Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức nhằm góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, một đạo luật quan trọng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc vào tháng 10/2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025. Tham dự Hội thảo có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các chuyên gia kinh tế.
Theo cổng thông tin điện tử Quốc hội, qua 4 lần sửa đổi trước đây, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội như: Góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường xã hội; định hướng tiêu dùng tiết kiệm đối với nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch và khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; đồng thời góp phần ổn định, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành cũng còn một số hạn chế như: Đối tượng chịu thuế hẹp so với thông lệ quốc tế; thuế suất với một số mặt hàng chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện…
Trước thực trạng nói trên, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã xây dựng và lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự kiến, ngày 23/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37. Tiếp theo đó, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 tới đây) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Điều đáng chú ý trong việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... Tại Tờ trình dự án Luật, Bộ Tài chính nêu rõ việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe Nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.
Về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, trong dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.
Doanh nghiệp chịu tác động không nhỏ
Đại diện cho phía doanh nghiệp chịu tác động của quy định áp thuế, ông Lương Xuân Dũng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết: Việc áp dụng thuế TTĐB 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh và các tác động ngoại cảnh như cơn bão YAGI vừa qua.
Việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường còn tác động đến 24 liên ngành trong nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp hàng nghìn lao động trong các doanh nghiệp. Tác động trực tiếp tới thuế gián thu và trực thu từ đó tác động tới thu ngân sách nhà nước.
Theo ông Dũng, thiệt hại nặng nề từ cơn bão Yagi đã khiến cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp, làm gián đoạn đáng kể khả năng sản xuất và cung ứng hàng hóa. Các hạng mục như kho bãi và thiết bị bị hư hỏng nặng, khiến hoạt động sản xuất đình trệ và nguyên vật liệu đầu vào bị tổn thất trong quá trình sản xuất. Điều này không chỉ làm giảm sản lượng mà còn kéo dài thời gian giao hàng.
Các doanh nghiệp cũng đã và đang đồng thời chịu nhiều sức ép từ các trách nhiệm tài chính mới theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Trách nhiệm tái chế và có thể phải thực hiện một số trách nhiệm khác như kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cùng hàng loạt các loại phí môi trường đang dự kiến bổ sung mới như phí khí thải, phí nước thải với chi phí ước tính lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Theo ông Lương Xuân Dũng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường. Hơn nữa các loại đồ uống này thường có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB. Điều này dẫn đến mục tiêu chính sách đặt ra không đạt được trong khi đó sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống bị ảnh hưởng tiêu cực, và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay. Do vậy, Hiệp hội đề nghị xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo báo Chính phủ, tại Hội thảo, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cũng bày tỏ, "Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thời điểm hiện tại sẽ tăng thêm gánh nặng cho DN, buộc DN phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương".
Dùng thuế để hạn chế bệnh thừa cân béo phì liệu có hợp lý?
Cũng theo báo chính phủ, ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả bệnh thừa cân béo phì mà nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính duy nhất. Thậm chí, mối liên hệ giữa tiêu thụ nước giải khát có đường với tỷ lệ thừa cân béo phì còn rất nhiều tranh cãi. Vì theo các thông tin từ các chuyên gia trình bày cho thấy: Tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%) nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát có đường ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%).
So với nước giải khát có đường thì những thực phẩm được trẻ em tiêu thụ nhiều hơn là ngũ cốc, chất đạm, chất béo, sữa và sản phẩm từ sữa. Lượng protein được học sinh các cấp tiêu thụ cũng đều vượt mức khuyến nghị. Khi đã vào trong cơ thể thì protein, lipid, glucid đều có thể chuyển thành chất béo dự trữ. Do đó không nên quan niệm rằng, cứ tiêu thụ nhiều đường thì mới gây ra thừa cân béo phì.
