Bài 1: “Lớp cha trước, lớp con sau“

Admin
(PNTĐ) - Có thể nói, trà ướp hương sen Tây Hồ là một thức uống tao nhã trong văn hóa của người Hà Nội và là niềm tự hào của người dân Tây Hồ. Với những gia đình gắn bó mấy chục năm với nghề ướp trà sen, ai cũng mong muốn "lửa" nghề truyền thống được giữ mãi, nghề không bị mai một, thất truyền. Bởi thế, dù nhiều vất vả nhưng ai cũng tâm huyết, say sưa "nâng giấc" cho mỗi mẻ trà, để niềm tự hào về một nghề đẹp đẽ, cao quý ấy tiếp tục "tỏa hương".
Bài 1: “Lớp cha trước, lớp con sau“ - ảnh 1

Nằm ven hồ Tây thơ mộng, nơi những đóa sen Bách diệp cứ tới độ hè về lại tỏa hương thơm dịu mát, cơ sở ướp trà sen Hiền Xiêm của gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm và vợ Lưu Thị Hiền (tại phường Quảng An, quận Tây Hồ) nhiều năm nay đã trở thành "điểm hẹn" yêu thích của đông đảo người dân Hà thành cũng như du khách thập phương. Họ đến đây, không chỉ để thưởng thức và tìm mua thứ thức uống tao nhã, đặc sản trứ danh của Hà Nội mang tên "trà sen", mà còn mang theo mong muốn được hòa mình vào không gian đượm hương sen, được trải nghiệm từng công đoạn ướp trà sen tỉ mẩn... tựa như gói vào đó cả tấm lòng và tình yêu với nghề, với người.

Dòng họ ông Ngô Văn Xiêm đã 16 đời ở ven Hồ Tây, từ lúc mảnh đất này còn rất hoang vu. Xóm Mẩu - nơi dòng họ Ngô chọn để trú ngụ cũng chỉ là một vòm đất nhô ra bên hồ. "Hồi tôi còn trẻ, xóm có 12 gia đình trong đó 4-5 hộ làm trà sen. Những người thương mại hóa đầu tiên trà sen phải kể đến các bà cô, bà thím trong họ. Còn tôi thì thầu các hồ Đầm Trị, Thủy Sứ, Ao Chùa, Đầu Đồng để trồng sen, buôn sen, hằng năm trả sản lượng cho xã bằng thóc. Có mấy chục bà quanh đây chuyên lấy hoa sen của tôi mang xuống phố bán rồi bán luôn cả trà sen. Có thể nói, cả tuổi thơ của tôi đều được đắm mình giữa hương sắc của sen, vị thơm của trà. Ngay từ nhỏ, tôi đã biết tách cánh, phơi nhụy, xem bố mẹ ướp trà. Cứ thế, nghề ướp trà len lỏi, ăn sâu vào tiềm thức, "ngấm" vào tôi lúc nào không biết".

Hẳn là tình yêu dành cho nghề ướp trà sen rất lớn, nên trong câu chuyện bên chén trà thơm đượm vị, thi thoảng lại thấy ông Xiêm tấm tắc "tôi mê nghề này lắm". Ông kể: "Tới khi học lớp 7 tôi đã rất vững nghề, được ông nội khen suốt. Nhưng khi đó mình còn nhỏ chưa hiểu chuyện. Nghề ướp trà sen cũng chưa phát triển. Thời ấy, các cụ chủ yếu ướp trà để uống, đãi bạn, làm quà biếu mỗi dịp lễ, Tết và dùng để bán hoặc trao đổi lấy những thực phẩm khác. Nên sau khi học xong phổ thông, tôi quyết định đi làm công nhân thay vì cùng gia đình làm trà sen.

Bài 1: “Lớp cha trước, lớp con sau“ - ảnh 2

Nhiều năm qua rồi nhưng tôi vẫn nhớ mỗi lần được nghỉ phép về nhà đều được mẹ động viên: "Ướp trà sen là nghề đẹp đẽ, cao quý và hay lắm, con hãy về giữ lấy nghề của cha ông". Ông nội tôi cũng bảo: "Con có cái tâm tốt, lại biết nhẫn nại, theo nghề ướp trà chắc chắn làm nên thành tựu". Mãi sau này, khi cuộc sống bươn chải đã mang đến cho mình vốn kinh nghiệm tương đối, tôi mới thực sự hiểu và thêm trân quý giá trị của nghề. Năm 1978, tôi quyết định về hưu sớm, trở về nối nghiệp gia đình. Càng làm tôi càng thấy nghề này tinh túy, thơm tho, rất đáng quý trọng".

Và điều đáng quý trọng nhất theo ông Xiêm không phải ở giá trị kinh tế nghề ướp trà sen mang lại, mà ở giá trị văn hóa của nó. Trước tiên là văn hóa trong gia đình. Bởi làm trà sen là làm từ tâm. Phải người có tâm với trà, với sen, yêu mến nghề mới làm được. Ấm trà sen khi thưởng thức thì thanh tao là vậy, nhưng để làm ra trà phải trải qua biết bao vất vả. Những ai thực sự tâm huyết mới trụ lại được với nghề bởi 4 giờ sáng đã đi lấy hoa, 7-8 giờ sáng về nhà gỡ gạo trong bông ra, đến trưa thì đem ướp với trà, chiều đến lại sấy trà.

Bài 1: “Lớp cha trước, lớp con sau“ - ảnh 3

Khi tách gạo sen tuyệt đối không quạt, không điều hòa bất kể bên ngoài trời nóng tới đâu để tránh sen bay mất hương thơm. Ấy là chưa kể, bông sen sau khi ngắt về cũng chỉ lấy được ít gạo sen. 100 bông sen mới thu được khoảng 1 lạng gạo; thế mà mỗi 1 kg chè cần tới 2-2,5 lạng gạo sen. Riêng loại đặc biệt phải dùng khoảng 1.500 bông sen mới ướp được 1kg trà. Mà mỗi mẻ trà phải qua đủ 21 ngày với 7 lần vào hương và 7 lần sấy bằng than hoa mới hoàn thành. Khi sấy trà cũng không được dùng quạt dù nhiệt độ bên bếp lửa thường 60-70 độ C.

"Vất vả là vậy nhưng quý ở chỗ tất cả mọi người, kể cả những đứa cháu mới 7-9 tuổi của tôi vẫn hăng hái làm sen mà không một lời than phiền nhọc nhằn, mệt mỏi. Trước đây không làm nghề, thi thoảng trong nhà còn có tiếng vợ chồng cãi cọ, xô xát; nhưng khi vào vụ sen, chưa một lần mọi người to tiếng với nhau, ai cũng hăng say làm sen, ướp trà. Tôi vẫn hay so sánh vui rằng, thông thường các gia đình chỉ có Tết được sum họp bên nhau, nhưng cũng chỉ vài ngày. Còn ở nhà tôi, mỗi vụ sen là cả gia đình mấy thế hệ luôn quần tụ bên nhau không vắng một ai. Những bữa ăn ấm cúng trong vụ sen chính là sợi dây liên kết vô hình, giúp mọi thành viên vun bồi tình cảm để gia đình thêm hạnh phúc bên cạnh có kinh tế tốt" - ông Xiêm bộc bạch.

Để rồi vượt lên trên giá trị trong gia đình, ông Xiêm cho rằng nhân rộng ra chính là nét đẹp trong đối nhân xử thế, nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Tràng An. Giá trị trà sen Tây Hồ cũng như một bảo chứng trưng cất tinh hoa đất trời Hà Nội ban tặng cho con người. Nó là sự hòa quyện giữa cái "đức" của trà, cái hồng thắm sâu sắc, mùi hương an lành thấu khắp thế gian tạo nên cảm giác bình an trong chính tâm hồn.

Bài 1: “Lớp cha trước, lớp con sau“ - ảnh 4
Mỗi vụ sen, gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm lại đông như trẩy hội. Người lớn, trẻ nhỏ cùng say sưa, tỉ mẩn với từng bông sen.

Cứ thế, đời con tiếp nối đời cha, dòng chảy của giá trị văn hóa từ trà sen cứ thế được vun bồi, hun đúc, chuyển tiếp từ thế hệ cao niên tới lớp lớp người trẻ. Bà Lưu Thị Hiền khi giới thiệu về cơ sở trà sen của gia đình cũng không quên "khoe" rằng, hiện nay cửa hàng trà sen Hiền Xiêm đang vận hành với khoảng 30 lao động (15 người là các thành viên trong gia đình, từ ông bà tới các cháu nội, ngoại; và 15 người khác là họ hàng xa hoặc bạn bè, hàng xóm xung quanh). Trong số 3 người con của ông bà, thì 2 con trai mỗi sáng nhận nhiệm vụ ra đầm sen vào buổi sáng sớm để chọn những bông do, dầy hương mang về nhà; còn 2 con dâu và 1 cô con gái út, người thì đảm nhiệm việc ướp trà, bán hàng, người lại đảm đương trách nhiệm sấy trà.

Còn chị Lư Thị Phấn (SN 1983) - con dâu út của gia đình nghệ nhân Xiêm chia sẻ: "Bởi không phải người gốc Hà Nội mà được sinh ra và lớn lên ở tận Bạc Liêu, nên với tôi, việc thưởng lãm và hiểu văn hóa trà sen trong những ngày đầu tiên về làm dâu gặp rất nhiều nhiều bỡ ngỡ. Nhưng dần dần, qua quan sát và được bố, mẹ, anh chị trong nhà cầm tay chỉ việc, tôi lại thêm "thẩm", "thấu", để rồi tay nghề nâng cao tự lúc nào; và tình yêu với nghề ướp trà sen truyền thống cũng ngày một lớn. Không riêng tôi mà các con tôi cũng được ông bà, bố mẹ trao truyền lại kỹ pháp làm trà sen, như một bước chuyển để nuôi dưỡng tình yêu, đam mê với nghề trong thế hệ trẻ từ sớm. Và tôi chắc chắn sẽ nối gót bố mẹ chồng gắn bó với nghề ướp trà sen, cố gắng thực hiện tốt nhất kỳ vọng của ông bà".

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề