Chuyện đuối nước ở vùng sông nước

Admin
Hôm kia có một cái tin khiến ta rất đau lòng, là ở Kon Tum, một phụ nữ đang mang thai cứu 2 cháu nhỏ đuối nước, và rồi bản thân mình cũng thiệt mạng mà vẫn không cứu được 2 cháu, và như thế...

Trong vụ đuối nước này có tới 4 người tử vong, là cả cháu bé đang trong bụng mẹ. Hết sức đau xót. Nhưng khi đọc hết tin, thì ta biết thêm, trong hai cháu nhỏ đuối nước thì một cháu là con và một là cháu. Nên việc người mẹ lao xuống nước, bất chấp nguy hiểm để cứu con và cháu là có thể hiểu được. Có điều, giá như chị có kỹ năng cứu người đuối nước.

Cũng thời gian ấy, ở Quảng Ngãi, một thượng tá công an và một giám đốc sở, đi tắm biển, và tất nhiên là họ biết bơi, đã cứu ba mẹ con cũng đi tắm biển và suýt chết đuối. Vấn đề là, hai người này ngoài biết bơi thì khi đi bơi họ đều đeo phao.

Và anh sĩ quan công an đã ném phao cho mấy mẹ con chị kia, thế mà theo anh kể, cũng suýt bị chìm theo 3 mẹ con vì 2 cháu nhỏ níu mẹ và níu luôn anh này. Phải hết sức gỡ, và có thêm người giúp sức, anh mới gỡ ra được và đẩy ba mẹ con vào bờ, còn mình thì mệt đến suýt ngất lịm.

Để thấy, cứu người đuối nước không đơn giản.

Nước ta nhiều sông, suối, ao và biển, nhưng có vẻ món bơi lội không phải ai cũng thạo, nên năm nào cũng có những vụ đuối nước rất thương tâm. Cứ tới hè là các trường lo thon thót, căn dặn học sinh của mình đủ điều, phụ huynh cũng thế, nhưng sểnh ra là các em đuối nước.

Trong chương trình học có môn giáo dục thể chất, nôm na là môn thể dục, nhưng hình như môn bơi bị bỏ ngoài chương trình, những gì được học thì một là chả giúp các cháu khỏe thêm, và hai là cũng chả áp dụng vào đời sống được.

Nghe nói môn bơi khó áp dụng vì phụ thuộc vào cơ sở vật chất. Học các môn khác có thể tận dụng bất cứ chỗ nào trống, nhưng môn bơi thì phải có bể bơi. Mà bể bơi là món quý tộc, không dễ gì đầu tư.

Vậy nên các gia đình có điều kiện bèn tự cho con đi học bơi, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để tự bảo vệ mình khi xuống nước.

Nhưng ở nông thôn thì lấy đâu các bể bơi mà đi học bơi.

Tôi nhớ thế hệ chúng tôi, đa phần là biết bơi, và toàn là tự học. Cô bạn học cùng trường ở Thanh Hóa ngày xưa, tôi mới gặp lại, giờ đã là bà nội bà ngoại, có con gái đã là trung tá công an, kể: Mi ngày xưa không biết, tau đi học toàn bơi qua sông để đỡ 1 xu tiền đò. Quần áo quấn lên đầu, một tay cầm túi sách, tay kia bơi, ngày 2 lần, suốt 3 năm cấp ba.

Tất nhiên có thể ngày xưa cũng có nhiều vụ chết đuối, nhưng thông tin ít phổ biến như bây giờ nên ít người biết, nhưng quả là, cái sự ai ở nông thôn, vùng có sông biển cũng biết bơi là có, trẻ con thành phố lại ít biết bơi hơn vì không có bể bơi dịch vụ như bây giờ.

Anh em tôi cũng biết bơi từ nhỏ, là nhờ sơ tán về nông thôn, rồi theo trẻ con cùng lứa, ra sông tập bơi và biết bơi. Nói của đáng tội, ba mẹ cũng đầu tắt mặt tối làm việc, cũng có căn dặn, cũng cấm các con ra sông, nhưng trẻ con mà, cấm thế nào được.

Và rồi một ngày, ba mẹ đưa ra sông sông tắm, 2 anh em tôi bơi như 2 con rái cá trước sự ngạc nhiên tột độ của ba mẹ. Và nhờ thế, chúng tôi không bị căn dặn, thậm chí bị đánh khi ra sông, và ba mẹ cũng yên tâm hẳn.

Ở đây lại còn, biết bơi là một chuyện, cứu người chết đuối lại là chuyện khác.

Nếu không có kỹ năng ấy, thì có bơi giỏi mấy đi nữa, anh cũng rất dễ bị nhấn chìm, sẽ chết trước người được cứu, bởi người bị đuối nước mà không biết bơi, trong cơn sinh tử, họ sẽ túm lấy bất cứ cái gì trong tầm tay.

Anh thượng tá cảnh sát ở Quảng Ngãi tôi nhắc trên là một ví dụ. "Thượng tá Giang cho hay dù bơi tốt nhưng đi tắm biển lúc nào ông cũng mang theo hai cái phao đề phòng lúc mệt thì ôm nghỉ, chờ cứu hộ. Rất may, hai cái phao ấy đã cứu được ba mẹ con".

"Ngồi nghỉ mệt một lúc, bực mình quá tôi la chị T. đi bơi có con nhỏ mà không mang theo phao, mạng sống mà như đùa. La thì cũng tội họ, nhưng qua sự việc tôi mong mọi người tắm biển hãy mang phao theo để đảm bảo an toàn cho mình và ứng cứu người khác nếu phát hiện.

Như sáng nay mà không có hai cái phao, tôi không thể giữ ba mẹ con cho đến khi mọi người ứng cứu. Cũng cảm ơn đội cứu hộ đã có mặt rất kịp thời".

Chuyện đuối nước ở vùng sông nước- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng và người dân sử dụng xuồng, lưới để tìm kiếm ba nạn nhân bị đuối nước tại lòng hồ Plei Krong, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum để tìm kiếm ba nạn nhân bị đuối nước. Ảnh: TTXVN.

Search trên mạng, thấy rất nhiều tin đuối nước, và đau lòng nữa là, đuối nước tập thể, đa phần là thanh thiếu niên. Điều ấy chứng tỏ, kỹ năng bơi và cứu người của các bạn trẻ hiện nay khá kém.

Và nữa, kỹ năng cấp cứu người đuối nước khi đã vớt được lên bờ của chúng ta hiện nay cũng rất yếu. Tin hôm qua: "5 trẻ đuối nước, trong đó 4 ca sơ cấp cứu sai cách", theo đó, thay vì phải ép tim, thổi ngạt, thì lại vác chạy. 

Thực ra thì cái món vác chạy này, nó là một thói quen dân gian, cũng đã từng cứu được một số người bị nhẹ, nhưng bây giờ, bác sĩ khẳng định: "sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu ôxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút. 

Qua thời điểm này, não có thể tổn thương không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Vì thế, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay.

Việc dốc trẻ lên vai rồi chạy sẽ làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược vào đường thở, chậm trễ hồi sức tim phổi, làm mất thời gian vàng cấp cứu, thậm chí gây thêm các tổn thương".

Những việc giờ đã thành thông thường, nhẽ phải được trở thành kiến thức phổ thông, chả hiểu sao mà tới giờ ít người biết, từ bơi, cứu người đuối nước và cấp cứu trên bờ. Trong mấy vụ các cháu bị cấp cứu sai cách kia, có cả nhân viên bể bơi. Thế tức là, ngay tới nhân viên chuyên nghiệp, được đào tạo để sơ cứu cũng... cứu người chết đuối sai cách.

Không muộn nếu bây giờ chúng ta đưa môn bơi và cứu người đuối nước vào phổ cập trong trường học.