Tận dụng cơ hội từ EVFTA để gia tăng xuất khẩu bền vững

Admin
Sau 3 năm thực thi, EVFTA đã trở thành cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

“Trái ngọt” từ EVFTA

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020, tạo nên dấu mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời mở ra một giai đoạn mới giúp mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đặc biệt, khi được đưa vào thực thi, EVFTA là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Kinh tế - Tận dụng cơ hội từ EVFTA để gia tăng xuất khẩu bền vững

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang châu Âu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang/Hà Nội mới.

Trao đổi với Hà Nội mới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, cho biết, dù đối diện không ít khó khăn và hệ lụy tiêu cực trong bối cảnh dịch Covid-19, EVFTA vẫn được coi là nỗ lực to lớn của Việt Nam trong hội nhập. Cụ thể hơn, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) Nguyễn Anh Dương cho biết, hàng Việt có cơ hội hiện diện tại thị trường EU với nhiều ưu đãi, nhất là về thuế suất. EU đã xóa bỏ 85,6% thuế nhập khẩu đối với hàng Việt Nam, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đương nhiên, một khi hàng Việt vào được thị trường “khó tính” này tức là đủ đẳng cấp xuất khẩu đi khắp thế giới.

Đặc biệt, Việt Nam luôn chiếm vị thế xuất siêu trong quan hệ thương mại song phương. Đơn cử, trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu gần 24 tỷ USD giá trị hàng hóa vào EU. Tác động từ EVFTA cũng cho thấy, những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể thu hút đầu tư của Việt Nam, nhờ nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực.

Theo tính toán sơ bộ, EVFTA thúc đẩy Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng từ 4,57% lên 5,3% trong giai đoạn 2018-2024 và tăng từ 7,07% lên 7,72% trong giai đoạn 2029-2033.

Đáng lưu ý, EVFTA còn là cú hích giúp ngành sản xuất thay đổi. Các doanh nghiệp trong khu vực, các cơ sở thu mua phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng. Về lâu dài, đây là yếu tố quan trọng đối với ngành hàng chủ lực Việt Nam chứ không phải chỉ là xuất khẩu đơn thuần. Việc thay đổi sản xuất giúp mang lại giá trị bền vững đối với xuất khẩu và góp phần xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Bên cạnh đó, EVFTA mang lại cơ hội để cải thiện thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là làm cho nội dung quy định, luật, văn bản hướng dẫn… ngày càng đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và tương thích với thông lệ quốc tế. Kết quả phân tích cho thấy, hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.

Doanh nghiệp cần hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững

Để gia tăng xuất khẩu vào EU, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao sức cạnh tranh, tập trung cải cách hành chính thực chất và hiệu quả; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến về EVFTA. Các bộ, ngành cũng đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA...

Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, việc thực thi EVFTA thời gian tới không hề dễ dàng với doanh nghiệp khi thị trường này áp dụng hàng rào kỹ thuật xanh gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những sức ép này buộc doanh nghiệp phải sớm chuyển đổi xanh nếu không mất thị phần tại thị trường giàu sức mua hàng đầu thế giới này. Đặc biệt, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đưa định giá carbon áp với các sản phẩm xuất khẩu có hiệu lực từ ngày 1/10 đối với một số lĩnh vực sản xuất phát thải nhiều carbon.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu doanh nghiệp lựa chọn nguyên liệu thân thiện môi trường. Liên quan đến bảo tồn nguồn tài nguyên biển, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản phải đạt các chứng nhận xuất khẩu sang thị trường EU, không tham gia hay mua bán sản phẩm đánh bắt trái phép, sử dụng công cụ gây hại cho sinh vật biển.

Theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang, tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU sẽ bao trùm tất cả sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Đến nay, gần 70% doanh nghiệp đã biết về chương trình từ nông trại đến bàn ăn của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm; gần 80% doanh nghiệp biết Luật Chống phá rừng của EU; gần 60% doanh nghiệp biết đến chiến lược sản xuất xanh của ngành Dệt may… Đây là thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ dài hạn và duy trì thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của đối tác, nhưng qua đó doanh nghiệp sẽ trưởng thành, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế kết hợp gia tăng sức chống chịu và thích ứng để tồn tại trước những bất lợi từ bên ngoài.

Theo Kinh tế & Đô thị, thực tế, nhiều ngành hàng của Việt Nam đã, đang thực hiện xanh hoá để đáp ứng nhiều quy định của EU. Đơn cử như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ sản xuất xanh; phát triển sản phẩm mới có sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu chia sẻ: “Vinatex với mô hình Tập đoàn gồm nhiều đơn vị thành viên tập trung vào giải pháp phát huy tối đa sức mạnh tổng thể, tái cấu trúc để đáp ứng linh hoạt hơn với xu hướng thị trường và cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu”.

Nói về giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ Công Thương thường xuyên, kịp thời theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của thị trường EU để kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ để có phản ứng chính sách phù hợp. Đồng thời, Bộ cũng tăng cường và đổi mới về xúc tiến thương mại hướng đến thị trường EU nhiều tiềm năng; tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh, những ưu đãi trong EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Minh Hoa (t/h)