Liệu áp tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có hiệu quả trong bối cảnh có nhiều thực phẩm có chứa đường và có lượng calo cao khác cũng đang tồn tại trên thị trường. Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với chỉ mỗi nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác mà những thực phẩm thay thế này cũng có thể là nguyên nhân của các bệnh không lây nhiễm. Do đó công cụ thuế trong trường hợp này khó mà thay đổi hành vi người tiêu dùng thậm chí còn có thể tạo điều kiện cho các hàng hóa buôn lậu, các thực phẩm đường phố không được kiểm soát về chất lượng và khó khả thi trong việc quản lý thu thuế.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Việt Nam, cho rằng: Có nhiều nguyên nhân gây nên TCBP, nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không đảm bảo giải quyết được các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân béo phì.
Thay vào đó, cần giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường, tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khoẻ. Đồng thời cần sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm. Chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn. Ngoài ra cần tăng cường các hoạt động thể chất. Giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà.
Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Yến, Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: Nhiều quốc gia đã bãi bỏ chính sách thuế sau một khoảng thời gian áp dụng do tính thiếu hiệu quả của biện pháp thuế này đối với TCBP và tác động tiêu cực đối với kinh tế xã hội. Ví dụ: Đan Mạch, California, Illinois (Hoa Kỳ), Na Uy...
Trong khi đó, nhiều quốc gia không áp dụng biện pháp đánh thuế nhưng thành công trong việc kiểm soát TCBP nhờ thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục lối sống, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất. Ví dụ như Singapore, Nhật Bản, Đức...
Cách tiếp cận bền vững để giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm khác bao gồm tăng cường giáo dục, tuyên truyền, áp dụng các chính sách và khuyến khích người dân duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, cũng như tăng cường các hoạt động thể chất.
Cần có sự hợp tác liên ngành, thay vì chỉ sử dụng đơn lẻ chính sách về thuế
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, Thuế TTĐB đối với đồ uống có đường phải được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, về đối tượng chịu thuế, thuế suất và cách thức sử dụng nguồn thu cho các chương trình nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2024, dù tỷ lệ mắc bệnh thừa cân béo phì tăng từ 2,1% lên 3,6% và nằm trong số 14 nước có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp nhất thế giới (xếp thứ 179/192), nhưng tốc độ tăng thừa cân béo phì ở nhóm dân số dưới 19 tuổi ở mức cao (tăng bình quân 5,7%/năm với nhóm dưới 5 tuổi, và 8,4%/năm với nhóm 5-19 tuổi), tỷ lệ mắc bệnh thừa cân béo phì của trẻ em Việt Nam ở mức 19%, xếp thứ 108/192 quốc gia. Điều này cho thấy, bệnh thừa cân béo phì tại Việt Nam tăng nhanh chủ yếu thuộc nhóm 5-19 tuổi. Do vậy, liệu việc áp thuế cao hơn có điều tiết được hành vi tiêu dùng của nhóm này vẫn là bài toán cần lời giải.
Trong bối cảnh trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần có sự hợp tác liên ngành, thay vì chỉ sử dụng đơn lẻ chính sách về thuế, bao gồm: Nâng cao nhận thức về tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em trong cộng đồng và đối với các nhà hoạch định chính sách; Tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về tác động kinh tế và sức khỏe của bệnh thừa cân béo phì, các biện pháp can thiệp giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em để cung cấp đủ bằng chứng cho nhà làm chính sách; Đẩy nhanh các chương trình hiện có và xây dựng các chính sách và chương trình cụ thể khác để giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em tại Việt Nam.
Và, phải có lộ trình phù hợp để đảm bảo DN hòa nhập
Ông Lương Xuân Dũng- Chánh văn phòng Hiệp hội rượu bia nước giải khát Việt Nam cũng đề nghị: Mỗi lần thay đổi luật, cần tính về tính khả thi, lâu dài, công bằng. Ví dụ, Việt Nam chưa có số liệu khảo sát thực tế về tiêu thụ đường. Giả sử 1 triệu tấn đường thì cần tính % cho ngành nước giải khát, trong khi phần còn lại không tính thuế TTĐB, thì cần xem xét tính công bằng. Liệu rằng tính khả thi của thuế TTĐB như nào. Nhiều nước cũng chứng minh là tiêu thụ đường cao nhưng họ không đánh thuế TTĐB hoặc đã đánh thuế rồi bỏ. Việt Nam cần xem xét để tránh ảnh hưởng hoạt động SXKD của DN.
Hơn nữa, khi khó khăn, tăng thuế sẽ tăng giá, mà khiến cho người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm quản lý được và chuyến sang tiêu thụ đồ đường phố không kiểm soát, gây ra nguy cơ. Khảo sát cho thấy 49% sẽ chuyển sang các sản phẩm đường phố.
"Thời điểm này chưa nên đưa nước giải khát có đường vào chịu thuế TTĐB", ông Lương Xuân Dũng nói.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam chia sẻ: Heineken và các hiệp hội luôn ủng hộ mục tiêu tăng thuế để bảo vệ người dân, môi trường, tuy nhiên việc tăng thuế này cần đảm bảo hài hòa lợi ích. Hiện tại, Heineken đánh giá thuế TTĐB ảnh hưởng lớn, việc tăng thuế cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo DN hòa nhập.
Ông Nguyễn Thanh Phúc đề nghị: Cần có nghiên cứu chuyên sâu về tác động KTXH của thuế TTĐB. Với phương án 2 tăng thuế mạnh thì sẽ có ảnh hưởng lớn tới thu ngân sách. Việc giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng nhiều ngành khác như ăn uống, du lịch đêm, từ đó làm xói mòn nguồn thu Việt Nam.
Heineken kiến nghị để tạo điều kiện cho các ngành phục hồi, nên giữ thuế nguyên trong 2026, tăng thuế từ 2027, nên tăng không quá 2 năm/ lần, mỗi lần 5%, hướng tới tối đa 80%. Về giảm tiêu thụ cồn, thì có rủi ro về kinh tế bất hợp pháp, như các người tiêu dùng chuyển sang sử dụng là không rõ nguồn gốc và trốn thuế.
Theo Báo cáo Nghiên cứu của CIEM đánh giá tác động kinh tế - xã hội của thuế TTĐB (thực hiện năm 2018, được cập nhật năm 2021) thì nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% thì dẫn tới thiệt hại đối với nền kinh tế là khoảng 880,4 tỷ đồng. Trường hợp áp dụng đồng thời cả thuế TTĐB ở mức 10% và tăng thuế GTGT thêm 2% đối với mặt hàng nước giải khát thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tăng thêm 1069,1 tỷ đồng. Nếu tăng thuế GTGT thêm 1% thì cũng đã khiến sản lượng của ngành mía đường ước tính giảm 28,8 nghìn tấn; tương đương với doanh thu sụt giảm 302,4 tỷ đồng trong khi giá trị thuế GTGT thu được chỉ tăng thêm 217,4 tỷ đồng, nghĩa là thiệt hại gần 100 tỷ đồng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hơn 300.000 hộ gia đình trồng mía.
Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các DN trong chuỗi giá trị theo chiều dọc (như ngành mía đường) và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.
Xét về bản chất, mục tiêu chính của thuế là công cụ tạo nguồn thu cho NSNN, cơ sở kinh tế của thuế vẫn là sản xuất kinh doanh, do vậy việc áp thuế phải luôn tính đến các tác động tương quan đối với phát triển kinh tế, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cũng như tác động đối với các nguồn thu ngân sách khác.
Ví dụ, việc tăng thuế TTĐB nếu có thể giảm tiêu thụ thì cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của DN và dẫn đến nguồn thu tư thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN cũng giảm theo.
Đối với thuế TTĐB, ngoài chức năng tạo nguồn thu cho NSNN, còn có thêm chức năng điều tiết, định hướng tiêu dùng, nhưng các chức năng đó chỉ có thể phát huy được trong điều kiện quản lý tốt cùng với sự phối hợp, tự giác tuân thủ của người dân. Tuy nhiên, như có ai đó đã từng nói, thuế không thể là chiếc chìa khóa vạn năng để mở mọi cánh cửa, để giải quyết mọi vấn đề theo mong muốn của chúng ta.
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước ngọt cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, cụ thể, kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội.
Thanh Tùng (t/h)