Ra mắt cuốn sách bách khoa thư về Văn hoá ma quỷ Nhật Bản

Add
Toạ đàm "Ma quỷ và Sinh vật huyền thoại trong Văn hoá Nhật Bản" đã diễn ra tại Hà Nội trong khuôn khổ ra mắt cuốn sách bách khoa thư về Văn hoá ma quỷ Nhật Bản. Chương trình có sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng, trong đó có Th.S Lê Quang Vũ (Đại học KHXH và Nhân văn) và nhà văn Đức Anh, đại diện của Linh Lan Books. 

Buổi toạ đàm chia sẻ về khái niệm và lịch sử Yokai, một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản, đồng thời so sánh nó với các khái niệm tương tự trong các nền văn hóa khác.

ra-mat-cuon-sach-bach-khoa-thu-ve-van-hoa-ma-quy-nhat-ban-dulichgiaitri-1706084243.jpg
Các diễn giả tại toạ đàm: nhà văn Đức Anh (trái) và Th.S Lê Quang Vũ (phải)

Yokai (yêu quái) là thuật ngữ ám chỉ toàn bộ các tinh linh và sinh vật, vật thể siêu nhiên trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản. Chúng có sức mạnh siêu nhiên, có thể biến hình, đi lại trong đêm, có thể ban phúc giáng hoạ.

Bài nói của Th.S Lê Quang Vũ khám phá sâu rộng về hàm nghĩa phức tạp của Yokai trong bối cảnh văn hóa Nhật Bản. Không chỉ đơn thuần là "Quái vật" hay "Ma", Yokai mang đến một đồng cảm với sự đa dạng, phong phú và phức tạp của thế giới siêu nhiên. Các Yokai đã được miêu tả, ghi chép, sáng tác trong suốt hơn một nghìn năm lịch sử Nhật Bản, tạo ra thành tố quan trọng trong định hình văn hoá và truyền thuyết Nhật Bản.Yokai hiện nay còn là đặc trưng Nhật Bản, để khuếch trương văn hoá, hay nói cách ví von là đại sứ văn hoá Nhật Bản

Th.S Lê Quang Vũ nhấn mạnh rằng nghiên cứu về Yokai không chỉ thuộc lĩnh vực văn hóa mà còn liên quan đến các chuyên ngành biểu tượng học, Nhân chủng học văn hóa, Xã hội học và Lịch sử nghệ thuật. Anh cho biết: “Yokai (Yêu quái Nhật Bản) mang hơi thở của từng thời đại nó trải qua. Thời cổ cuộc sống mong manh hình tượng Yokai hung ác, thời hiện đại cuộc sống hoà bình thì hình tượng dễ thương. Nó phản ánh sự biến thiên thời cuộc, biểu hiện cho sự sáng tạo vô tận của con người. Yokai có lịch sử, là lịch sử của người tạo ra chúng, sợ hãi chúng, chơi đùa với chúng”

ra-mat-cuon-sach-bach-khoa-thu-ve-van-hoa-ma-quy-nhat-ban-2-dulichgiaitrijpg-1706084244.png
Bìa sách Bách Quỷ Dạ Hành (NXB Hội Nhà Văn 2024)

Theo nhà văn Đức Anh, Yokai không chỉ đơn thuần là hình ảnh mà con người tạo ra để giải thích một hiện tượng kỳ lạ, mà còn là sự sáng tạo, thể hiện một phần của thế giới mà con người không thể diễn đạt bằng lời. Thực tế, ma quỷ trong các nền văn hoá luôn là những ẩn dụ sâu sắc về xã hội và tâm hồn con người.

Khi được hỏi về sự khác biệt của ma quỷ Nhật Bản so với các nước Á Đông như Việt Nam, diễn giả cho biết: “Về cơ bản ma quỷ Nhật Bản đa dạng và đại diện cho các tầng lớp xã hội khác nhau của quốc gia này, được ghi chép, minh hoạ cẩn thận qua nhiều thời kỳ. Nó đến từ nhu cầu thưởng thức của các tầng lớp có địa vị, của cải dư dả trong xã hội và từ lâu trở thành yếu tố đóng góp sâu sắc vào các loại hình nghệ thuật. Trong khi ma quỷ Việt Nam gần như chỉ xuất hiện trong truyện truyền miệng dân gian”.

Toạ đàm cũng giới thiệu dự án xuất bản “Bách Quỷ Dạ Hành”, là một tổng tập gồm nhiều loài ma quái, hiện tượng tâm linh ở Nhật Bản, với tranh vẽ của Toriyama thế kỷ 18. Cuốn sách là tập hợp hàng trăm loài ma quỷ Nhật Bản, với ý nghĩa, câu chuyện dân gian xoay quanh. Sách sẽ do Linh Lan Books và NXB Hội nhà văn phát hành vào tháng 1 năm 2024

Anh Hoa