NSND đàn tranh Phạm Trà My mong lan toả hơn nữa tình yêu âm nhạc dân tộc

Admin
(PNTĐ) - Nghệ sĩ đàn tranh Phạm Trà My là một trong những nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) trong Lễ trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND được tổ chức sáng ngày 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuối năm 2023, chị bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, trở thành Tiến sĩ Âm nhạc học đàn Tranh đầu tiên.  Đầu xuân mới được nhận danh hiệu NSND do Nhà nước trao tặng, niềm vui như được nhân đôi. 

NSND Phạm Thị Trà My là Trưởng bộ môn đàn Tranh tại Khoa Âm nhạc Truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chị là Tiến sĩ đàn Tranh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành viên Dàn nhạc Truyền thống Việt Nam, thành viên Dàn nhạc châu Á. Trong suốt quá trình giảng dạy và biểu diễn đàn Tranh, Phạm Trà My đã dành được nhiều huy chương cũng như giải thưởng tại các kỳ hội diễn, các chương trình liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế.

NSND Phạm Thị Trà My được mời đi biểu diễn nhiều chương trình lớn ở Việt Nam và lưu diễn nhiều nơi trên thế giới như: Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Phần Lan, Hà Lan, Mỹ, Ý, Nga, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan... Chị đã xuất bản CD độc tấu đàn Tranh "Cầm khúc" và tham gia ghi âm, thu hình nhiều CD, VCD, DVD...

NSND đàn tranh Phạm Trà My mong lan toả hơn nữa tình yêu âm nhạc dân tộc  - ảnh 1
Nghệ sĩ Phạm Trà My vinh dự nhận danh hiệu NSND do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng.

Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm gắn bó với cây đàn Tranh, nghệ sĩ Phạm Trà My không khỏi xúc động. Sinh ra trong một gia đình bố làm thợ tiện, mẹ làm giáo viên tiểu học nhưng Phạm Trà My lại dành tình yêu đặc biệt cho cây đàn Tranh. Chị kể: “Một lần xem trên ti vi thấy NSND Phương Bảo biểu diễn với một cây đàn rất duyên dáng, nữ tính, thế là tôi “đòi” bố mẹ cho theo học. Lúc mới theo học thì còn khoảng hai tháng nữa là đến kỳ thi tuyển. Cô giáo cũng như bố mẹ tôi đều xác định để tôi thi cọ xát, có thêm kinh nghiệm cho lần thi tới.

Vốn ngưỡng mộ cô - nghệ sĩ Phương Bảo nhưng mới được thấy trên tivi. Đến phòng thi gặp cô ở ngoài đời thì tôi thấy choáng ngợp. 7-8 tuổi, tôi ôm cây đàn Tranh dài, mải nhìn cô nên vấp ngã. Dù vậy, phần biểu diễn của tôi rất tốt, xác định trượt nhưng lại đỗ, được học bổng”.

“Sau này tôi được cô Phương Bảo yêu quý, giúp đỡ rất nhiều, nhất là khi tôi tìm tư liệu để hoàn thành luận án. Tôi vừa hạnh phúc và tự hào khi được người thầy lớn, người mình ngưỡng mộ lại dõi theo và ủng hộ bước đường của mình. Nhìn lại thời gian đó, tôi cảm thấy may mắn, biết ơn và thừa nhận đúng là nghề chọn người” - nghệ sĩ đàn Tranh Phạm Trà My chia sẻ.

Suốt thời gian học sơ cấp, trung cấp và đại học, dưới sự chỉ bảo tận tình của Nhà giáo Ưu tú Bích Vượng, NSƯT Mai Lai, cùng sự chăm chỉ nỗ lực của mình, mỗi cấp học Phạm Trà My đều được đặc cách sớm một năm. Tốt nghiệp, chị được giữ lại trường làm giảng viên và tiếp tục hoàn chỉnh chương trình cao học để nhận bằng thạc sĩ. Các Huy chương, bằng khen, giải thưởng là động lực khiến chị từng bước vượt qua khó khăn, vững tin với con đường mình theo đuổi.

NSND đàn tranh Phạm Trà My mong lan toả hơn nữa tình yêu âm nhạc dân tộc  - ảnh 2
Nữ nghệ sĩ đã có 40 năm gắn bó với cây đàn tranh.

Không phủ nhận có những lúc nản lòng, thậm chí từng muốn bỏ nghề, nghệ sĩ Phạm Trà My tâm sự: “Nghệ sĩ biểu diễn đàn dân tộc không thuận lợi như ca sĩ hoặc những chuyên ngành khác. Có những lúc tôi cũng nản nhưng lại nhớ ngày còn bé được bố đưa đón đi học mỗi ngày. Bố tôi là thợ tiện, đêm mới có điện để làm việc. Đêm làm việc, ngày bố đưa đón tôi đi học bằng xe đạp. Có khi tôi bước ra thấy hình ảnh bố dựa vào xe đạp, hay tựa vào gốc cây ngủ gật.

Tôi nghĩ mình không thể để phí sự cố gắng của mình và cả sự đầu tư của bố mẹ trước đó. Tôi không cho phép mình rẽ tắt, rẽ ngang. Mà thực lòng khi đó, tôi cũng chưa biết phải rẽ ngang như thế nào, khi mình đã đầu tư cả sức lực tuổi trẻ vào cây đàn Tranh.

Tôi luôn nhớ một câu nói của bố: “Con không làm thì thôi, đã làm thì phải làm đến cùng”. Vậy là lúc nào tôi cũng cố gắng, đi học thì phải nỗ lực kết quả tốt, đi làm thì phấn đấu theo con đường biểu diễn độc tấu solist. Tôi tham gia những cuộc thi, hội diễn, những show diễn lớn… luôn cố gắng vượt qua chính mình khi làm nghề”.

Nghề nào cũng vậy, nếu như biết trước sẽ thành công thì chắc chắn mọi người sẽ rất hào hứng, nhưng nếu không biết trước thì giống như nghệ sĩ Phạm Trà My, cứ làm việc đầy cảm hứng và say mê cũng có ngày hái quả ngọt.

“Để có được thành công, đúng là phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt. Bởi thế nên tôi thấy, hiện giờ mình có thể nhìn lại và mỉm cười với chặng đường mình đã bước qua, với những gì mình đã cố gắng.

Sau này, tôi luôn động viên các con rằng, đừng bao giờ để mình phải ân hận với chính mình. Cố gắng hết mình, nỗ lực hết mình để không bao giờ phải nói giá như hay nuối tiếc vì mình chưa làm hết sức. Cố gắng hết sức rồi thì thành công hay thất bại cũng không cần phải nuối tiếc”.

NSND đàn tranh Phạm Trà My mong lan toả hơn nữa tình yêu âm nhạc dân tộc  - ảnh 3
NSND Phạm Trà My

Nghệ sĩ Phạm Trà My luôn yêu công việc, ưa thích bận rộn, không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Từ những năm 2000, nhiều người yêu điện ảnh thích âm nhạc trong phim "Chuyện của Pao" đã ấn tượng một đoạn nhạc rất hay của nhạc sĩ Nguyễn Thiên Ðạo tái hiện trong các trường đoạn đã được mở đầu bằng mấy nhịp lướt đàn tranh (đàn thập lục) do nữ nghệ sĩ Phạm Trà My thể hiện.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Ðạo là người tiên phong của dòng nhạc đương đại - thể nghiệm ở Việt Nam. Sau "Chuyện của Pao", Phạm Trà My được nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo chọn là nghệ sĩ solist những tác phẩm của ông.

Cũng kể từ đó, nghệ sĩ Phạm Trà My nghĩ, đàn dân tộc muốn sống được cũng phải có cách tư duy quan điểm mới, phải kết hợp âm nhạc đương đại có chọn lọc. Sau đó, Phạm Trà My chơi cùng ban nhạc với “phù thủy âm nhạc” - cố nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, nhạc sĩ Trí Minh… đưa đàn tranh kết hợp âm nhạc điện tử.

NSND đàn tranh Phạm Trà My mong lan toả hơn nữa tình yêu âm nhạc dân tộc  - ảnh 4
NSND Phạm Trà My chung niềm vui với các nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Phạm Trà My vẫn nhớ những buổi biểu diễn tại Mỹ, Nhật Bản, khán giả đã vô cùng ủng hộ, yêu mến việc làm mới, kết hợp nhạc truyền thống với nhạc điện tử. Khán giả rất thích thú khi nghe những giai điệu vọng cổ, dân ca Nam bộ, những giai điệu quen thuộc của Việt Nam được làm mới như: Cây trúc xinh, Hoa thơm bướm lượn… Đó là sự khích lệ lớn mang tính bước ngoặt với những nghệ sĩ chơi đàn dân tộc.

Nghệ sĩ Phạm Trà My nhận ra, mình kế thừa nhưng cũng cần phải phát huy làm mới, để cây đàn Tranh ngày càng lan tỏa hơn đến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Theo nghệ sĩ Phạm Trà My, có một tín hiệu đáng mừng qua những kỳ tuyển sinh chấm thi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đàn Tranh là một trong những cây đàn dân tộc có số lượng đơn đăng ký dự thi đầu vào đông nhất nhì khoa Âm nhạc Truyền thống.

“Tôi nghĩ từ thời thơ ấu, tôi may mắn khi nhìn cô Phương Bảo biểu diễn, nếu không có thể tôi đã không theo học đàn Tranh. Cách thiết thực hơn để lan tỏa tình yêu với bộ môn đàn Tranh là tôi tham gia những dự án đưa âm nhạc dân tộc vào học đường để ngay từ khối tiểu học các em được làm quen với cây đàn trong các chương trình biểu diễn hoặc các tiết học.

Sau này thì chúng tôi có những lớp sinh viên kế cận, lan tỏa, để sớm phát hiện các bạn có năng khiếu có thể chuyên nghiệp. Sự say mê có thể khiến các em xin bố mẹ học, giống như tôi ngày trước. Ngành này năng khiếu quý lắm, thêm sự đam mê, kiên trì thì sẽ có thành công” - nữ nghệ sĩ bày tỏ.

NSND đàn tranh Phạm Trà My mong lan toả hơn nữa tình yêu âm nhạc dân tộc  - ảnh 5
NSND Phạm Trà My thấy mình cần trách nhiệm hơn nữa lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc.

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Trà My luôn giữ được tình yêu, niềm say mê với nghề và không ngừng cống hiến. Chị cho rằng, mình cần có trách nhiệm lan tỏa tình yêu cây đàn Tranh đến đông đảo khán giả hơn nữa.

Thu Mây