Người tiêu dùng thận trọng với rau đạt tiêu chuẩn VietGAP

Hoàng Huyền
Vụ việc một số doanh nghiệp “hô biến” rau từ chợ đầu mối gắn mác thành rau chuẩn VietGAP và đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn đã khiến người tiêu dùng Thủ đô lo ngại, thận trọng hơn khi mua các sản phẩm gắn mác rau sạch ở các siêu thị.
nguoi-tieu-dung-than-trong-voi-rau-dat-tieu-chuan-vietgap-dulichgiaitri-bao-ve-nguoi-tieu-dung-1665482000.jpg
 

Khảo sát nhanh trong các siêu thị lớn, hiện không phát hiện các sản phẩm rau sạch thuộc các đơn vị bị “vạch trần” là Trình Nhi, Đông A, Hugo Farm

Thận trọng hơn khi mua rau trong siêu thị

Hiện nay, rau sạch đang là vấn đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm, nhất là sau thông tin rau “rởm” biến hình thành rau đạt chuẩn VietGAP vào các hệ thống siêu thị. Trước đó, báo chí đã phản ánh hiện tượng thông qua nhiều phương thức khác nhau, một số doanh nghiệp đã “phù phép” để rau trôi nổi được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sau đó được phân phối, có mặt trên kệ các siêu thị lớn với giá cao hơn giá trị vốn có của nó.

Thông tin trên ngay lập tức đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng không chỉ tại địa bàn TP.HCM mà còn ảnh hưởng đến nhiều người dân trên cả nước, trong đó có người tiêu dùng Thủ đô. Việc bỏ ra số tiền lớn hơn để mua “rau sạch” trong siêu thị nhưng người tiêu dùng lại nhận về sản phẩm không rõ chất lượng, nguồn gốc khiến nhiều người bức xúc.

Theo khảo sát của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, tại một số siêu thị Big C, Winmart, Winmart+… trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng rau thuộc các đơn vị trong vụ gắn mác VietGAP là Trình Nhi, Đông A, Hugo Farm… không có trên kệ hàng.
Tại siêu thị Big C, đơn vị này phân phối các mặt hàng rau xanh, rau gia vị, nấm… từ các nhà phân phối như rau an toàn Tứ Xã (Phú Thọ), ThaiExo Bắc Giang, HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội), Hasfarm Greens… giá của các sản phẩm này dao động từ 25.000-100.000 đồng/kg tùy loại. Hạn sử dụng, nguồn gốc các sản phẩm đều được ghi rõ ràng trên bao bì.

Tiêu chuẩn VietGAP được xây dựng và ban hành bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, áp dụng cho các sản phẩm thuộc nhóm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. 4 yêu cầu trong VietGAP đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nói chung và đối với rau sạch nói riêng bao gồm: Các tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi sản phẩm rau sạch VietGAP đạt được chứng nhận thì sẽ được dán tem VietGAP lên sản phẩm/ bao bì của sản phẩm.

Tuy nhiên, một khi niềm tin đã mất, người dân rất dè chừng, thận trọng với các sản phẩm được dán nhãn “rau sạch” trong siêu thị. Chị Phạm Thị Hoa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang loay hoay chọn tới chọn lui vài loại rau trong siêu thị để nấu bữa tối cho gia đình. Sau cùng, chị quyết định không mua, chị chia sẻ, gia đình thường xuyên đến các siêu thị lớn, nhỏ để mua thực phẩm, trong đó có rau, củ quả. Nhưng hiện nay, không biết đâu là rau sạch thật, đâu là rau sạch “rởm” nên rất ngần ngại và quyết định không mua rau ở đây nữa.

Sau vụ việc sau rởm biến thành “rau xịn”, nhiều bà nội trợ khác đã chọn cho mình giải pháp “tự cung tự cấp”, tận dụng khoảng trống trên sân thượng, hay ban công để trồng rau cho đảm bảo, yên tâm trong từng bữa ăn. Hoặc có những gia đình lựa chọn rủ nhau thuê đất nông nghiệp của người dân để tự trồng rau để đảm bảo nguồn rau sạch đúng chất lượng cho gia đình mình. Chị Lại Nguyên Thảo (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Sau thông tin vụ rau không rõ nguồn gốc gắn mác rau rạch, nhà tôi tích cực ăn rau nhà trồng, tôi liên tục trồng rau trong những hộp xốp, thùng nhựa, tự tay mua con giống và chăm sóc nên rất an tâm”.

Cần nhanh chóng lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng

Sau khi sự việc bán rau từ chợ, nấm Trung Quốc gắn mác VietGAP nổi lên, động thái của các chuỗi bán lẻ Winmart+, Bách Hóa Xanh, Tiki Ngon, 3Sạch… là thu hồi và ngưng nhập hàng của các nhà cung cấp. Đồng thời, các nhà bán lẻ này yêu cầu các nhà cung cấp giải thích về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và quy trình cung ứng. Hầu hết, chuỗi bán lẻ đều khẳng định tuân thủ quy định kiểm soát hàng hóa và quy trách nhiệm nhà cung cấp vi phạm hợp đồng, đánh tráo, gian lận nhãn hiệu và hàng hóa… Những nỗ lực này đang cố gắng lấy lại niềm tin đối với người tiêu dùng.

Để rút kinh nghiệm bài học này, chuyên gia Vũ Vinh Phú -nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội - cho rằng các siêu thị cần quản trị doanh nghiệp nội bộ cho tốt. Theo đó, cần quản trị chuỗi cung ứng ngắn từ đầu vào cho đến khâu nhập hàng, bảo quản trong kho cho đến sơ chế, tổ chức bán ra và theo dõi khi đến tay người tiêu dùng. Tức là phải phân công, phân nhiệm các nhiệm vụ chịu trách nhiệm, nhất là khâu nhập hàng.

Đồng thời phải luôn luôn lắng nghe người tiêu dùng qua các hòm thư góp ý. “Phải xem lại quy chế về trung tâm thương mại, siêu thị mà Bộ Công thương vừa sửa đổi, đã có quy định về những vấn đề này. Các siêu thị cần chấp hành nghiêm quy chế đó”- ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Bên cạnh đó, chuyên gia Vũ Vinh Phú khuyên rằng, để bảo vệ quyền lợi cho chính mình và cho toàn xã hội thì trước hết người tiêu dùng khi mua hàng cần kiểm tra mặt hàng trước khi nhận, lựa chọn tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tìm đến những địa chỉ bán hàng có gắn thương hiệu (có gắn sao), hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ và có cả bộ phận chăm sóc khách hàng.

BÀI VÀ ẢNH: HÀ LAN