đã rách. Lên xe là xếp như xếp củi, xe bò cà rịch cà tang tốc độ ba bốn chục cây số giờ, tôi đi từ Huế lên Pleiku có lần hết hai ngày, còn Pleiku Sài Gòn thì ba ngày. Rất thương chị em phụ nữ trong những chuyến xe như thế...

Chưa hết, còn có ai đó sáng chế ra kiểu xe chạy than. Cấm vận, xăng không có, thế là chế ra cái lò than đặt sau xe. Chạy vài chục cây lại dừng để lơ xe... tiếp than, gồm các công đoạn: dùng que sắt chọc cho than cháy rực lên, tro rơi hết xuống đường, đổ than (chất đầy trên mui xe) vào lò, quạt cho cháy rực lên... rồi chạy tiếp. Xuống xe người đen hơn... than, và nếu mùa đông còn đỡ, mùa hè, bạn hình dung tiếp nhé.

Cũng trên đường, còn các quán... cơm tù.

Giờ thi thoảng qua những đoạn đường hẻo lánh, thấy những ngôi nhà bỏ hoang, đấy là tàn tích của “cơm tù” một thuở.

Nôm na là thế này. Trên đường thiên lý Bắc Nam, mỗi tỉnh có vài quán cơm như thế. Nó là quán, rất rộng, có thể chứa mỗi lúc vài trăm người, tương đương với lúc cao điểm khoảng chục xe khách chui vào. Quán mà có cổng ngõ rào dậu y như... trại tù, xe chui vào là đóng lại. Và đã vào là không ra, bao giờ xe ra mới được ra. Phục vụ quán ngoài nhân viên thông thường, đa phần nữ, thì còn mươi gã bặm trợn, đầu trọc, mắt thô lố và xăm trổ đầy mình.

Đã vào đấy thì bắt buộc phải ăn. Bà con đi xe Bắc Nam thời ấy đa phần nghèo, nhất là bà con kinh tế mới về thăm quê, từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại ngồi xe chen chúc phải cỡ ba ngày, đỡ được đồng nào hay đồng ấy. Như tôi, cán bộ đi công tác mà nhiều khi buổi trưa cũng chỉ ổ bánh mì, tối làm đĩa cơm, huống gì bà con. Nhưng đã vào đấy thế nào cũng phải rửa ráy, đi vệ sinh. Thế thì phải ăn, không ăn là... bị đánh. Trốn ra ngoài mua bánh mì ăn cho rẻ là bị đánh. Ít nhất là mấy ông xăm trổ dọa cho tới phải kêu cơm ăn. Mà ăn như thế nào? Đĩa cơm người ta 10 đồng thì ở đấy 30 đồng, chất lượng thì bằng 1/3 thị trường, một lát thịt mỏng như giấy pơ luya, vài cọng rau, một bát con nước canh. Chưa kể còn bị tính vống lên, không kêu thêm cơm thịt bị vu cho là kêu, bắt trả tiền. Tóm lại cứ có xe vào là quây lại, và la hét, đánh nhau. Đánh người này để dằn mặt người kia...

Hình như báo TT là tờ báo đầu tiên lên tiếng việc này, rồi các báo đồng lòng. Lúc ấy chính quyền mới... giật mình và vào cuộc. Không thể nói là chính quyền sở tại không biết dù đa phần các quán ấy mở nơi hẻo lánh, và lái xe, vâng, cánh lái xe khi lái xe vào thì được dọn ăn ở phòng riêng không phải trả tiền. Tôi đã từng được gửi theo tài xế nên lọt vào bữa ăn như thế, ê hề rượu thịt, vâng, hồi ấy chưa cấm rượu, trong khi ngoài kia khách cãi nhau ỏm tỏi với quán.

Tôi search trên mạng ra một bài cơm tù, xin trích về đây để chúng ta hình dung sự khủng khiếp của nó một thời, mà đây chỉ là một vụ “Sáng 9/8, đại diện gia đình ông Nguyễn Văn Hương - hành khách bị đánh chết tại quán 'cơm tù' Thu Thanh - đã gửi đơn kháng cáo đến TAND tỉnh Bình Thuận đề nghị giảm nhẹ hình phạt với 5 bị cáo tham gia hành hung ông Hương.

Trong đơn chống án, phía bị hại kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của nhà xe trong cái chết của ông Hương. Họ cho rằng nhà xe đã thông đồng với chủ quán Thu Thanh, buộc hành khách phải vào đây ăn "cơm tù".

Trước đó, đại diện gia đình ông Hương cũng gửi đơn lên VKSND Tối cao, TAND Tối cao... phản đối việc các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra với chủ xe Trần Văn Tòng, tài xế Trần Minh Lập.

Ngày 30/7, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt chủ quán Thu Thanh Nguyễn Trung Dũng mức án chung thân; 4 người khác 12-19 năm về tội giết người”.

Ông Hương là khách bị xe chở vào quán nhưng không ăn và bị đánh chết.

Cũng trên đường, từng quãng lại gặp cái biển “nước mui”, có chỗ chỉ mỗi chữ “mui”, cạnh đấy là cái tháp, trên có bồn nước với cái ống nước thả xuống.

Có lần tôi đi xe cùng ông giám đốc ban quản lý dự án thủy điện Ia Ly Trần Thái Thùy từ Pleiku sang Buôn Ma Thuột, trên xe có nhà văn Võ Thị Hảo. Chúng tôi thì quá quen rồi trừ chị Hảo, chị hỏi “mui” là gì? Thế là phải giải thích. Là các xe khách và xe tải ấy, trên mui xe đều có một cái thùng tổ bố. Là cái “két nước” đấy ạ. Két nước bây giờ bé tí, lái xe cả năm nhiều người không biết trong xe có cái bộ phận ấy vì chả bao giờ phải châm nước. Nó là bộ phận làm mát máy. Xe ngày xưa két nước là cái thùng tổ bố ấy, cũng để làm mát máy. Nó chảy trực tiếp vào máy nên vài trăm cây là hết, thế thì có các “cây nước mui” bên đường phục vụ. Hồi ấy nhà ai ở mặt đường (à mà giờ vẫn thế), mở quán, có thêm cây nước mui là ấm no hạnh phúc. Nhu cầu nước mui nó cũng như nhu cầu đổ xăng ấy, hết là phải đổ, không thì máy nóng không chạy được. Và họ thay nhau thức suốt đêm để phục vụ thượng đế.

Xăng hồi ấy là hàng hiếm, mà tình trạng ngăn sông cấm chợ nữa, nên có tình trạng chênh lệch giá, ra phía Bắc xăng đắt hơn. Thế là trên xe luôn luôn có hàng chục can xăng, một là để phục vụ việc đi đường chứ dọc đường làm gì có cây xăng tràn lan như giờ, và hai là, bán. Xe con đi công tác bao giờ cũng lỉnh kỉnh can xăng, mà lạ, chả ai thấy nguy hiểm.

Trên đường dày đặc cảnh sát giao thông, thuế vụ và quản lý thị trường. CSGT có cái que để đo xăng. Xem giấy công tác từ đấy đến đấy, còn chừng ấy cây số, tương đương từng ấy xăng, thọc que vào bình xăng và can xăng đo, nếu dư là... tịch thu. Là nói xe đi công tác. Còn xe khách tới trạm kiểm soát, có khi phải “sạc” hàng. Sạc là dỡ toàn bộ hàng xuống, kiểm tra và tịch thu, toàn bộ hàng hóa theo người là phải có giấy tờ, từ cân cà phê, lon tiêu tới chục cân gạo. Nếu không có giấy tờ là a lê hấp, thu. Tôi đi công tác, hay vào Sài Gòn làm kẽm để in tạp chí, cũng rất đói, thi thoảng có chị buôn chuyến gửi cái túi, cẩn thận hỏi cái gì, bảo mấy cân cà phê, để dưới chân thôi. Quản lý thị trường lên kiểm tra, tôi đưa công lệnh bảo của tôi mang đi biếu. Sau vài câu dọa thì... cho qua. Tới quán ăn chị mời tôi đĩa cơm “Từ sáng giờ không thấy chú xuống ăn”. Xong chị còn biếu ổ mì để mai ăn sáng. Một hình thức trả công, có đi có lại manh nha của... hối lộ bây giờ?

Còn nhiều chuyện bi thương nữa như bán khách, như chuốc thuốc mê cho khách, như ăn cơm khỉ... nhưng khuôn khổ bài báo có hạn, hẹn khi có dịp tôi sẽ trở lại...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả