Trước hết, việc ăn uống xuất phát từ nhu cầu dinh dưỡng, thiết yếu để duy trì sự sống trong sinh hoạt hàng ngày của từng cá nhân. Dù cho chúng ta có ở nhà hay đi du lịch thì cơ thể cũng cần một lượng dinh dưỡng nhất định để tạo ra năng lượng cho hoạt động hàng ngày. Ở đây, nếu xem du lịch ẩm thực là một “hình thức trải nghiệm” thì việc du khách thưởng thức món ăn trong chuyến đi, tạo ra sự thay đổi về mặt thể chất lẫn tinh thần, khác với cuộc sống hàng ngày chính là đặc điểm chính của nó hay đó chính là sự trải nghiệm của bản thân thông qua chuyến du lịch. Đó có thể là sự bổ sung dưỡng chất hay dược liệu chữa bệnh cho thể chất của cá nhân vốn có những vấn đề bất thường do các yếu tố trong cuộc sống.
Sự đa dạng phong phú của ẩm thực Việt Nam được nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu ví như “bếp ăn của thế giới”, có lẽ nhận định này một phần bởi yếu tố dinh dưỡng của của món ăn Việt Nam luôn đảm giữa chất đạm và chất xơ và ít dầu mỡ đã làm du khách cảm thấy an toàn khi thưởng thức ẩm thực Việt Nam mà không ngại về vấn đề sức khoẻ. Gần như các món ăn Việt Nam trong cách chế biến đều có rau củ, ngay cả khi đến nhà hàng hay bữa cơm gia đình của người Việt Nam đều cân đối 2 thành phần thịt, cá và rau, củ.
Gia Lai là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông hồ, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã sản sinh ra nguồn nguyên liệu thực phẩm có giá trị về mặt ẩm thực du lịch cũng như có giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt với dòng cá da trơn của sông Sê San: cá anh vũ (còn gọi là cá tiến vua), cá lăng, cá chình, qua bàn tay chế biến của đầu bếp đã trở thành món ngon hấp dẫn luôn được ưu tiên trong sự lựa chọn của du khách: cá anh vũ hấp, cá chình nướng nghệ, lẩu cá lăng… Bên cạnh đó, những cái tên đã trở thành thương hiệu cho ẩm thực Gia Lai: Bò một nắng - muối kiến Krông Pa, rau rừng Gia Lai, gỏi tép Biển Hồ, heo sọc dưa 7 món, gà đi bộ lên mâm… Du khách có thể thưởng thức những đặc sản này tại bất kỳ nhà hàng nào của phố núi Pleiku.
Để chứng minh cho ẩm thực đặc trưng của Gia Lai vừa mang lại ngon miệng nhưng vừa đảm bảo yếu tố dinh dưỡng cho du khách, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng trong việc phát triển du lịch ở tỉnh Gia Lai” đã có kết quả phân tích hàm lượng dinh dưỡng của 12 món ăn đặc trưng tại các nhà hàng ở thành phố Pleiku (Gia Lai), do Công ty Cổ phần chứng nhận và Giám định VINACERT (Hà Nội) thực hiện. Cụ thể trong 200 gram của mỗi món tương đương với định lượng Kcal: cá lăng om dưa (221,98), lẩu cá lăng măng chua (168,66), cá chình nướng nghệ (603,8), cá anh vũ hấp xì dầu (318,8), heo sọc dưa hấp (755,72), heo sọc dưa quay giòn da (600), gỏi heo sọc dưa (458,84), xương heo sọc dưa nấu khoai môn (204,9), gà chiên mắm (447,04), heo sọc dưa nướng (1102), gỏi gà (237,46), gỏi lá (372,9).
Với kết quả này cho thấy các món ăn đặc sản ở Gia Lai có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, việc phân tích này nhằm mục đích cung cấp các chỉ số về hàm lượng chất dinh dưỡng và calories có trong các món đặc sản này để thực khách cân nhắc, chọn lựa khi ăn nhằm đảm bảo sức khỏe và để những người chế biến món ăn gia giảm nguyên liệu và gia vị cho phù hợp với nhu cầu của thực khách.
Phan Ngọc Diệp
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai