Hội Phụ nữ cùng hội viên xây dựng gia đình văn hoá
“Không bạo lực gia đình” là một trong 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân triển khai thực hiện có hiệu quả trong những năm qua. Bà Phạm Thị Cúc Tú, Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc cho biết, Hội luôn xác định công tác “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Hội.
“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình thông qua nhiều hình thức như: Tập huấn, tọa đàm, giao lưu, hội thi tìm hiểu pháp luật, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi/tổ, nhóm phụ nữ… Hội và các chi hội phụ nữ còn phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị khu dân cư để quan tâm đến đời sống, tình hình gia đình của hội viên, qua đó kịp thời phát hiện mâu thuẫn từ khi mới manh nha xuất hiện”- bà Tú cho biết.
Theo bà Tú, trung bình mỗi năm Hội và các chi hội phụ nữ đã hóa giải kịp thời từ 5- 10 trường hợp gia đình có mâu thuẫn nhỏ. Nhờ đó, tại phường Thanh Xuân Bắc nhiều năm qua không để xảy ra trường hợp bạo lực gia đình nghiêm trọng.
Tại huyện Gia Lâm, từ năm 2019, Hội LHPN huyện Gia Lâm đã thành lập CLB “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực gia đình” tại xã Đặng Xá, sau đó nhân rộng mô hình tại 2 xã là Yên Viên và Đông Dư. Năm 2022, Huyện Hội thành lập CLB “Nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ” tại các xã Dương Xá, Phú Thị… Theo bà Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Huyện, các mô hình sau khi được thành lập đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhiều năm qua, Huyện Hội không nhận được đơn thư nào liên quan đến bạo lực gia đình.
Tại huyện miền núi Ba Vì, thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện tích cực đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc” và cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình, kế hoạch của Hội về công tác gia đình.
Điểm mới trong nội dung tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình là các cấp Hội là đã lựa chọn đực vấn đề ưu tiên hay còn bức xúc, nổi cộm tại địa phương, những chủ đề có nội dung thiết thực, được hội viên, phụ nữ và cộng đồng quan tâm như: Giáo dục, kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ; giáo dục trước hôn nhân; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình; phòng chống bạo lực gia đình... để truyền đạt tới hội viên, cộng đồng.
Hội còn triển khai các tiêu chí của cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” tới 100% hộ gia đình cán bộ, hội viên. Thành lập mới và duy trì các Câu lạc bộ phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp trong gia đình...
Là tổ chức chính trị xã hội bảo vệ chăm lo, đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên toàn Thành phố đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng về giá trị tốt đẹp của gia đình, xây dựng các mô hình hỗ trợ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của gia đình, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Từ các hoạt động, Hội đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng đối việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng thật sự là tổ ấm và tế bào lành mạnh của xã hội.
Hiệu quả từ bộ tiêu chí ứng xử gia đình
Năm 2019, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Sau đó, Thành phố đã chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì để triển khai thực hiện. Năm 2021, Thành phố thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất.
Qua thời gian triển khai thí điểm và thực hiện nhân rộng trên địa bàn Thành phố từ năm 2022, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình hiện đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từ đó góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Kết quả năm 2022, trong tổng số hộ gia đình toàn Thành phố là 2.090.892 đã có 88% gia đình Thủ đô đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0.5% so với năm 2019), có 63% làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019).
Gia đình ông Nguyễn Văn Đức, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội có 12 người, 3 thế hệ, trong đó có 8 người cùng sinh sống hòa thuận trong một mái nhà. Bí quyết của đại gia đình ông chính là tự giác thực hiện tốt các tiêu chí của Bộ quy tắc ứng xử gia đình. “Chúng tôi thường xuyên nói chuyện, giảng giải cho con cháu về những chuẩn mực trong ứng xử, về các tiêu chí tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia trong gia đình”, ông Đức cho biết.
Bà Nguyễn Thị Vinh Quy (phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết: Đại gia đình của bà có nhiều thế hệ, tuổi tác chênh lệch nhau, ngành nghề, công việc không ai giống ai nhưng vẫn luôn gắn kết bởi phương châm ứng xử gói gọn trong 6 chữ “Tôn trọng - Yêu thương - Chia sẻ” mà Bộ tiêu chí đưa ra. Vợ chồng bà tuổi cao, đã nghỉ hưu nhưng vẫn ham học hỏi, đọc sách, viết bài. Các con tạo điều kiện cho ông bà sống vui, sống khoẻ, sống có ích.
Ông bà cũng luôn động viên, hỗ trợ các con khi cần thiết, lắng nghe lời góp ý của các con dành cho mình. Già, trẻ, lớn, bé trong nhà được đối xử bình đẳng, không có sự áp đặt, không theo lối gia trưởng nhưng gia đình vẫn có kỷ cương, có tôn ty trật tự.
Với việc thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử gia đình, trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận nhiều gia đình có lối sống mẫu mực, hòa thuận. Gia đình cựu giáo chức Nguyễn Trà, phường Phương Liên (quận Đống Đa) là tấm gương tiêu biểu của dòng họ hiếu học danh tiếng đã có bề dày 600 năm sống tại kinh thành Thăng Long.
Cụ Nguyễn Trà là anh cả trong gia đình 10 anh, chị, em và cũng là “đầu tàu” gương mẫu về tinh thần hiếu học cho các em, các con, cháu, chắt noi theo. Dù đã trên 90 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Trà vẫn miệt mài với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài cho thế hệ tương lai; hay gia đình bà Đỗ Thị Dụ, phố Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông với 39 thành viên chung sống thuận hòa, luôn năng nổ cùng việc làng, việc xóm… Tác động tiêu cực của cuộc sống hội nhập đã không thể làm biến đổi, lung lay nền móng gia đình vững chắc của bà.
Ông Nguyễn Viết Song, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ cho biết, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình khi được Thành phố triển khai, hướng tới tập trung tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa truyền thống; phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.
Đối với xã Phụng Thượng, xác định được tầm quan trọng của Bộ tiêu chí, xã đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, đăng tải trên trang Fanpage diễn đàn xã Phụng Thượng, Cổng thông tin điện tử của xã, các nhóm zalo công việc tại cơ quan, thông các hội nghị của Đảng, sinh hoạt chi bộ, các buổi nói chuyện, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ... thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, các gia đình tham gia thực hiện.
Nhờ đó, dù là một xã đông dân cư dân số là trên 14.000 khẩu, khoảng 4.000 hộ, dân cư được hình thành 13 thôn dân cư, nhưng nhìn chung, người dân trên địa bàn xã đều có ý thức gìn giữ gia đình yên ấm, hạnh phúc, từ đó góp phần xây dựng quê hương Phụng Thượng ổn định, phát triển.