Dịch vụ nấu ăn thời hiện đại

Admin
Bây giờ nhà có việc, điện thoại phát, dịch vụ tới tận nhà… Có cả dịch vụ nấu và bán đồ cúng, mà không chỉ cúng rằm.

Hôm rồi rằm tháng 7, vợ tôi ở Sài Gòn, tôi ở nhà một mình, biết tôi hậu đậu, chả tin tưởng gì, cô ấy gọi điện nhờ hai bà bạn, một bà mua trái cây và hoa, một bà mua xôi chè mang tới cho tôi thắp hương cúng rằm.

Và té ra, có cả một dịch vụ nấu và bán đồ cúng.

Và không chỉ cúng rằm.

Bây giờ nhà có việc, điện thoại phát, dịch vụ tới tận nhà, gọn nhẹ và văn minh. Hôm ở Thanh Hóa, chú em đãi ông anh và bạn bè, 2 mâm. 

Điện thoại phát, lên món xong, giá cả xong, đúng giờ một cái ô tô xịch tới. Hạ thành xe xuống, cả thùng xe thành cái bếp. 

Một tiếng đồng hồ sau, đúng giờ, mâm bát sẵn sàng, khách chủ vào mâm. Nhà xe ngồi đợi, xong dọn sạch tưng, chủ ngủ, xe về, xong cỗ.

Dịch vụ nấu ăn thời hiện đại- Ảnh 1.

Ảnh minh họa cỗ quê (Nguồn: Internet)

Hàng xóm nhà tôi bây giờ cẩn thận hơn. Có giỗ thì mâm cúng tự làm, còn thì đặt mấy mâm đãi khách. Hỏi sao không đặt luôn, bảo mâm cúng cứ là phải cẩn thận. Hỏi dịch vụ nấu cỗ, có làm mâm cúng không? "Có chứ ạ, yêu cầu thế nào chúng iem làm đúng thế. Nhà bác này cẩn thận nên tự làm, chứ các nhà khác họ đặt luôn, chúng iem cân tất".

Nhớ xưa, nhà nào cũng có cái chạn bát rất lớn. Trong ấy, ngoài bát đĩa đũa thìa... sử dụng hàng ngày, ít nhất còn đủ cho vài ba mâm nữa. Còn nếu cúng giỗ nhiều hơn thì... đi mượn. Thế nên cũng xưa ấy, dưới đít các loại bát đĩa thường có chữ viết sơn để đánh dấu.

Ngay quê tôi, một làng cách thành phố Huế chừng bốn mươi cây số, đủ thấy nó chỉn chu phép tắc đến như thế nào, cỗ bàn lớp lang ra sao, nhưng giờ, cũng đã nhiều nhà đặt cỗ khi có kỵ giỗ. Xin nhớ, đối với người Huế, kỵ giỗ hết sức quan trọng và lễ nghĩa. Tôi giờ sống ở Pleiku, nhưng mỗi năm ít nhất cũng phải một lần đưa vợ con cháu chắt về quê để giỗ.

Có lần về, với tư cách anh, tôi bàn với vợ chồng em trai là năm nay đặt cỗ đi cho gọn, vì trong làng cũng nhiều nhà làm thế rồi. Em tôi gạt phắt, không được. Như thế mỗi nhà chỉ cử một người đến ăn giỗ, mà nhà mình thì muốn giỗ là ngày tất cả anh em con cháu phải gặp nhau. Nên phải tự làm. 

Tự làm thì mỗi nhà sẽ cử một người tới làm giúp, số người làm giúp ấy, buổi trưa cũng vài ba mâm, rồi chiều cỗ chính, khoảng chục mâm tất cả. Ăn uống giờ không quan trọng, mà quan trọng là anh em gặp nhau, hàn huyên. Năm vài cái giỗ, phải đông đủ.

Thì tôi phải nghe thôi, dù hầu như tháng nào người Huế cũng có giỗ. Nhà tôi cũng rất nhiều, nhưng em tôi mỗi năm làm một cái lớn có mặt đông đủ anh em con cháu, còn lại thì làm trong nhà.

Đêm trước giỗ (kỵ), các nhà bà con liên quan mang sản vật đến góp. Không bắt buộc nên nhà ai có gì mang nấy tùy tình hình. Thời đói kém thì mang gạo, giờ thì có khi cặp vịt, cân giò. Sáng sau thì mỗi gia đình bà con cử một người có mặt giúp làm cỗ. 

Phụ nữ thì đi chợ, nấu ăn, nam giới thì kê dọn bàn ghế, sắp cỗ. Không phải ai cũng biết sắp cỗ. Quê tôi khi cúng thì ít nhất trên bàn thờ phải 2 mâm, trong nhà vài ba mâm, ngoài sân và am cũng khoảng vài ba mâm nữa... Mỗi mâm rất nhiều món mà lại sắp nhiều mâm, nhìn hoa cả mắt nên phải có một ông rất thạo việc trong nhà chỉ huy.

Cỗ Huế là cả một công trình nghệ thuật dành cho những người kiên nhẫn. Cái gì cũng ít, đựng trong những chiếc đĩa bé tẹo, nhưng mà lại cực kỳ nhiều món, người lạ có thể hoa mắt lên giữa trận đồ đĩa, bát, người quen rồi thì cứ nhẩn nha ăn, lần lượt từ trên xuống dưới, hết tầng này, hạ đĩa không xuống, ăn tiếp tầng dưới. 

Có nhà xếp cỗ đến 4-5 tầng trông như một ngọn tháp. Một mâm 6 người (bây giờ có văn hóa bàn tròn nên người ta mới sắp mâm mười), người ta bày thức ăn sao mà mỗi một đĩa mỗi người gắp chừng 1 đũa là vừa hết. Món cuối cùng bao giờ cũng là xôi, hết xôi rồi việc, người Huế hay nói thế như một câu cửa miệng. 

Cỗ Huế ám ảnh người ăn còn ở màu sắc. Đỏ ớt, trắng hành, xanh rau thơm, rồi vả, chuối, cải non... ngồi trước mâm cỗ như một tác phẩm nghệ thuật như vậy người ta nâng sự ăn lên thành sự thưởng thức, chứ không thể ăn uống theo kiểu phàm phu tục tử.

Mời ăn kỵ (giỗ), hay còn gọi quảy cơm, nên dù có bia rượu người ta cũng bê cơm lên ngay. Và mọi người ăn là chủ yếu, có uống trong lúc ăn nhưng rất ít, hầu như không thấy người bê tha, bởi mời ăn cỗ theo… giờ. Nhà chật nên mời nhiều ca, có ca 3 giờ chiều, có ca 5 giờ, ăn xong thì dọn ca khác nên có muốn khề khà lâu hơn một chút cũng không được dù gia chủ có lòng. Và nhờ thế mà nó cũng rạch ròi giữa việc nhậu và đi ăn kỵ. Chuyện kỵ giỗ ở quê là việc trọng, không thể lơ mơ được.

ở Huế đi ăn kỵ là phải nghiêm túc, các bác là phải khăn đóng áo dài đen, các bà các cô cũng thế, phần lớn là áo dài màu lam. Nói năng rất từ tốn nhỏ nhẹ, rì rầm chuyện họ, chuyện làng. Phần lớn là các bác chỉ mặc đồ trong từ nhà, là một bộ đồ trắng toát, còn áo dài và khăn thì cho vào túi, đến nơi mới mặc. Ăn kỵ xong lại… cởi ra cho vào túi.

Té ra cỗ quê, nó không chỉ là cỗ, mà nó là lớp lang họ tộc, là ấm áp họ hàng, là thân tình làng nước, và ở cõi sâu thẳm nhất, nó làm ta rưng rưng khi nhớ tới người đã khuất và cũng trao gửi sự tin yêu lẫn nhau, sự kính trọng nhau của anh em trong nhà nhân dịp này mà tụ họp. Nó là sợi dây níu kéo những người ruột thịt, từ một mái nhà, chia ra, tứ tán, giờ hợp lại, vẫn dưới mái nhà ấy, vẫn sự chở che của cha mẹ, cho dẫu ra ngoài có người là ông nọ bà kia.

Và đấy chính là nơi hun đúc và gìn giữ cội nguồn Việt của chúng ta…

Và cũng tất nhiên, nhớ là nhớ thế, chứ giờ, cúng giỗ người ta vẫn đặt dịch vụ. Từ dịch vụ nhiều mâm cho tới chỉ con gà luộc đĩa xôi vò, và đúng giờ là ship tới tận nơi.

Nhớ là nhớ thế, chứ tôi cũng công nhận, dịch vụ nấu ăn thật là tiện.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Từ sự kiện "Lễ hội tôm hùm" mà… không có tôm hùmTừ sự kiện